Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân

Soi xe - Ngày đăng : 07:59, 16/08/2020

Những chiếc xe ô tô ngập nước thường được chào bán với giá rẻ hấp dẫn. Nếu người mua 'gà mờ', rất dễ ôm nợ vào thân khi mua phải xe chưa được khắc phục triệt để, tiền sửa sau đó sẽ rất tốn kém.

Ngập nước luôn là kẻ thù số 1 đối với các phương tiện ô tô, xe máy bởi bên ngoài hình dáng cơ khí thì ẩn chứa bên trong chiếc xe có rất nhiều hệ thống điện tử, các chi tiết bôi trơn không được phép tiếp xúc nước…

Mua một chiếc xe cũ trong ngày khô ráo, chưa chắc chủ nhân tương lai đã biết rõ chiếc xe có “bơi lội” hay không nếu người bán cố tình giấu nhẹm.

"Lỗ nặng" vì dính xe ngập nước

Anh Trương Hoàng Quân (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đang đau đầu giải quyết “cục nợ” là chiếc Kia Morning vừa mới ôm vào. Anh Quân kể đã mua chiếc xe của một người ở Phú Thọ với giá chỉ 140 triệu đồng. So với các xe Kia Morning cùng đời, số tự động, gốc nhập khẩu trên thị trường đang bán khoảng 170 - 180 triệu đồng, mức giá này là rẻ.

Khi mua, anh chủ quan không cho xe đi kiểm tra ngay, chỉ chạy thử và đánh giá sơ qua thấy ưng là mua. Thế nhưng chạy được 2 tuần, thấy máy chạy yếu, số vào chậm và có tiếng động bất thường, anh mới đem vào gara kiểm tra.

“Thợ nói xe phải mở máy kiểm tra. Kết quả là một tay biên có dấu hiệu bị cong, thành xi-lanh xước làm yếu hơi. Chưa hết, hộp số cũng bị hư hại không thể sửa mà phải thay "hàng bãi". Nguyên nhân có thể xe đã bị nước vào vì dầu máy và hộp số có màu lạ. Tổng chi phí khắc phục khoảng 40 triệu đồng”, anh Quân kể.

Nhận được báo giá từ mà anh Quân thấy chán nản bởi số tiền anh dồn mua xe chỉ còn dư chút ít, nay sửa lại phải vay mượn thêm. Liên hệ với người bán thì họ phủi tay bảo không còn liên quan, xe đã mua phải tự chịu.

Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Một trường hợp mở bung máy để khắc phục nước xâm nhập làm cong tay biên, xước thành pit-tông...

“Quả đắng” như trường hợp của anh Quân không hề hiếm. Theo anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (phố Lạc Nghiệp, Hà Nội), xe ngập nước không xử lý hết thường rơi vào xe cũ, đời sâu, chủ xe nếu ham rẻ mà không kiểm tra kỹ rất dễ…ôm nợ.

“Thông thường nếu xe bị thủy kích ngay do lội nước rất dễ nhận biết qua việc chết máy buộc chở cứu hộ về, phải mở máy kiểm tra. Nhưng có những xe nước xâm nhập vào chưa đến mức nặng vẫn cố đi, chủ xe không sửa chữa đến nơi đến chốn", anh Nhân cho biết.

Theo anh, hậu quả là tay biên bị cong làm động cơ bị mất công suất, thành xi-lanh gỉ khiến pit-tông chuyển động gây ra xước làm hơi bị kém, xe ra nhiều khói. Với xe số tự động, nguy cơ hỏng hộp số là rất lớn nếu không được vệ sinh và thay dầu ngay sau khi ngập nước. Các chi tiết như cảm biến, van dầu, van điều khiển rất dễ hư hại.

Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Dưới sàn xe Mercedes-Benz có rất nhiều chi tiết điện tử
Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Trong khi đó trên sàn xe bình dân như Toyota Innova rất ít chi tiết điện tử

Khi xe đã hỏng hóc tới phần động cơ và hộp số thì chi phí sửa chữa, thay thế là rất tốn kém, không phân biệt giá trị chiếc xe còn lại theo thời gian rẻ hay đắt.

Với dòng Kia Morning đời thấp như của anh Quân, để sửa chữa động cơ cần thay mới tay biên, xéc-măng, dầu máy, mài lại thành pit-tông…chi phí cũng lên tới chục triệu đồng. Với dòng xe cao hơn, số tiền lên tới 15-20 triệu đồng.

“Đó là với gara tư nhân bên ngoài, còn vào các đại lý bảo hành chính hãng, chi phí gấp 2, gấp 3. Xe sang như Mercedes-Benz hay BMW tiền sửa máy lên tới hàng trăm triệu là bình thường”, ông chủ gara Trọng Nhân chia sẻ.

Anh Nhân kể thêm, mới đây một chiếc Ford Escape đời 2004 cũng phải vào gara của anh để thay thế cụm hộp số lên tới 30 triệu đồng, trong khi giá trị xe chỉ khoảng 160 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phần nội thất nhiễm nước cũng tiềm ẩn rủi ro khiến chủ xe tốn tiền nếu không xử lý sớm.

Theo chuyên gia ô tô Vĩnh Nam, nội thất xe khác nhau về cả thiết kế lẫn trang bị tùy theo dòng. Với xe hạng sang như Mercedes-Benz, rất nhiều linh kiện điện tử đắt tiền được trang bị ngay ở trên sàn xe, khi ngập nước, thiệt hại khó đong đếm. Tuy nhiên, với xe giá rẻ, sàn xe đơn thuần là các chi tiết cơ khí nên nguy cơ hỏng hóc phần điện ít hơn, chiếc xe chỉ gặp phải vấn đề gỉ sét hoặc ẩm mốc.

Làm gì để tránh mua phải xe đã từng ngập nước

Mua xe từng ngập nước nhưng đã khắc phục không phải là một lựa chọn tồi nếu bán đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, rất khó đòi hỏi sự minh bạch này từ chủ xe. Vì vậy, trước khi đi đến quyết định mua một chiếc xe cũ, người mua có thể tham khảo một số kiến thức dưới đây.

Theo chuyên trang mua bán ô tô Car24 của Mỹ, bằng kiểm tra mắt thường nếu tinh ý người mua sẽ cần để ý những dấu hiệu khả nghi.

Đầu tiên, hồ sơ của chiếc xe cần đầy đủ với lịch sử sửa chữa, bảo dưỡng, nhờ nó người mua sẽ biết được những hạng mục đã sửa trong quá khứ.

Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Nước ngập vào sàn xe một thời gian dài có thể để lại những dấu hiệu dễ nhận biết bằng mắt và mùi

Với xe ngập nước, các dấu hiệu bên ngoài khó nhận biết, vì thế, bạn cần để ý vào chi tiết như cụm đèn pha mờ hơi nước, vết ngấn nước, ố vàng, vết mờ, các mép cửa, mép gần chỗ mở capo, đai ốc, bản lề. Nếu các chi tiết kim loại bị gỉ và ăn mòn, đó có thể là dấu hiệu xe đã ngâm nước lâu.

Ở bên trong nội thất xe, những chiếc xe từng bị ngập nước thường có mùi ẩm mốc ở những chi tiết dễ ngậm nước như lớp bọc sàn xe, mút chân ghế, chân kẽ dây đai bảo hiểm… Bạn có thể ngửi hoặc cảm nhận độ ẩm bằng cách áp má bàn tay xuống dưới lớp lót sàn.

Ngoài ra, bạn có thể quan sát thật kỹ về độ chính xác, tinh tế ở các chi tiết nội thất được lắp. Nếu chiếc xe ngập nước đã được tháo nội thất phơi nắng, sấy khô thì việc lắp lại như cũ vẫn có thể bộc lộ các khiếm khuyết nào đó.

Ham rẻ mua phải xe ngập nước, ôm nợ vào thân
Một số chi tiết không có khả năng chống gỉ mạnh như bu-lông, ốc vít nếu bị hư hại nặng, cần phải nghi ngờ

Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra kỹ các hệ thống điện trên xe để phát hiện dấu hiệu của việc ngâm nước như đèn nền trên đồng hồ tốc độ có bật sáng rõ hay không, hệ hống âm thanh có tiếng ồn nào như bị bóp nghẹt hoặc không tròn tiếng hay không. Khi kiểm tra bảng điều khiển và hệ thống dây điện gần sàn xe, nếu dây đã cứng hoặc cảm thấy dễ vỡ, có thể, chúng đã tiếp xúc với nước.

Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho rằng, mua phải những xe ngập nước “sắp chết”, phần lớn là do người dân không am hiểu về xe, bị cuốn hút bởi giá quá rẻ so với thị trường.

“Để biết xe có từng ngập nước hay không, các biện pháp kiểm tra bằng cảm quan là chưa đủ, mà cần kiến thức chuyên môn nên người dân bình thường khó có thể nhận biết được khi tìm mua xe cũ”, kỹ sư Tạch nói.

Anh Nguyễn Xuân Đạt (Tây Hồ, Hà Nội), một người kinh doanh xe cũ nhiều năm nay khuyến cao rằng, khách mua xe cần kiểm tra xe ở gara hoặc hãng xe trước khi 'xuống tiền". Thậm chí, cần thỏa thuận bằng văn bản với chủ xe trước khi mua với các điều khoản chặt chẽ như nếu phát hiện ngập nước hoặc dấu hiệu hư hại do nước vào sẽ phải được hoàn lại tiền cọc.