Mẹo giúp tránh tắc đường khi trở lại thành phố sau Tết

Soi xe - Ngày đăng : 11:42, 14/02/2021

Kỳ nghỉ Tết sắp kết thúc cũng là lúc nhiều gia đình chuẩn bị “khăn gói” quay trở lại thành phố, bắt đầu một năm làm việc, học tập mới. Và, tắc đường chính là nỗi ám ảnh đối với nhiều người sử dụng ô tô cá nhân.
Hằng năm, cứ vào ngày cuối cùng đợt nghỉ Tết là nhiều trục đường cửa ngõ những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM lại chứng kiến cảnh hàng dài phương tiện chen chúc, nhích từng mét từ chiều đến đêm. Tắc đường khiến chúng ta mất thời gian, kéo theo sự mệt mỏi và bực tức.

Dưới đây là một số mẹo lời khuyên giúp hành trình trở về thành phố của bạn được thuận lợi hơn, tránh cảnh tắc đường:

1. Đảm bảo phương tiện trong tình trạng tốt

Mẹo giúp tránh tắc đường khi trở lại thành phố sau Tết
Kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành để đảm bảo chiếc xe đang có tình trạng tốt. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Khi trở lại với thành phố sau Tết, không thể tránh được tình trạng đông xe cùng đổ dồn về các tuyến đường cửa ngõ. Việc tắc đường quá lâu có thể dẫn tới chiếc xe của bạn bị nóng máy, nặng có thể chết máy giữa đường.

Bạn phải mất nhiều thời gian để chờ máy nguội và tìm cách khắc phúc. Điều này còn khiến tình hình ùn tắc giao thông càng trở nên phức tạp hơn. Do vậy, hãy dành một chút thời gian kiểm tra kỹ các chi tiết trên xe trước khi khởi hành.

Cũng giống như việc kiểm tra xe trước khi về quê ăn Tết, bạn cần “soi” qua các chi tiết như: Lốp xe, phanh, ắc quy, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, đèn xe,… nhằm đảm bảo chiếc xe của bạn đang có trạng thái tốt nhất.

2. Chọn lộ trình thích hợp

Có nhiều tuyến đường để vào thành phố mà bạn có thể đi, không nhất thiết phải là trục đường trục chính. Bạn có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc nhằm lựa chọn cung đường khác hợp lý.

Mẹo giúp tránh tắc đường khi trở lại thành phố sau Tết
Hình ảnh cửa ngõ phía Nam TP. Hà Nội trong ngày cuối cùng đợt nghỉ Tết Canh Tý năm 2020. (Ảnh: Phạm Hải)

3. Cân nhắc thời điểm xuất phát

Tâm lý thông thường của nhiều gia đình là muốn hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ Tết. Hầu hết đều xuất phát trở về thành phố vào buổi chiều của ngày nghỉ cuối cùng (năm nay là ngày mùng 5 Tết). Lượng phương tiện ô tô, xe máy quá lớn cùng đổ về khiến các cửa ngõ kẹt cứng.

Nếu không có việc gì quá cần thiết, bạn nên thay đổi thời điểm xuất phát để chuyến đi được “dễ thở” hơn. Có thể căn giờ đến thành phố vào buổi sáng mùng hoặc tối muộn để tránh khung giờ cao điểm chiều (thường bắt đầu từ khoảng 15-20h).

Hoặc tốt nhất, hãy trở về thành phố trước hoặc sau ngày nghỉ cuối cùng 1 ngày để tránh bị mất thời gian, mệt mỏi vì tắc đường, lại có thêm 1 ngày để nghỉ ngơi, chơi Tết.

4. Giữ khoảng cách an toàn, không phanh gấp

Khi xảy ra tắc đường, khoảng cách giữa các xe thường bị thu hẹp lại. Trong khi đang di chuyển, xe phía trước có thể phanh gấp bất cứ lúc nào mà nếu không chú ý, bạn rất dễ đâm vào. Khi đó, lỗi sai hoàn toàn thuộc về bạn khi đã không giữ khoảng cách an toàn.

Khi đi đường tắc, bạn cũng nên hạn chế tối đa việc phanh gấp, sẽ khiến xe phía sau đâm phải, rất mất thời gian để giải quyết.

Mẹo giúp tránh tắc đường khi trở lại thành phố sau Tết
Khi trở lại thành phố, lái xe nên đi đúng làn đường, phần đường của mình và tuân theo sự điều tiết của lực lượng chức năng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

5. Đi đúng làn đường, phần đường

Một thói xấu mà nhiều lái xe mắc phải khi đường đông là kiểu “điền vào chỗ trống”. Hễ thấy làn bên cạnh có khoảng trống là chuyển làn sang, tạt đầu xe phía sau để “ngoi” lên trên. Trên thực tế không hiếm gặp trường hợp ô tô đi cả vào làn khẩn cấp hoặc vào phần đường dành cho xe máy.

Nếu chỉ vì nóng vội mà chuyển làn, tạt đầu các xe khác sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Đồng thời, điều này còn rất dễ xảy ra va chạm. Lúc đó, bạn phải mất thêm thời gian để giải quyết.

Lời khuyên của những lái xe có kinh nghiệm là hãy bình tĩnh, cố gắng đi đúng là đường và chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết, tránh gây ức chế cho những người tham gia giao thông xung quanh. Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối theo sự điều tiết, phân luồng của các lực lượng chức năng.

Và cuối cùng, luôn giữ cho mình trạng thái thoải mái nhất sau tay lái. Sự nóng vội, ức chế hay mất tập trung đều có thể làm hại bạn.

Chúc các bạn có hành trình trở lại sau Tết an toàn, thuận lợi!

Hoàng Hiệp