Thấy sư tử bị 'đồ sát', trâu rừng thản nhiên đến giúp và cái kết bất ngờ

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:15, 24/05/2021

Sự xuất hiện của trâu rừng khiến cuộc đấu của sư tử bị gián đoạn. Nó thậm chí có hành động "thân thiện" với sư tử bị thương, khiến người xem bất ngờ.

Mới đây, một video thú vị ghi lại cảnh hiếm thấy trong thế giới hoang dã ở Vườn quốc gia bảo tồn sinh vật học Kruger, Nam Phi đã thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thích động vật.

Trong đoạn video, 3 con sư tử đực khác đàn, đang tham gia vào một trận tranh đấu quyết liệt để giành quyền thống trị. Một con sư tử dường như đã bị thương rất nặng, và bị một sư tử đực khác ngọam cổ.

Trong tình thế cấp bách, hai "kẻ tấn công" bỗng nhiên nhìn về phía xa đầy cảnh giác. Sau đó, chúng nhanh chóng lùi lại phía sau và bỏ dở trận đấu. Còn con sư tử bị thương thì kịp gượng dậy và lấy lại thế chủ động.

Nguyên nhân được hé lộ trong giây lát, khi có hai con trâu rừng đang tiến về phía đàn sư tử một cách vô cùng thản nhiên. Sự xuất hiện của chúng chính là lý do khiến trận tranh đấu của sư tử bị gián đoạn.

Trong thế giới tự nhiên, trâu rừng và ngay cả linh dương đầu bò rất ít khi chủ động tiến về phía kẻ săn mồi. Thế nhưng ở trường hợp này, trâu rừng không sợ hãi, và thậm chí có hành động bày tỏ sự "thân thiện", giống như đang cố gắng đỡ con sư tử bị thương ngồi dậy.

Nhiều người lúc này có lẽ đã nghĩ về một kết cục "có hậu", khi sư tử và trâu cùng nhau rời đi, thậm chí trở thành ... bạn bè.

Tuy nhiên, sự khác biệt về giống loài không cho phép tồn tại mối quan hệ như vậy. Về phần con sư tử bị thương, có lẽ nó tưởng rằng mình bị trâu rừng tấn công, nên đã nhảy lên phản kháng, khiến hai "kẻ ngoài cuộc" bỏ chạy.

Thấy sư tử bị đồ sát, trâu rừng thản nhiên đến giúp và cái kết bất ngờ - 1

Sư tử đực trưởng thành vươn vai ở Công viên Quốc gia Etosha, Namibia. Ảnh: Yathin

Trong những cuộc tranh đấu giành lãnh thổ hay quyền làm chủ, người ta thường thấy sư tử đực, và ít khi thấy sư tử cái tham gia.

Đó là bởi cấu trúc cơ thể của sư tử đực phù hợp hơn cho mục đích này. Chúng nặng hơn (trung bình khoảng 200 - 250 kg), khỏe hơn, giúp chúng tự tin "tham chiến". Mục đích của chiếc bờm cũng được cho là bảo vệ cổ và cổ họng của sư tử đực trong các cuộc chiến ác liệt nhằm bảo lãnh thổ với đối thủ.

Thông thường, một số cá thể sư tử sẽ liên tục dẫn đầu đàn để chống lại những kẻ xâm nhập, trong khi những con khác lùi lại phía sau để quan sát.

Một đàn sư tử trung bình bao gồm khoảng 15 cá thể, với một vài con cái trưởng thành và từ 3 - 4 con đực. Tuy nhiên, đàn của sư tử Tsavo luôn chỉ có một con đực trưởng thành.

Cũng có những sư tử chọn làm "kẻ du mục", với lý do bị tách khỏi đàn hoặc con mẹ trong điều kiện tự nhiên. Về cơ bản, sư tử là loài tự do thay đổi lối sống và ít bị ràng buộc; nghĩa là sư tử đơn độc có thể nhập đàn khác và ngược lại.