Cuộc đời của chú tinh tinh đầu tiên bay vào không gian

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:57, 18/02/2021

Vào ngày 31/1/1961, một chú tinh tinh dũng cảm tên Ham đã được phóng lên không gian trong một quả tên lửa từ Mũi Canaveral (Mỹ), và sau đó trở lại Trái đất bình an vô sự. Ham là sinh vật đầu tiên thuộc tông người bay vào không gian.

Vào những năm 1950, người ta vẫn chưa rõ liệu loài người có thể sống sót ngoài Trái đất - cả về mặt thể chất lẫn tinh thần - hay không. Nhà văn khoa học viễn tưởng và là chuyên gia chiến trường Cordwainer Smith thậm chí từng viết về tình trạng tổn thương tâm lý khi bay trong không gian.

Cây cối, côn trùng, và động vật đã được loài người đưa lên những độ cao khác nhau trong những khinh khí cầu và tên lửa từ thế kỷ 18. Liên bang Soviet từng gửi chú chó Laika vào quỹ đạo bằng tàu Sputnik 2 năm 1957. Laika không qua khỏi, nhưng nguyên nhân là do nhiệt độ trong khoang tàu quá cao, không phải bởi những ảnh hưởng của việc du hành không gian.

Trong khi Soviet tập trung nghiên cứu loài chó, Mỹ chuyển hướng sang tinh tinh bởi chúng là loài giống người hơn cả. Cuộc chạy đua càng nóng lên khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy hứa hẹn đưa loài người đặt chân lên Mặt trăng vào cuối thập niên 1960.

Tiểu sử phi hành gia tinh tinh

Ham sinh năm 1957 tại một khu rừng mưa ở quốc gia Trung Phi Cameroon, sau này là thuộc địa của Pháp. Chú bị bắt và đưa đến trường phi hành gia dành cho tinh tinh ở Căn cứ Không quân Holloman ở New Mexico.

Các phi hành gia tinh tinh sau đó đã được huấn luyện cách kéo các cần gạt, mỗi lần thành công sẽ được thưởng một viên thức ăn vị chuối, còn nếu thất bại sẽ bị chích điện vào chân. Chú tinh tinh được chọn sẽ tham gia vào việc thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ sự sống và điều khiển trang thiết bị trong một chuyến bay. Ham thể hiện năng khiếu xuất sắc và được chọn vào ngày ngay trước chuyến bay chính thức.

Ham trước chuyến bay

Vào ngày 31/1/1961, Ham được phóng vào không gian. Chú nằm trong một khoang nhỏ bên trong mũi nón của tên lửa Mercury-Redstone. Tên lửa này bay với vận tốc 9.000km/h và đạt độ cao 251km. Toàn bộ chuyến bay từ lúc phóng cho đến lúc trở về mặt đất kéo dài 16 phút.

Xuyên suốt chuyến bay, Ham được chỉ đạo kéo một chiếc cần. Trong số 50 lần kéo, chú làm không chính xác 2 lần và nhận 2 cú sốc điện. Điều đáng nói là chú thực hiện công việc trong khi bị cắm một chiếc nhiệt kế dài 16cm vào hậu môn nhằm theo dõi nhiệt độ bên trong cơ thể.

Chú tinh tinh dũng cảm đã trải qua 6,6 phút rơi tự do và gia tốc trọng trường 14,7_g_ trong quá trình hạ cánh - lớn hơn nhiều so với dự báo. Dữ liệu sinh học cho thấy Ham đã bị stress trong suốt giai đoạn tăng tốc và giảm tốc.

Jane Goodall, một chuyên gia về hành vi linh trưởng, cho biết cô chưa bao giờ chứng kiến một chú tinh tinh có biểu hiện kinh hoàng đến mức này. Tuy nhiên, Ham tỏ ra bình tĩnh trong môi trường phi trọng lực.

Ham đã sống sót sau chuyến bay, nhưng suýt chết đuối khi khoang chứa bắt đầu bị nước tràn vào sau khi rơi xuống đại dương. May mắn thay, đội cứu hộ trực thăng đã đến cứu chú kịp thời. Bữa ăn dành cho Ham khi bước ra khỏi tàu vũ trụ là một quả táo, và chú đã gặm nó một cách ngon lành.

Ham sau khi được đội cứu hộ đưa lên khỏi mặt nước

Sau chuyến bay lịch sử, Ham đã sống thêm 20 năm nữa trong một sở thú ở Washington. Người ta viết cho chú khá nhiều thư, và một số được trả lời bởi đội ngũ quản lý sở thú, với chữ ký là dấu vân tay của Ham. Năm 1980, chú được gửi đến một sở thú khác để sống với một bầy tinh tinh. Chú qua đời năm 1983 ở tuổi 26.

Ban đầu, người ta dự định sẽ nhồi bông Ham và trưng bày cơ thể chú trong bảo tàng, nhưng sau đó kế hoạch này bị huỷ bỏ vì công chúng phản đối kịch liệt. Dẫu vậy, Ham vẫn phải trải qua một cuộc khám nghiệm tử thi. Da thịt chú bị tách khỏi xương, hoả thiêu, và chôn tại Tượng đài Vinh danh Không gian ở Almogordo, New Mexico. Bảo tàng Quốc gia về Y tế và Dược phẩm ở Washington DC hiện đang lưu giữ bộ xương của Ham.

Cyborg và khỉ, người và máy móc

Ham đứng giữa một "giao lộ" đầy thú vị giữa các giống loài, giới tính, và chủng tộc. "Ham" là viết tắt của Holloman Aero Medical, nhưng theo nhà triết học Mỹ Donna Haraway, "tên gọi của Ham khiến chúng ta nhớ đến người con trai trẻ nhất và cũng là người con da đen duy nhất của Noah".

Trong khi những chú tinh tinh được huấn luyện tại Căn cứ Không quân Holloman, phụ nữ lại bị "cho ra rìa" khỏi những dự án không gian. Phi công Jerrie Cobb nói rằng cô sẽ chấp nhận thế chỗ một trong những chú tinh tinh nếu điều đó đồng nghĩa bản thân được bay vào không gian.

Các phi hành gia thuộc chương trình Mercury những năm 1960 cảm thấy tính đàn ông của họ bị đe doạ khi phải thực hiện cùng những công việc như những chú tinh tinh. Trong một cảnh từ bộ phim The Right Stuff năm 1983, dựa trên cuốn sách của Tom Wolfe trong đó có một vài cuộc phỏng vấn dài hơi của ông với các phi hành gia, một người đã nói rằng:

"Không ai trong chúng tôi muốn nghĩ đến việc họ sẽ gửi một con khỉ lên đó để làm việc của một người đàn ông cả... điều họ đang cố làm với chúng tôi là gửi một người đàn ông lên đó để làm việc của một con khỉ"

Trong tập "Fly me to the Moon" (1967) của phim I Dream of Jeannie, các phi hành gia Tony Nelson và Roger Healey đã huấn luyện chú tinh tinh tên Sam để bay vào không gian.

Họ tỏ rõ sự đố kỵ khi biết Sam sẽ được bay lên Mặt trăng trước mình. "Nó không thể đưa ra quyết định nào, chúng ta nên đưa thêm một con robot lên đó" - Đại tá Nelson nói.

Câu nói này hàm ý đến cuộc chiến đang diễn ra trong số các phi hành gia của cả Soviet lẫn Mỹ về tính tự chủ của các phi công. Ở cả hai phía, việc bị kiểm soát bởi những cỗ máy đều khiến các phi hành gia cảm thấy nam tính của mình bị đe doạ.

Những chú tinh tinh bay vào không gian còn bị xem là hiểm hoạ đến trật tự tiến hoá mà loài người từ lâu đã chấp nhận. Trong một số phiên bản của bức hoạ nổi tiếng về sự tiến hoá của loài người, "March of Progress", hình vẽ đầu tiên là một con khỉ đi bằng khuỷu tay và hình vẽ cuối cùng là một phi hành gia. Ham đã "nhảy cóc" lên vị trí đầu tiên của quá trình tiến hoá trong một bức hoạ như vậy nhưng theo phong cách Hành tinh Khỉ.

Chuyến bay của Ham biến chú trở thành hơn cả một loài động vật, nhưng vẫn chưa phải là con người.

Gần 10 tuần sau chuyến bay của Ham, phi hành gia Soviet Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào không gian khi ông bay quanh Trái đất vào ngày 12/4. Vào ngày 26/11, chú tinh tinh Enos cũng hoàn thành một chuyến bay quanh quỹ đạo.

Chúng ta hiện nay không còn gửi các loài động vật vào quỹ đạo thay cho con người nữa. Nhưng có một chú tinh tinh vẫn còn ở lại trong không gian. Tiếng kêu của một chú tinh tinh hoang dã đã được ghi âm lại trong Đĩa Voyager Golden, và đang được phát đi xa khỏi hệ Mặt trời của chúng ta.