Thiên thạch cổ đại Sao Hỏa có nước trước khi tồn tại sự sống trên Trái đất?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 08:22, 11/11/2020

Chúng ta biết rằng sao Hỏa đã từng ẩm ướt hơn nhiều so với hiện tại, nhưng câu hỏi về thời điểm nước hình thành và bay hơi đi khó trả lời hơn nhiều.
Thiên thạch cổ đại Sao Hỏa có nước trước khi tồn tại sự sống trên Trái đất? - 1
Hình ảnh thiên thạch Người đẹp đen.

Một nghiên cứu mới hiện cho rằng nước đã có mặt trên Hành tinh Đỏ khoảng 4,4 tỷ năm trước, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Đó là dựa trên phân tích của một thiên thạch có tên NWA 7533, được tìm thấy ở sa mạc Sahara và được cho là có nguồn gốc trên Sao Hỏa hàng tỷ năm trước. Quá trình ôxy hóa của một số khoáng chất bên trong thiên thạch này cho thấy sự hiện diện của nước.

Phát hiện mới có thể đẩy lùi ngày hình thành nước ước tính trên Sao Hỏa khoảng 700 triệu năm, từ khung thời gian 3,7 tỷ năm trước, vốn đã được thống nhất chung cho đến nay. Nghiên cứu cũng có thể cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về cách các hành tinh hình thành ngay từ đầu.

Nhà khoa học hành tinh Takashi Mikouchi đến từ Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Tôi nghiên cứu các khoáng chất trong các thiên thạch Sao Hỏa để hiểu cách hành tinh này hình thành và lớp vỏ cũng như lớp phủ của nó tiến hóa. Đây là lần đầu tiên tôi điều tra về thiên thạch đặc biệt này, có biệt danh là “Người đẹp đen” vì màu tối của nó. Mẫu thiên thạch NWA 7533 của chúng tôi đã được trải qua bốn loại phân tích quang phổ khác nhau. Kết quả đã đưa nhóm chúng tôi đến một số kết luận thú vị”.

Các nhà khoa học hành tinh rất quan tâm đến câu chuyện về nước trên các hành tinh và trên Mặt trăng. Một trong những ẩn số lớn là liệu nước có được thêm vào một hành tinh sau khi nó hình thành, thông qua tác động của các tiểu hành tinh và sao chổi, hay liệu nó có xuất hiện tự nhiên trong quá trình hình thành hành tinh hay không.

Những thiên thạch cổ đại như NWA 7533 có thể giúp các nhà khoa học quay ngược thời gian và tìm ra những thông tin quan trọng khi chúng ghi lại các sự kiện tác động lên hành tinh mà chúng đến, đồng thời nắm bắt một số khoáng chất và thành phần hóa học của bề mặt khi chúng được hình thành.

Trong trường hợp này, quá trình ôxy hóa là dấu hiệu nhận biết của nước. Với những mảnh vỡ nhất định bên trong NWA 7533 có niên đại 4,4 tỷ năm trước, đó là kỷ lục lâu đời nhất mà chúng ta có về Sao Hoả.

Mikouchi cho biết thêm: “Các mảnh đá Igneousm hay đá phân mảnh trong thiên thạch được hình thành từ magma và thường do tác động và quá trình ôxy hóa gây ra. Quá trình ôxy hóa này có thể xảy ra nếu có nước hiện diện trên hoặc trong lớp vỏ Sao Hỏa cách đây 4,4 tỷ năm trong một vụ va chạm làm tan chảy một phần của lớp vỏ”.

Sự xuất hiện ban đầu như vậy cho thấy rằng nước thực sự đã có mặt khi Sao Hỏa hình thành và đến lượt nó, nó đóng vai trò nghiên cứu sự hình thành hành tinh nói chung. Nước xuất hiện sự sống, đó là một lý do khiến các nhà khoa học rất háo hức theo dõi nó trên khắp vũ trụ. Để so sánh, chúng ta biết rằng những dấu vết sớm nhất của sự sống trên Trái đất có niên đại ít nhất là 3,5 tỷ năm trước.

Nghiên cứu kỹ lưỡng về Sao Hỏa vẫn tiếp tục khi các chuyên gia cố gắng tìm ra nước có mặt khi nào và nó có thể có dạng gì. Một nghiên cứu gần đây đưa ra ý tưởng rằng cả nước lỏng và băng bề mặt đều có thể tồn tại trên Hành tinh Đỏ cùng một lúc.

Phát hiện của nhóm cũng cho thấy rằng thành phần hóa học tạo nên bầu khí quyển Sao Hỏa vào thời điểm này bao gồm lượng hydro cao có thể khiến hành tinh này đủ ấm để nước tan chảy và sự sống tồn tại, mặc dù Mặt trời trẻ hơn và mờ nhạt hơn trong giai đoạn này.

“Phân tích của chúng tôi cũng cho thấy một tác động như vậy sẽ giải phóng rất nhiều hydro, góp phần làm ấm hành tinh vào thời điểm Sao Hỏa đã có một bầu khí quyển cách nhiệt dày đặc của carbon dioxide”, Mikouchi thông tin.