Vì sao bệnh nhân 994 từng khám ở BV E dương tính sau đó âm tính?

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:39, 21/08/2020

Có thể đặt ra giả thuyết rằng thời điểm lấy mẫu, ta đã bắt được vi khuẩn nằm trong đường hô hấp trên của bệnh nhân có trình tự gene giống nCoV.
Nam bệnh nhân 87 tuổi, trú tại xã Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 19/8 (Bộ Y tế ghi nhận là bệnh nhân 994), khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện E (Hà Nội).

Người này ngay lập tức được chuyển cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được lấy mẫu xét nghiệm trong đêm cùng ngày, cho kết quả lần đầu âm tính.

Tới sáng ngày 20/8, bệnh viện tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lại lần 2 để xét nghiệm khẳng định, đồng thời chuyển mẫu đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chéo bằng các kỹ thuật khác. Tất cả các lần xét nghiệm này của 2 đơn vị đều cho kết quả bệnh nhân 994 âm tính với SARS-CoV-2.

Tối 20/8, Bộ Y tế quyết định rút trường hợp này ra khỏi danh sách những người mắc Covid-19.

Đưa ra giả thuyết về lý do khiến bệnh nhân 994 ban đầu dương tính, sau đó lại có kết quả khẳng định âm tính nCoV, Tiến sĩ Lê Văn Duyệt, Trưởng Labo sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, một số bệnh nhân có các vi sinh vật, vi khuẩn thường trú trong hầu họng. Những vi sinh vật này khác nhau tùy cơ địa từng người.

Nếu hệ gene của những vi sinh vật trong hầu họng đó có điểm tương đồng với virus SARS-CoV-2, rất có thể sẽ gây nên hiện tượng dương tính giả.

“Trường hợp này có thể đặt ra giả thuyết rằng thời điểm lấy mẫu, ta đã bắt được vi khuẩn nằm trong đường hô hấp trên có trình tự gene giống nCoV. Khi làm PCR thường chỉ lấy 1 đoạn gene rất ngắn, mà càng ngắn thì độ trùng khớp với các loài vi sinh vật khác càng cao”, tiến sĩ Duyệt phân tích.

Ông Duyệt cũng nhấn mạnh, thực tế trường hợp này rất hiếm, tuy nhiên tạm thời có thể nghĩ đến giả thuyết đó.

Về nguyên nhân từ phía kỹ thuật lấy mẫu, Tiến sĩ Lê Văn Duyệt cho rằng có rất ít khả năng: “Sai sót do lấy mẫu thường chỉ có thể nhầm từ “dương” thành “âm” chứ “âm” thành “dương” thì rất khó”.

Để khẳng định chắc chắn 1 ca bệnh có dương tính SARS-CoV hay không, tiến sĩ Duyệt cho biết, cần thực hiện xét nghiệm nhiều lần và bằng các kỹ thuật khác nhau, thậm chí phải gửi sang các đơn vị xét nghiệm khác để kiểm tra chéo.

Với những đối tượng mắc mới hoặc bệnh nhân trước khi ra viện, việc này càng đặc biệt quan trọng, bởi rất nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, từ đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác trong phòng chống dịch như cách ly, khoanh vùng,…