Trục trặc 'chuyện ấy', đi khám ra ung thư

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:17, 23/10/2020

Khoảng 6 tháng nay, ông M. rơi vào tình trạng 'trên bảo dưới không nghe'. Khi đi khám ông được bác sĩ cho làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng. Kết quả ông bị ung thư tuyến tiền liệt.

Ông N. V. M. 57 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội tìm tới khám bác sĩ nam khoa vì chuyện khó nói. Một năm trở về đây nhu cầu chuyện vợ chồng của ông suy giảm. Đặc biệt 6 tháng gần nhất ông mất cảm giác tình dục vì rơi vào cảnh “trên bảo dưới không nghe”.

Do ngại ngùng ông không đi khám, hơn nữa vợ ông M. cũng không muốn chồng đi khám bởi ông bà nghĩ đã sang tuổi lên ông, lên bà thì nhu cầu chuyện ấy không còn cũng là điều dễ hiểu.

Gần đây, ông M. còn có triệu chứng đi tiểu rắt nên ông quyết định đến bác sĩ nam khoa khám.

Trục trặc 'chuyện ấy', đi khám ra ung thư
BS Nguyễn Quang Cừ tư vấn cho bệnh nhân

Khi khám cho ông M., bác sĩ Nguyễn Quang Cừ, chuyên khoa nam học, Bệnh viện đa khoa An Việt cho biết kiểm tra xét nghiệm nội tiết tố nam, siêu âm tiền liệt tuyến… và đặc biệt kết quả PSA trong máu cao nên nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ tiếp tục giới thiệu ông M. đi kiểm tra chuyên sâu hơn. Kết quả bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt.

BS Cừ cho biết ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu-sinh dục ở nam giới sau tuổi 50.

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc ở nam giới. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.275 trường hợp mắc mới và 872 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân, càng lớn tuổi nguy cơ bị bệnh càng cao.

Việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt là cực kỳ quan trọng trong chiến lược điều trị vì nếu được phát hiện sớm, còn khu trú trong tuyến tiền liệt, có tới 85% người bệnh ung thư tuyến tiền liệt sống đến 10 năm.

Những người có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt là nam giới trên 50 tuổi. Người có cha hoặc anh trai bị bệnh cũng có khả năng mắc gấp 2-3 lần bình thường.

Bệnh thường bệnh tiến triển chậm suốt nhiều năm, khi mới chớm bệnh đa số đều không có dấu hiệu. Các triệu chứng thường lộ ra trễ hơn, khi bệnh đã tiến triển thêm.

Một số dấu hiệu có thể nhầm với các bệnh lý nam khoa như khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng.

Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân phát hiện có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch.

Trường hợp ung thư đã di căn xương thường đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn hoặc các loại xương khác. Mất kiểm soát khi đi tiêu hay tiểu.

Hiện nay, theo khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, ung thư tuyến tiền liệt là 1 trong 5 bệnh ung thư cần được sàng lọc.

Theo khuyến cáo, nam giới trên 50 tuổi nên tầm soát ung tuyến tiền liệt hàng năm. Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên khám tuyến tiền liệt thường niên từ tuổi 40.

Hiện nay, việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm xét nghiệm PSA (prostate specific antige - kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt), kết quả PSA càng cao càng nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.

Một số sàng lọc khác như thăm khám hậu môn trực tràng: với các bác sĩ có kinh nghiệm có thể phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của ung thư tuyến tiền liệt.