Bác sĩ chỉ lý do đạp xe đạp khiến đàn ông bị rối loạn cương cương

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:00, 26/11/2020

Việt BáoTS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, nam giới tập luyện môn đạp xe có thể tăng nguy cơ mắc rối loạn cương lên 2 lần so với những người không có thói quen đạp xe hoặc chơi các môn thể thao khác.

Theo bác sĩ Bắc, đạp xe là môn thể thao khá được ưa chuộng tại Việt Nam. Môn thể thao này rất thích hợp với nam giới lớn tuổi.

"Đạp xe đạp giúp cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch, giảm sang chấn lên xương khớp. Tuy nhiên, nam giới, tập luyện môn đạp xe có thể tăng nguy cơ mắc rối loạn cương lên 2 lần so với những người không có thói quen đạp xe hoặc chơi các môn thể thao khác", bác sĩ Bắc nói.

Bác sĩ Bắc giải thích, việc đạp xe trong thời gian dài tạo ra một áp lực lớn gây chèn ép thần kinh và mạch máu vùng sinh dục, dẫn đến cảm giác tê bì dọc thân “cậu nhỏ”. “Tê bì cậu nhỏ được xem là nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương”, tiến sĩ Bắc nói.

Theo các bác sĩ, việc đạp xe đạp và rối loạn cương dương ở nam giới có liên quan đến nhau nhưng ít người biết. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu của tạp chí European Urology cũng cho rằng, việc nam giới đạp xe trong thời gian dài cũng gây ra những chấn thương ở vùng kín.

Bài báo viết: “mặc dù đạp xe có thể là một môn thể thao lành mạnh, có lợi nhưng một số chấn thương có thể xảy ra đối với hệ thống niệu sinh dục. Trong đó, tê cơ quan sinh dục là phổ biến nhất chiếm từ, 50% – 91%, kế đến là rối loạn cương dương, chiếm 13% – 24%.

Ngoài ra, việc đạp xe đạp cũng có thể gặp tình trạng hẹp bao quy đầu, huyết khối dương vật, vô sinh, tiểu máu, xoắn thừng tinh, viêm tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Lê Quang Đạo, chuyên khoa Nam học, bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ cùng có cùng quan điểm trên. Theo bác Đạo, việc đạp xe đạp thời gian dài có thể gây chèn ép lên thần kinh và mạch máu vùng sinh dục, dẫn đến cảm giác tê bì dọc thân dương vật.

Theo bác sĩ Bắc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những điều sau:

Do trọng lực: Khi đạp xe, toàn bộ trọng tâm cơ thể dồn vào một điểm trên yên xe khiến dây thần kinh vùng kín bị chèn ép.

Ngồi quá lâu: Ngồi trên những chiếc ghế quá cứng và không có đệm lót trong một khoảng thời gian dài có thể gây áp lực lên dương vật dẫn đến tình trạng mất cảm giác.

Kích ứng: Dương vật bị kích ứng bởi xà phòng, sữa tắm hoặc các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Từ đó, gây nên tình trạng tê dương vật và không có cảm giác khi quan hệ hoặc thủ dâm.

Ma sát với quần áo: Việc nam giới mặc đồ lót chật chội hoặc có chất liệu vải thô cứng có thể gây kích ứng dương vật, gây cảm giác ngứa râm ran, nhất là xung quanh quy đầu dương vật.

Theo bác sĩ Bắc, thời gian đạp xe là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ tổn thương của thần kinh vùng sinh dục. Đạp xe dưới 6 tiếng một ngày thì có thể hồi phục nhanh hơn. Thế nhưng, nếu đạp xe quá 8 tiếng mỗi ngày có thể gây nên tình trạng tê bì thần kinh nặng, mất hàng tuần để hồi phục.

Các triệu chứng tê có thể khác nhau giữa từng người. Có người cảm thấy bị tê dại, lại có người cảm thấy đau nhức hay nóng rát hoặc ngứa ran, giống như bị kim châm hoặc bị lạnh, vùng da xung quanh bị xanh hoặc tím. Những dấu hiệu bất thường khác ở cơ quan sinh dục như mất cảm giác ở tinh hoàn, đáy xương chậu hoặc da xung quanh vùng kín.

Ngoài ra, rối loạn cương thường gặp ở người thường xuyên đạp xe do tê bì dương vật. Bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nhưng có thể cản trở đời sống sinh hoạt vợ chồng. Nam giới bị rối loạn cương dễ căng thẳng, chán nản, tự ti, sinh ra mệt mỏi, buồn phiền đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Rối loạn cương kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản do không thể quan hệ tình dục như bình thường, thậm chí dẫn tới liệt dương, tăng nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.

Bác sĩ Bắc khuyến cáo, nam giới nên chọn loại xe có yên đủ rộng, không có mũi yên xe để giảm thiểu áp lực đè ép lên vùng đáy chậu. Nên để yên xe ở tư thế chúc xuống, không nên đặt ở vị trí quá cao so với khung xe.

Khi đạp xe, nên giữ tư thế vuông góc với trục xe hoặc hơi ngả về phía sau sẽ làm giảm áp lực lên vùng đáy chậu. Cần tăng trợ lực của xe (bằng việc tăng đĩa xích) có thể làm giảm áp lực lên vùng đáy chậu.

Khi có dấu hiệu bất thường thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Phương Linh