Chỉ ăn cơm với đậu hũ và rau xào thời gian dài, người phụ nữ không thể đi đứng

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:06, 03/10/2020

Ăn chay sai cách có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, nhất là với bệnh nhân đái tháo đường.

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường đang có phong trào ăn chay, mỗi tháng có mấy ngày nhịn ăn tuyệt đối và kết hợp tập yoga để tự điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo ăn chay sai cách có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, nhất là với bệnh nhân 
đái tháo đường.

Ăn chay tới mức… không thể tự đi đứng

Bệnh tiểu đường đã 15 năm nay, nhưng chị P.T.N.A. (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mới đây phải nhập viện Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định vì chỉ còn 35kg và không thể đi đứng.

Nguyên nhân sâu xa là cách đây 5 năm, chị bắt đầu ăn chay vì bạn bè chỉ cách ăn như vậy sẽ hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Mỗi bữa, chị ăn một chén cơm trắng, nửa miếng đậu hũ kèm nước tương, một đĩa gồm nấm và các loại rau xào, một chén canh. “Chính vì ăn như vậy trong nhiều năm đã làm bệnh nhân bị suy dinh dưỡng rất nặng, người chỉ còn da bọc xương, xỉu vì mệt”, bác sĩ Phạm Phước Thành, chuyên khoa Dinh dưỡng của BV, cho biết.

Bác sĩ Phạm Phước Thành tư vấn về dinh dưỡng cho người nhà bệnh nhân đái tháo đường kiên quyết ăn chay trị bệnh
Bác sĩ Phạm Phước Thành tư vấn về dinh dưỡng cho người nhà bệnh nhân đái tháo đường kiên quyết ăn chay trị bệnh

Chị Đ.T.B., ngụ tại H.Nhà Bè, cũng đang cảm thấy lo lắng vì mẹ mình bỗng dưng ăn chay một cách cực đoan và cho rằng ăn chay chữa được bách bệnh chứ không riêng bệnh tiểu đường. Mẹ chị B. bị đái tháo đường đã 7 năm. Hơn một năm nay, mẹ chị chuyển qua ăn chay trường với tâm lý cực đoan. Bà cho rằng ăn chay kết hợp tập yoga sẽ trị khỏi bệnh tiểu đường và đẩy lùi tất cả bệnh tật. Nhiều người trong lớp yoga của bà đã làm và thành công.

“Nếu không có đồ chay hoặc chẳng may phải ăn mặn, sau bữa ăn đó mẹ tôi sẽ móc họng cho ói hết đồ ăn ra. Nếu không thì hôm sau mẹ tôi sẽ tự nhịn ăn một ngày để bù lại vì lỡ ăn một bữa mặn”, chị B. kể. Với tình trạng này, bác sĩ Thành cảnh báo, đây không phải bệnh thực thể mà là bệnh do tâm thể, cần được hỗ trợ điều trị về tâm lý. Những người này quá tin vào tác dụng của ăn chay để chữa bệnh, khi lỡ ăn mặn họ tiếc công bao lâu cố ăn chay, nghĩ rằng móc họng ói ra hoặc nhịn ăn một ngày thì sẽ bù đắp lại được.

Tại BV Nhân dân Gia Định, bác sĩ Thành đã được mời hội chẩn liên chuyên khoa ít nhất 10 bệnh nhân tiểu đường kèm ăn chay dẫn tới bị suy kiệt. Không ít bệnh nhân đái tháo đường suy kiệt vì ăn chay sai cách, khi nhập viện phải truyền dinh dưỡng. Đối với những bệnh nhân này, khi bổ sung dinh dưỡng cũng cần rất thận trọng bởi có một hội chứng gọi là nuôi ăn sẽ xảy ra. Nhịn quá lâu mà đưa chất dinh dưỡng vào ồ ạt khiến cơ thể không thích nghi nổi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khó điều chỉnh đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường ăn chay

Tại BV Quận 2, bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng đơn vị Thận - Nội tiết, cũng nhận định rằng điều trị đường huyết cho các bệnh nhân đái tháo đường có thói quen ăn chay sẽ khó khăn hơn nhiều. Hiện bác sĩ Kim Thanh đang điều trị cho ba bệnh nhân đái tháo đường ăn chay.

Cụ thể là trường hợp của bệnh nhân Đ.T.M. (46 tuổi, ngụ Q.2) ăn chay trường. Thời gian đầu khi bệnh nhân này tới điều trị đái tháo đường, bác sĩ phải chỉ định cho chích insulin. Tuy nhiên, đường huyết của bệnh nhân cao, rất khó chỉnh, hiện nay đang phải chích tới 4 mũi insulin/ngày.

“Bệnh nhân ăn chay thường mau đói, vì đói nên lại ăn lắt nhắt nhiều bữa và thực đơn chủ yếu toàn tinh bột (cơm, đậu, trái cây). Tôi rất khó khuyên chị M. giảm trái cây, bởi đây là món ăn chính, nếu giảm thì chị gần như chẳng ăn được gì. Trong trái cây chứa nhiều đường, ăn quá nhiều lại thành ra gây hại, khiến đường huyết của bệnh nhân cứ cao ngất ngưởng”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Kim Thanh, các bệnh nhân đái tháo đường nghĩ ăn chay giúp họ khỏe hơn có thể do họ không ăn mỡ nên đỡ bị rối loạn lipid máu hơn người bình thường. Tuy nhiên, khi bị tiểu đường, bệnh nhân không chỉ bị rối loạn về đường huyết mà cả đề kháng… Nếu ăn uống không đủ chất, thiếu đa dạng sẽ khiến cơ thể suy kiệt. Về cơ chế bệnh sinh, người ăn chay và ăn mặn đều mắc bệnh như nhau, cho nên không phải cứ ăn chay là sẽ đẩy lui được bệnh tật.

Ăn chay thế nào có lợi cho sức khỏe?
Có hai trường phái ăn chay. Thuần thực vật “veganism” và không ăn thịt “vegetarian” (có thể ăn các sản phẩm từ động vật như trứng, sữa, phô mai...). Ở các nước Âu, Mỹ, hiện nay đang có trào lưu ăn veganism để bảo vệ môi trường, tránh việc nuôi, giết mổ các loài động vật và cũng giúp cơ thể tránh khỏi các độc tố từ thịt.

Thực sự, chế độ ăn chay này mang lại kết quả tích cực về sức khỏe cho con người nói chung cũng như đối với các bệnh lý nói riêng, đặc biệt là tiểu đường. Nhưng đó là ở Âu, Mỹ, nơi các thực phẩm thô để chế biến chế độ vegan có chất lượng dinh dưỡng cao. Còn ở Việt Nam, cơm là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn.

Việc ăn chay, ít nhất là không ăn thịt, đối với người tiểu đường, vẫn có cơm và rau củ. Rất ít người Việt có bữa ăn chay như khẩu phần ăn chay của người Âu, Mỹ. Do đó, người tiểu đường thích ăn chay cho nhẹ nhàng thì thay vì ăn chay trường, có thể chọn giải pháp linh động, chỉ ăn chay một vài ngày trong tháng cũng rất tốt.

Bác sĩ Phạm Phước Thành, chuyên khoa Dinh dưỡng, BV Nhân dân Gia Định 

Thanh Huyền