Tiến sĩ 9X lập dàn nhạc giao hưởng 'có một không hai' ở Việt Nam
Dòng chảy - Ngày đăng : 14:16, 24/05/2021
Nhạc trưởng Tiêu Nguyễn Đức Anh - người đồng sáng lập Imagine Philharmonic, đang điều khiển dàn nhạc. |
Khởi nguồn là ý tưởng về một dàn nhạc giao hưởng chuyên biểu diễn phục vụ cộng đồng, Imagine Philharmonic về sau đã có sự tham gia của những nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ khuyết tật. Những buổi biểu diễn hướng đến mục đích thuần nghệ thuật, có bán vé, thay vì dựa trên tinh thần ủng hộ, từ thiện như xưa nay người ta vẫn thấy ở các chương trình có người khuyết tật tham gia.
Nguyễn Thành Danh (SN 1990) - người đồng sáng lập Imagine Philharmonic - không thể nào quên được buổi biểu diễn đầu tiên có dàn nghệ sĩ người khuyết tật tham gia vào tháng 11/2020 trên sân khấu của một khách sạn 5 sao ở TP.HCM. Để có được đêm nhạc chật kín khán phòng này, nhóm tổ chức và cả các nghệ sĩ đã phải trải qua không ít những khó khăn, vất vả gấp nhiều lần những buổi biểu diễn thông thường khác.
“Các nghệ sĩ chuyên nghiệp phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba; thù lao giảm đi vài lần mà danh tiếng thì cũng không có lợi như biểu diễn cùng các ca sĩ nổi tiếng khác” - Danh giải thích.
“Nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ chấp thuận và đó cũng là một sự thay đổi về nhận thức mà tôi muốn lan toả tới các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như ở các thính giả của dòng nhạc này - những người có thể gọi là giới tinh hoa trong âm nhạc. Nếu chúng ta xoá bỏ đi mọi định kiến, mọi rào cản, tạo cơ hội cho họ, người khuyết tật cũng có thể làm tốt như chúng ta”.
Điều Danh nhắc đi nhắc lại về Imagine Philharmonic là anh không muốn sử dụng nghệ sĩ khuyết tật như một buổi biểu diễn xin tài trợ, thay vào đó là một buổi biểu diễn chuyên nghiệp, cung cấp một sản phẩm chất lượng xứng đáng với số tiền khán giả đã bỏ ra để mua vé. Đó cũng là hướng đi giúp dàn nhạc có thể bước tiếp lâu dài và bền vững về sau.
Video: Các nghệ sĩ khuyết tật chia sẻ về niềm đam mê với âm nhạc
Trước đó, Imagine Philharmonic chỉ gồm những nghệ sĩ chuyên nghiệp, được học hành bài bản ở nhạc viện. Cứ mỗi tháng, họ sẽ tổ chức một “show” với giá vé không rẻ - từ 800 nghìn tới 2 triệu đồng/vé. Các buổi biểu diễn thành công dần dần mang lại uy tín và giúp dàn nhạc xây được những khách hàng quen thuộc.
Khi ý tưởng đưa nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ khuyết tật vào chơi cùng được nảy ra, mọi việc trở nên vất vả hơn rất nhiều.
“Khi tôi đưa những nghệ sĩ khuyết tật lên làm nghệ sĩ chính để giới thiệu về chương trình, vé không bán được. Bởi vì họ không có tên tuổi, không có danh tiếng và quan trọng nhất là khán thính giả không có niềm tin vào nghệ sĩ khuyết tật”.
Sau đó, nhóm của Danh đã phải làm một số hoạt động truyền thông cho chương trình để mọi người hiểu. Vé được bán hết, chương trình thành công và lấy được lòng tin của cả khán giả.
Để có được thành công ban đầu đó, “các nghệ sĩ chuyên nghiệp phải ‘chịu thiệt’ rất nhiều. Không những phải tập luyện nhiều hơn, họ phải học cách hạ cái tôi của mình xuống để nâng người khác lên”.
Để làm việc chung được với nhau, các nghệ sĩ chuyên nghiệp và khuyết tật đều phải nỗ lực gấp nhiều lần bình thường. |
Cái khó đầu tiên là ngôn ngữ bị vênh nhau giữa những người được học hành bài bản với những nghệ sĩ tự học. “Người chuyên nghiệp nói chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc có thể hiểu nhau ngay, nhưng chưa chắc nghệ sĩ khuyết tật đã hiểu những khái niệm đó”.
“Cái khó thứ hai quan trọng hơn là dàn nhạc giao hưởng cần tinh thần làm việc nhóm rất cao. Tất cả phải nhìn nhạc trưởng và nhìn nhau để chơi nhưng người khuyết tật khiếm thị thì không nhìn được. Vì thế mà xảy ra chuyện dở khóc dở cười là nếu như bình thường nhạc công phải theo nhạc trưởng, nhưng ở đây cả dàn nhạc phải theo nghệ sĩ khuyết tật. Đó cũng là một rào cản rất lớn để thuyết phục dàn nhạc chuyên nghiệp chơi chung với nghệ sĩ khuyết tật”.
Ngoài ra, khi đã quyết định chơi chung với nghệ sĩ tự do, dân chuyên nghiệp còn phải bỏ cái tôi của mình xuống. “Nghệ sĩ đường phố thì hay chơi nhạc nhẹ, dễ nghe, còn dân chuyên nghiệp lại khoái chơi những bài hàn lâm. Vì thế, chúng tôi gần như phải ‘nhượng bộ’, phải chơi nhạc nhẹ rất nhiều. Đó cũng là một tâm lý mà người chuyên nghiệp phải vượt qua”.
Tuy nhiên, Danh cho biết, những khó khăn này đang được khắc phục theo thời gian để khoảng cách về chuyên môn dần được thu hẹp.
Nguyễn Thành Danh - người đồng sáng lập Imagine Philharmonic (hàng dưới, thứ 3 từ phải sang) và dàn nhạc. |
Để thực hiện được dự án này, Danh thành thật chia sẻ rằng “phải nhờ rất nhiều vào niềm tin và sự thấu hiểu”.
Ít ai biết “profile” của anh cũng có sự gắn bó chặt chẽ với những gì anh đang làm.
Ngoài Imagine Philharmonic, Danh là người sáng lập của hàng chục dự án phi lợi nhuận khác nhau. “Những dự án này tôi thường hỗ trợ ở giai đoạn đầu, sau đó sẽ bàn giao cho các bạn khác điều hành tiếp”.
Từng là phó giám đốc một trung tâm về người khuyết tật, cũng từng là dân nhạc viện – học violin từ năm 10 tuổi, đó là 2 yếu tố giúp Danh có thể thấu hiểu và kết nối 2 đối tượng tưởng chừng không liên quan lại với nhau.
Một yếu tố quan trọng nữa ở Danh là “tôi thích làm về cộng đồng nên những gì tôi làm đều hướng tới đóng góp cho cộng đồng”. Được biết, sau khi tốt nghiệp bậc tiến sĩ ngành Chính sách xã hội ở Mỹ, Danh về Việt Nam và đang làm việc cho Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam.
Imagine Philharmonic ra đời với mục tiêu phá bỏ mọi rào cản để người khuyết tật tối ưu năng lực bản thân. |
Tính đến nay, dàn nhạc Imagine Philharmonic đã tổ chức được 3 đêm nhạc giao hưởng ở TP.HCM và Quy Nhơn có nghệ sĩ khuyết tật tham gia. Các đêm diễn đều để lại ấn tượng lớn cho người xem.
Nếu đại dịch không làm ảnh hưởng, cách đây 2 tuần họ cũng có một buổi biểu diễn gây quỹ cùng với Dàn nhạc giao hưởng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (HBSO). Đây là lần đầu tiên HBSO đứng chung với một dàn nhạc tư nhân. Hơn 400 vé đã được bán ra, đang đợi ngày thích hợp để biểu diễn.
Hiện tại, có 3 nghệ sĩ khuyết tật đang là thành viên tham gia thường xuyên cùng Imagine Philharmonic.
“Mặc dù chúng tôi thống nhất với nhau là nghệ sĩ khuyết tật được trả thù lao gấp 3-5 nghệ sĩ bình thường vì họ có ít cơ hội hơn chúng tôi. Nhưng cũng chưa thể nói là họ đã có thu nhập ổn định từ dàn nhạc. Bởi vì chúng tôi mới đang biểu diễn ‘show’ mà chúng tôi tự đứng ra làm, chứ chưa được ‘book’ (mời diễn) thường xuyên, lại không có nhà tài trợ, hiện vẫn sống nhờ tự thân vận động”.
Nhưng Danh cũng tin rằng nếu dàn nhạc được biết đến nhiều hơn thì số lượng nghệ sĩ khuyết tật đủ năng lực chơi cùng dàn nhạc có thể tăng lên. “Nếu như nghệ sĩ bình thường đã khó kiếm ‘show’ rồi thì nghệ sĩ khuyết tật càng khó khăn hơn. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề đó bằng cách đưa họ vào một dàn nhạc chuyên nghiệp, cùng nhau tạo nên một hiệu ứng khác biệt”.
Nguyễn Thảo