Trung Vinh 'Phượng Hoàng lừng lẫy': Tuổi 76 liệt chân, làm bạn với tắc kè

Dòng chảy - Ngày đăng : 08:48, 01/05/2021

Trong căn trọ nhỏ khuất sâu hẻm nghèo, nghệ sĩ Trung Vinh - tay trống lừng danh ban nhạc Phượng Hoàng một thuở, tiếp đón phóng viên bằng những niềm nở xen lẫn đắng cay.

Căn trọ nhỏ của nghệ sĩ Trung Vinh ở Lái Thiêu, Bình Dương cách ngã tư Nhà Đỏ khoảng 1 km, phải đi qua mấy lần hẻm ngoằn nghèo. Phóng viên vừa đến, ông chủ động phân trần: “Tôi lúc nào cũng bứt rứt vì không có điều kiện ở mặt tiền, phải ở trọ trong hẻm nhỏ. Anh em ở xa đến mà mình không tiếp đón chu đáo”.

Người ta hỏi 'Ông bị liệt hai chân còn 'làm ăn' gì với vợ không?'

Một ngày như mọi ngày, Trung Vinh ngồi xe lăn ngay trước cửa căn trọ. Ông háo hức, ăn vận chỉnh tề hôm biết có người đến thăm. Trung Vinh dẫu không còn là tay trống ban nhạc Phượng Hoàng lừng lẫy Sài Gòn một thuở thì phong thái nghệ sĩ vẫn gần như vẹn nguyên.

Thế giới của ông bây giờ gói gọn trong căn trọ chừng 12 m2 và khoảng “sân” bé tin hin là lối đi chung của khu trọ. Ông thề không bước ra khỏi nơi này lần nào nữa sau một lần bị những người hàng xóm châm chọc: Ông bị liệt hai chân thế này, còn 'làm ăn' gì được với vợ không? Trung Vinh cay đắng nhưng không đáp trả. Ông nói: “Tôi đến bước đường này vẫn là nghệ sĩ, không hành xử văn hóa thấp như họ”.

Trung Vinh bị liệt 5 – 6 năm nay. 3 lần đột quỵ, sức khỏe ông suy sụp nhanh chóng, não nhũng, tay chân rút lại. Bà Minh – vợ ông, vẫn nhớ hình ảnh chồng mình lơ ngơ, không nhận thức được vì nhũng não. Mặt khác, chứng huyết áp cao khiến ông bị hỏng động mạch dẫn đến liệt chân. Vậy mà, ông vẫn vượt qua những lần bệnh thập tử nhất sinh ấy.

Những ngày gần đây, Trung Vinh khỏe, bệnh tình tạm ổn. Mỗi ngày, ông phải uống thuốc huyết áp, hoạt huyết dưỡng não, bao tử... Ông không có tiền châm cứu, cũng thôi tập vật lý trị liệu. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ chống gậy đi lại vài bước rồi lại ngồi xuống giường hoặc xe lăn. Não trạng ông đỡ nhiều nhưng vẫn yếu, trí nhớ kém. “Tôi mang mấy cái bệnh trong người nhưng cũng không đến nỗi èo uột”, ông nói. Bà Minh khoe ai gặp cũng khen bà nuôi chồng tốt, thần sắc tươi tắn.

Ba bữa cơm mỗi ngày của Trung Vinh đều do bà Minh nấu. Ông kén ăn lại yếu bao tử nên không ăn được cơm hàng cháo chợ. Ông thường ngủ từ 19h và dậy vào 7h hôm sau. Giấc ngủ tưởng như dài nhưng luôn bị gián đoạn vì ông dễ giật mình.

Phần thời gian còn lại trong ngày, Trung Vinh đẩy xe lăn ra trước cửa ngồi hút thuốc và suy ngẫm về đoạn đường đời đã đi qua. “Cứ nhớ về dĩ vãng cũng không hay ho gì nhưng giờ còn biết làm gì đâu?”, ông nói. Nghĩ chán chê, ông sẽ mở tivi xem tin tức. Nếu lỡ xem phải chương trình ca nhạc, tay trống kỳ cựu lại buồn và xốn xang vì nhớ nghề.

Ban nhạc Phượng Hoàng là giấc mơ đẹp đã qua

Nhắc đến trống, Trung Vinh lại lặng người đi. Bộ trống đã bán từ lâu, mấy chục năm ông không cầm bộ gõ và giờ thêm bệnh tật, liệt hai chân, ông có muốn đi xa cũng không được. Dù vậy, nghệ sĩ không thôi nhớ nghề vì đam mê chơi trống đã ăn vào máu.

Trung Vinh là người gốc Bắc đưa bố đưa vào Nam sống từ bé. Thời niên thiếu, ông muốn chơi nhạc nhưng ngó thấy guitar phải đứng chơi nhọc quá nên chọn trống. Ai ngờ chơi trống cũng chẳng nhàng hơn, ngồi đánh 4 – 5 tiếng mỏi nhừ lưng mà lãnh lương có khi không bằng một nửa ca sĩ.

Dù vậy, Trung Vinh vẫn từng là tay trống của ban nhạc đình đám bậc nhất Sài Gòn một thời. Khi ấy, ông trẻ, phong độ, hào hoa, chơi trống giỏi lại nói tiếng Pháp như người bản xứ nên được rất nhiều cô gái ái mộ. Ban nhạc Phượng Hoàng không tự nhiên được ví như “The Beatles của Sài Gòn”. “Tôi luôn luôn tự hào và biết ơn cuộc đời đã cho mình cơ duyên hoạt động trong ban nhạc như Phượng Hoàng”, tay trống nói.

Trung Vinh khóc khi nhắc tới ban nhạc Phượng Hoàng.

Đến tuổi này, không mấy người còn nhớ hay nhận ra Trung Vinh. Ở xóm nghèo này, tay trống lão làng chỉ là một ông già bình thường như bao người khác. Ông chỉ nói nhẹ nhàng: “Người hiểu nghề sẽ không oán trách vì ca sĩ đương nhiên nổi tiếng hơn nhạc công nên bây giờ người ta không nhớ tôi nữa cũng đúng thôi. Hồi về đây, có người còn mỉa mai tôi “giờ chỉ có nước đi đánh trống đám ma” nhưng tôi không buồn. Hoàn cảnh của mình đã vậy, ai nói gì cũng đành chấp nhận”.

Thành viên cơ hữu ban nhạc Phượng Hoàng năm ấy nay chỉ còn Trung Vinh và Elvis Phương. Cả hai bằng tuổi, khá thân, Elvis Phương cũng là thành viên duy nhất còn hoạt động nghệ thuật. Trung Vinh không muốn làm phiền người anh em cũ nhưng Elvis Phương vẫn nhớ ông. Danh ca tuổi U80 đã yếu nhiều, không trực tiếp đến thăm Trung Vinh được nên nhờ người quen gửi quà cho ông cách đây ít lâu. Trung Vinh mở ra thì thấy một phong bao 5 triệu đồng và quần áo đẹp. Ông lập tức bấm gọi cho Elvis Phương nghẹn ngào nói lời cảm ơn thì bị trách: Trời ơi, anh em có gì đâu mà Vinh cảm ơn! Vinh cứ thoải mái, ráng lên, đừng chán nản.

“Hai ông anh ấy đã ra đi, bỏ tôi lại bơ vơ”, Trung Vinh nói về Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Thỉnh thoảng gặp may mắn hay điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, Trung Vinh lại nghĩ rằng vong linh của hai người anh độ mình.

Làm bạn với tắc kè và trẻ con

Trung Vinh từng vinh hiển trên đỉnh cao nhưng khi qua thời lại gặp bệnh tật nên càng mau sa sút. Ông hiểu đời, sớm chấp nhận số phận nhưng khi phóng viên hỏi: Anh thường nói “Kệ đi” trước nghịch cảnh nhưng đôi khi như đang tự an ủi mình, liệu trong lòng anh có thật sự thấy ổn không?, ông khóc. Tay trống nói: “Thỉnh thoảng tôi mới rơi nước mắt. Tôi buồn vì cuộc đời mình sao hẻo quá, không may mắn như người khác. Mình nổi tiếng đáng lẽ ra phải được sống sung sướng nhưng lại khổ quá”.

Chính vì nuôi nỗi mặc cảm, Trung Vinh đến ngủ cũng quay mặt vào tường, không dám ra đường hay dự đám tiệc, kể cả tiệc cưới của cháu nội. Ông tâm sự: “Tôi nghĩ người ta đang vui vẻ mà có ông què tới thì không nên. Có lẽ, mình bệnh tật thế này không nên tới những chỗ vui vẻ”.

Trung Vinh 'Phượng Hoàng lừng lẫy': Tuổi 76 liệt chân, làm bạn với tắc kè
Đôi mắt buồn nhưng vẫn mang phong thái nghệ sĩ.

Dù vậy, thâm tâm Trung Vinh luôn ao ước khỏi bệnh để thăm bạn bè. Mỗi năm vào ngày 28 âm lịch trước Tết, ông lại háo hức được xuống TP.HCM họp mặt hội nghệ sĩ, gặp lại anh em và nhận lì xì. Dù mỗi lần đi lại hết 500 nghìn đồng, ông vẫn vui vẻ mong đợi.

Ngày thường, Trung Vinh chơi đùa cùng cháu bé 5 tuổi ngoan và dễ thương ở căn trọ đối diện. Ông cũng xem những loài vật trong khu trọ nghèo đổ nát này là bạn của mình. Tay trống kể về “người bạn” đặc biệt: “Hồi tôi mới về chưa có nó đâu. Nó mới dọn đến ở gần đây thôi. Chiều nào nó cũng kêu Tắc kè, tôi tâm sự gì nó chỉ kêu Tắc kè, cũng vui tai. Dù sao, nói chuyện với nó vẫn tốt hơn những người văn hóa thấp ngoài kia”.

Trung Vinh bảo tuổi xế chiều ông không mong cầu tiền nhiều hay danh vọng chỉ muốn sống nốt phần đời bình thường với bệnh tình ổn định và được gặp lại anh em bạn bè.