Đại bàng ngoại và Rồng Việt cùng nhảy điệu Tango

Kinh doanh - Ngày đăng : 14:21, 06/03/2021

Cần dọn ổ, tạo điều kiện cho đàn 'rồng Việt' và 'đại bàng' ngoại tham gia điệu nhảy Tango chung, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây không chỉ là vấn đề mang tính kinh tế mà còn là bản sắc, niềm tự hào của dân tộc.
Coi trọng đại bàng ngoại

Chia sẻ trên của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại tọa đàm: “Làm tổ cho đại bàng nội". Ông Lộc mong muốn thay đổi cách gọi doanh nghiệp nội là "đàn rồng Việt" thay vì "đại bàng nội" như trước đây.

“Dân tộc ta từ khi ra đời đã là con Rồng cháu Tiên. Chỉ khi nào kinh tế tư nhân thịnh vượng, Việt Nam mới có thể 'hoá rồng, hoá hổ'. Doanh nghiệp tư nhân chính là 'ngôi sao hy vọng' của đất nước. Họ giống như đàn 'rồng Việt' mang bản sắc của Việt Nam”, ông nói.

Theo Chủ tịch VCCI, đã có thời và cả ở hiện tại, đâu đó có những góc nhìn phiến diện, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Điều này thực sự cần thay đổi. Nhiều địa phương cứ có doanh nghiệp ngoại, bất kể quy mô, trình độ kỹ thuật thế nào cũng được đánh giá cao, trong khi các doanh nghiệp nội còn bị coi nhẹ, chưa được đánh giá đúng.

Ông Lộc ví dụ, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ từng được dẫn dắt bởi khối doanh nghiệp tư nhân, và khi ngành này đứng trước nguy cơ không cạnh tranh nổi với ngành bán dẫn Nhật Bản thì Chính phủ Mỹ đã đặt hàng các sản phẩm với các doanh nghiệp trong nước để tạo đầu ra cho sản phẩm, mặt khác hỗ trợ đầu tư công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh. Từ đó, giúp ngành bán dẫn Mỹ giữ vững vị thế.

Đại bàng ngoại và Rồng Việt cùng nhảy điệu Tango
TS. Vũ Tiến Lộc

Trong khi đó, Việt Nam có 6,2 triệu doanh nghiệp tư nhân chứ không phải chỉ có 800.000 doanh nghiệp. Bởi cả nước có 5,4 triệu hộ kinh doanh về bản chất cũng hoạt động như những doanh nghiệp, chỉ là họ chưa đăng kí thành lập doanh nghiệp. Tính ra, nước ta có 24 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, không nên chỉ chuẩn bị tổ cho đại bàng ngoại mà cần làm tổ cho cả đại bàng nội. Nếu những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chừng 20-22% GDP mà lại chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.

Theo ông Thiên, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Hiện, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước đóng góp khoảng gần 29% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 18% GDP.

"Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airways đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi”, bà Nguyễn Thị Luyến, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nói.

Tuy nhiên, câu chuyện kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin...

Tăng chất lượng hơn là số lượng

Để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, ông Lộc cho rằng: “Ta không thua các nước về số lượng doanh nghiệp nhưng thua về chất lượng, thiếu những doanh nghiệp lớn mạnh. Do đó, cần nâng cao chất lượng doanh nghiệp, cần có những hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp lớn. Hy vọng ta sẽ có những chính sách hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp chất lượng chứ không phải tăng số lượng doanh nghiệp”.

Ông kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp lớn sẽ không theo kiểu hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ - cầm tay chỉ việc. Mà doanh nghiệp lớn cần hỗ trợ thể chế, môi trường kinh doanh, minh bạch, thuận lợi, ổn định, an toàn. Trong đó sự an toàn là quan trọng hàng đầu. “Làm tổ cho đại bàng nội” chính là tạo môi trường cho làm ăn kinh doanh để doanh nghiệp nội thấy được bình đẳng và tôn trọng.

Đại bàng ngoại và Rồng Việt cùng nhảy điệu Tango
Cần phải làm tổ cho cả đại bàng nội

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập.

Tình trạng “không chịu lớn” và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

“Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ”, bà Lan cho hay.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Thực cho rằng, để làm tổ được cho đại bàng, để tạo dựng hệ sinh thái thì vai trò của nhà nước là hoạch định chiến lược ngành, lĩnh vực một cách rõ ràng, mạch lạc. Nhà nước phải là tổng công trình sư hoạch định các ngành nghề để có thể giao cho các doanh nghiệp lớn, bộ, ban, ngành, địa phương. Tránh lãng phí nguồn lực, trăm hoa đua nở.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, cho rằng, không cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn nhưng cần chính sách ưu đãi chung cho các lĩnh vực nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là du lịch. Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cần cơ chế này bởi việc hoàn vốn khá lâu.