Tin nhắn định danh: Từ vài trăm đồng đến thiệt hại cả chục triệu đồng do bị trục lợi lừa đảo

Kinh doanh - Ngày đăng : 15:18, 02/03/2021

Việt BáoChỉ với mức cước rẻ vài trăm đồng, dịch vụ SMS Brand Name (Tin nhắn định danh) đang trở thành công cụ để tin tặc trục lợi người dùng cả tin khi có phi vụ lên đến cả chục triệu đồng tiền lừa đảo.

Tin nhắn định danh chỉ vài trăm đồng đánh đổi thiệt hại cả chục triệu đồng vì bị trục lợi

Hiện tượng nhận tin nhắn SMS Brand Name (Tin nhắn định danh) đến thuê bao di động không còn mới khi được nhiều đơn vị cung cấp.

Khi sử dụng dịch vụ này, tin nhắn đến người nhận thay vì số điện thoại sẽ hiển thị đúng với tên dịch vụ, điều này khiến người dùng lầm tưởng thông báo và có thể bị thiệt hại nếu làm theo, nhất là với những dịch vụ liên quan đến ngân hàng.

Mới đây nhất, anh Minh (ngụ Bình Tân, TP.HCM) cho biết vừa nhận được tin nhắn báo số điện thoại 0913... thông báo anh đã đăng ký dịch vụ e-Commerce của Argibank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

"Nhìn vào nội dung tin nhắn kèm số tổng đài và dòng chữ Agribank, tôi đành xóa nhanh bởi có thể nhầm lẫn gì đó khi mình không hề sử dụng tài khoản tại ngân hàng này, lỡ con nhỏ cầm điện thoại xem video nhấn vào thì không biết thế nào", anh Minh vừa nói vừa đưa tin nhắn có nội dung để kiểm chứng.

Xem thêm: Viễn thông đua gói cước data 4G giá rẻ, internet ADSL 'dần bị quên lãng', cáp quang 'hụt người dùng'

Trường hợp anh Minh liên quan đến Ngân hàng có thể hiểu được khi mà vừa rồi nhiều vụ lừa đảo liên quan đã xảy ra. Nhưng với anh Hoàng (ngụ Đồng Nai) thì lại khác khi anh cứ vài ngày lại nhận được tin nhắn từ Momo báo anh có ưu đãi trong ví, dù anh đã gỡ ứng dụng bởi không thấy tiện ích khi sử dụng.

Một tin nhắn định danh làm phiền khách hàng vào giờ tối. Ảnh: Minh Nguyễn.


"Ba hôm nay tôi liên tục nhận được tin nhắn từ Momo báo có thẻ quà tặng kèm link tải. Tin nhắn đến từ chiều hoặc tối nên cũng khá phiền", anh Hoàng cho biết sau mỗi tin nhắn lại phải đọc và xóa vì thường nhắn vào giờ nghỉ ngơi.

Tin nhắn định danh: Phiền phức nhưng không thể chặn

Theo tìm hiểu thị trường, các dịch vụ tin nhắn định danh có mức cước khá rẻ. Đơn vị cung cấp thậm chí còn chạy dịch vụ quảng cáo cho loại hình này qua mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Chính điều này đã làm biến tướng khi bị tin tặc trục lợi để lừa đảo.

"Chỉ tính tiền trên những tin nhắn thành công, Brand Name chỉ 400 đồng/tin nhắn. Riêng tin nhắn Spam SMS có cước chỉ 130 đồng, cho cả ba nhà mạng lớn", theo một đoạn quảng cáo mô tả.

Mức cước rẻ nhưng chứa nhiều phiền toái bởi theo người dùng, họ không thể chặn được những tin nhắn này, và vì thế vô tình chịu trận nếu thuộc danh sách bị spam.

Thậm chí, tin nhắn định danh phát tán kiểu vô tội vạ, người dùng không thể từ chối cũng khiến dịch vụ mất điểm trong mắt người dùng, vô tình gây ảnh hưởng thương hiệu.

Xem thêm: Gói cước SIM 4G thoải mái, gọi vô tư có như quảng cáo?

Theo luật sư Hoàng Trần - Công ty luật Hoàng Trần và Cộng sự, hành vi gửi tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có thể bị phạt tới 100 triệu đồng theo nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2020.

"Nghị định 91/2020/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt đối với một số hành vi gửi tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận. Bên cạnh đó, hành vi gửi tin nhắn quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo cũng có thể bị phạt ở mức lên đến 20 triệu đồng", luật sư Hoàng cho biết thêm.

Theo ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, với những tin nhắn định danh không rõ ràng, người dùng nên xóa ngay nếu phát hiện nghi vấn để tránh rủi ro cho mình.

"Riêng với tin nhắn liên quan đến link dẫn sẵn, người dùng cần kiểm tra xem kỹ, cũng như hạn chế cung cấp thông tin nhạy cảm để bảo vệ chính mình", ông Vũ khuyến cáo.

Nguyễn Võ Minh