Điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:49, 19/05/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại những ngày vừa qua, các bộ ngành, địa phương đã sớm triển khai các biện pháp để hàng hóa, nông sản tại vùng dịch không bị ùn ứ, ách tắc.

Hiện nay, cùng với các Bộ ngành khác, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đơn cử như tại Hải Dương, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid 19; thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử...

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Lễ mở vườn hái vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Singapore... Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu để thống nhất xuất khẩu khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang Australia.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hướng dẫn các địa phương và hỗ trợ các địa phương, các nhà phân phối trong khâu lưu thông hàng hóa, để làm sao mà phương tiện vận chuyển là phải đảm bảo thông suốt, kể cả những vùng nếu có dịch xảy ra cũng theo phương châm, một là phải vừa là phòng chống dịch, thứ hai nữa là sản phẩm phải đảm bảo an toàn dịch bệnh để hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa của các địa phương khi có hiện tượng ách tắc, đặc biệt là vấn đề nông sản".

Trước đó, sáng 14/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương; hiệp hội ngành hàng tổ chức hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid 19”. Hội nghị tập trung bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại một số địa phương đang vào vụ thu hoạch cao điểm.

Nhận định về tình hình sản xuất và xuất khẩu tại các thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra những nút thắt cần tháo gỡ về: vốn tín dụng; chi chi phí sản xuất, thuế, phí; hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản; tạo thuận lợi cho giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới; đảm bảo nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…

Tại đây, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam trong đó có vải thiều, nhãn, thanh long, để giảm áp lực lưu thông hàng hóa đưa lên các các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường này cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất là những mặt hàng nông sản đang vào thu hoạch như: rau, vải, nhãn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động phối hợp với các địa phương bám sát tình hình thực tế; bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt là vải thiều sắp vào vụ thu hoạch.

Theo các chuyên gia, tiêu thụ nông sản là khâu khó nhất. Tiêu thụ cần 3 yếu tố: sản phẩm, hệ thống phân phối, nguồn nhân lực, thì nông sản của các địa phuong trong cả nước đang đang mắc ở khâu thiếu hệ thống. Các siêu thị không mua vì không đáp ứng tiêu chuẩn. Hơn nữa nếu có vào được thì chiết khấu quá cao. Với chợ dân sinh lớn đều có đầu lậu, hoa quả nhập khẩu phải qua tay họ, có đến được chỉ là xe thồ đứng ngoài. Vấn đề đặt ra là cần có các cửa điều hành, chỉ dẫn./.