Lương thưởng 2020, cuối năm mỗi người đút túi 150 triệu đồng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:09, 16/12/2020

Đại dịch Covid khiến nhiều người nghĩ về một năm “đói kém”, không lương thưởng, nhưng không ít ngành ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá và lương thưởng cũng không hề thấp, dăm bảy tháng lương, trị giá cả trăm triệu mỗi người.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) vừa thông qua phương án trích các quỹ năm 2018 và năm 2019.

Theo đó, ngân hàng này sẽ trích gần 1,4 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận riêng lẻ sau thuế 2018 vào quỹ khen thưởng, phúc lợi để chi trả cho 3 tháng lương bình quân thực hiện của người lao động và 20% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch (tối đa không quá 3 tháng lương bình quân thực hiện của người lao động) cùng với 1,5 tháng lương bình quân thực hiện của người quản lý.

Bên cạnh đó, VietinBank cũng trích hơn 2,1 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận 2019 vào quỹ khen thưởng phúc lợi để chi 2,8 tháng lương bình quân thực hiện người lao động và 1,5 tháng lương bình quân của người quản lý.

Như vậy, nhân viên tại VietinBank có thể nhận gần 6 tháng lương vào dịp này. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân mỗi nhân viên VietinBank theo như năm 2019 là gần 28 triệu đồng/người thì ước tính sắp tới mỗi nhân viên VietinBank sẽ được thưởng khoảng 140 triệu đồng, thậm chí tùy vị trí có thể lên đến cả tỷ.

Vào dịp cuối năm, ngành ngân hàng vẫn được kỳ vọng là đem đến lượng tiền nhiều nhất cho người lao động sau những thông tin khá tích cực về kết quả kinh doanh trong năm, với hàng loạt ngân hàng báo lợi nhuận nghìn tỷ.

Năm 2020, đại dịch Covid ập đến khiến doanh nghiệp ở hầu hết các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, lợi nhuận được dự báo sụt giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã khống chế dịch khá tốt và các biện pháp kích thích kinh tế như tăng cường đầu tư công, giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng trong nước… đã giúp không ít doanh nghiệp và ngành không những vượt qua được qua khó khăn mà còn bứt phá mạnh mẽ.

Lương thưởng 2020, cuối năm mỗi người đút túi 150 triệu đồng
Người lao động chờ lương thưởng năm 2020.


Ngành thép, trong đó có Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long và Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ ghi nhận tăng trưởng đột phá nhờ bán được vật liệu xây dựng. Ngành ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ các hoạt động phi tín dụng, trong đó có nguồn thu từ bán bảo hiểm hộ.

Tổ chức JP Morgan vừa có đánh giá rất cao triển vọng cổ phiếu ngân hàng Việt, vượt trội hơn hẳn so với các nước trong khu vực ASEAN và cho rằng tiềm năng tăng giá với một số cổ phiếu vẫn còn, trong đó có đề cập tới một số mã như: TCB, VPB, ACB, VCB.

Với các công ty chứng khoán, sau một thời gian cuối quý I và đầu quý II ảm đạm, thị trường đã dần tăng trở lại và gần đây bất ngờ vượt xa ngưỡng 1.000 điểm với thanh khoản tăng rất mạnh lên 10-15 nghìn đồng giá trị giao dịch mỗi phiên.

Nhiều CTCK được dự báo sẽ đạt lợi nhuận tốt trong năm 2020 và khả năng chắc chắn sẽ có chắc thưởng Tết ở mức cao.

Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận nhiều ngành bứt phá trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid như lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, chăn nuôi…

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), gần đây, việc tuyển người gặp khá nhiều khó khăn cho dù lương ngành logistics khá cao, hàng nghìn USD mỗi tháng.

Với sự tăng trưởng bứt phá của ngành này, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ có mức lưởng Tết cao.

Một điểm mới trong năm nay là thưởng Tết có thể không phải là tiền mặt mà là tài sản, hiện vật theo quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ đầu 2021.

Không chỉ lương thưởng, nhiều doanh nghiệp có chính sách thưởng cổ phiếu cho người lao động trong nhiều năm qua và qua đó biến họ trở thành các ông chủ của doanh nghiệp, được hưởng thêm cổ tức.

Ngay trong năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp đã thực hiện bán cổ phiếu ưu đãi ESOP cho người lao động, thậm chí chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ rồi làm ESOP cho người lao động.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 16/12, chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên trên ngưỡng 1.060 điểm.

Theo MBS, một phiên điều chỉnh hôm qua cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, thị trường gặp ngưỡng cản ngắn hạn là vùng đỉnh ở 1.064-1.080 điểm nên thoái lui là hoàn toàn bình thường. Nếu các phiên tới thị trường lại tăng tiếp thì phiên hôm qua đã là lần thứ 4 chỉ trong vòng hơn 1 tháng thị trường lặp lại biến động này. Chính vì sự lặp đi lặp lại đó nên cũng rất khó nhận biết khi nào là thị trường thực sự tạo đỉnh. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản trị rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/12, VN-Index giảm 8,82 điểm xuống 1.055,27 điểm; HNX-Index tăng 2,12 điểm lên 167,87 điểm. Upcom-Index tăng 0,26 điểm lên 69,62 điểm. Thanh khoản đạt 15,3 nghìn tỷ đồng.