Phía sau vụ buôn lậu khủng hơn 50 kg vàng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:47, 21/11/2020

Khi thị trường vàng trong nước khan hiếm nguồn cung mà không được nhập qua chính ngạch thì dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu.
Mới đây, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện nhóm người đi xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Sau đó lực lượng công an đã bắt giữ Trần Văn Hải cùng hai bao tải và một bọc nylon màu đen chứa nhiều khối kim loại màu vàng với trọng lượng khoảng 51 kg.
Phía sau vụ buôn lậu khủng hơn 50 kg vàng
Nhu cầu mua vàng của người dân là có thật trong khi lại không được phép nhập khẩu . Ảnh: TL


Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an cho thấy 51 kg kim loại màu vàng nói trên là vàng 9999.

Chỉ là phần nổi của tảng băng

Chuyên gia ngành vàng Dương Anh Vũ khẳng định: Những năm gần đây, hiện tượng nhập lậu đã giảm bởi sóng trên thị trường vàng trong nước không nhiều, sự hấp dẫn của thị trường không còn như trước đây. Tuy nhiên, khi giá vàng trong nước cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới như thời gian vừa qua thì việc nhập lậu vàng lại gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn.

“Với 51 kg vàng lậu bị thu giữ vừa qua, tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm thấp nhất là 1.860 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua 51 kg vàng từ Campuchia khoảng 69 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng thì khi nhập lậu trót lọt 51 kg vàng, lợi nhuận thu được khoảng 4 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng quá hấp dẫn” - ông Vũ tính toán.

Đồng quan điểm, một chuyên gia hiện đang làm cố vấn cho Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam nhận định: Ở Việt Nam, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Đặc biệt, quy mô buôn lậu vàng từ Campuchia qua Việt Nam không hề nhỏ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do thói quen mua vàng, tích trữ vàng của người dân Việt Nam. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, Việt Nam không cho phép nhập khẩu vàng và điều này dẫn đến vàng lậu tìm đường vào Việt Nam.

“Thực tế ở khu vực miền Nam, vàng lậu chủ yếu đi từ Campuchia, miền Trung đi từ Lào và miền Bắc thẩm lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất chủ yếu ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Việc lực lượng chức năng phát hiện 51 kg vàng nhập lậu có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” - vị chuyên gia này đánh giá.

Đại diện một công ty kinh doanh vàng cũng cho hay vụ vận chuyển trái phép 51 kg vàng qua biên giới vừa phát hiện được xem là vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam bị bắt giữ. Song đây không phải là vụ đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện. Đáng chú ý, vàng lậu không chỉ được vận chuyển qua đường bộ mà còn cả đường hàng không, đường biển.

Điển hình là lực lượng an ninh tại sân bay Nội Bài hồi tháng 8-2017 đã kiểm tra năm người đàn ông nhập cảnh vào Việt Nam từ Thái Lan và phát hiện số vàng trang sức nhập lậu gồm vòng đeo tay, dây chuyền, hoa tai... lên tới 28,54 kg. Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ thêm số vàng trang sức buôn lậu gồm 8,155 kg. Như vậy, tổng số vàng trang sức thu giữ của riêng đường dây buôn lậu này trên 36 kg vàng.

Để chặn vàng nhập lậu

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, phân tích: Nhu cầu mua vàng nữ trang của người dân luôn tồn tại và sản lượng vàng nữ trang năm sau luôn cao hơn năm trước. Bởi vậy, nhu cầu vàng nguyên liệu cũng tăng theo là điều đương nhiên. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm riêng nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức đã lên tới khoảng 20 tấn.

Thế nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành vào năm 2012 đến nay, Việt Nam không nhập thêm bất cứ miếng vàng nguyên liệu nào. Trong khi đó, các doanh nghiệp nữ trang vẫn sản xuất đều, nhất là hiện nay đang vào mùa cao điểm (Giáng sinh, tết, mùa cưới…) nhu cầu vàng nữ trang, nhẫn, dây chuyền, lắc, vòng tăng cao. Đó là chưa kể một số sản phẩm công nghệ cao cũng cần tới vàng nguyên liệu.

Giá vàng trong nước cao bất thường

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến gần 5 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hiện tượng bất thường và là nguyên nhân chính khiến vàng lậu chảy vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng kể từ khi Nghị định 24/2012 quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đến nay, thị trường vàng ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Ngay cả vào thời điểm giá vàng biến động lớn như trong tháng 8 vừa qua cũng không có tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đợi tới lượt để mua vàng.

“Tuy nhiên, NHNN vẫn luôn theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” - ông Minh nhấn mạnh.

Phía sau vụ buôn lậu khủng hơn 50 kg vàng
Số vàng 9999 lậu vừa bị công an bắt giữ. Ảnh: C.A


“Rõ ràng khi mà vàng nguyên liệu không được nhập chính ngạch mà thị trường lại cần thì chỉ còn một cách duy nhất là nhập lậu. Đặc biệt, trong bối cảnh mà giá vàng trên thị trường Việt Nam cao đến hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới như hiện nay thì nguy cơ nhập lậu vàng tăng cao là dễ hiểu” - ông Dưng nhận định.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM nhấn mạnh để triệt tiêu hiệu quả tình trạng thẩm lậu vàng qua biên giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch theo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Một khi thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, chênh lệch giá không còn thì dân buôn lậu cũng hết cửa làm ăn.

“Đây là đề xuất mà Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt nam đã trình NHNN từ rất lâu rồi. Vấn đề chỉ là câu trả lời của nhà điều hành mà thôi” - ông Dưng nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, mới đây trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM cũng nhận định: Thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông do Việt Nam cấm xuất, nhập vàng và một số đơn vị kinh doanh vàng thiếu nguồn cung dẫn đến giá vàng trồi sụt bất thường, chênh lệch giá mua bán quá lớn.

Khi thị trường vàng trong nước khan hiếm nguồn cung mà không được nhập qua chính ngạch thì cũng dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu qua biên giới.

“Chỉ khi nào nguồn cung vàng trong nước thoát khỏi sự khan hiếm thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn, đồng thời nút thắt về ngành vàng nữ trang mới được tháo gỡ. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới” - ông Khánh nhấn mạnh.