Tài sản của các tỷ phú công nghệ được chia ra sao?

Công nghệ - Ngày đăng : 10:09, 07/05/2021

Nhiều tỷ phú đã chia sẵn tài sản trước khi có biến cố xảy ra để né thuế, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt hiếm hoi.

Bill Gates ly hôn vợ là câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo giới những ngày qua. Nhưng tỷ phú sáng lập Microsoft không để chuyện trà dư tửu hậu về gia đình mình kéo dài lâu khi nhanh chóng phân chia tài sản với vợ cũ Melinda.

Chi tiết này đã được báo chí phương Tây phát hiện thông qua khoản cổ phiếu trị giá 1,8 tỷ USD mà quỹ đầu tư Cascade, công ty quản lý tài sản của Bill Gates, chuyển cho bà Melinda sau thông báo ly hôn.

Nhưng không chỉ có Bill Gates, nhiều tỷ phú công nghệ lúc tại thế hoặc chưa ly hôn đều đã có sự phân chia tài sản rõ ràng, tránh những xung đột ảnh hưởng tới đế chế mà họ từng điều hành.

Steve Jobs (Apple)

Tỷ phú sáng lập Apple, Steve Jobs đã qua đời vì ung thư năm 2011. Tại thời điểm đó, khối tài sản của Steve Jobs bao gồm cổ phiếu ở Apple và Walt Disney có giá trị khoảng 10,2 tỷ USD.

Toàn bộ tài sản được chuyển giao cho vợ, bà Laurene Powell Jobs mà không bị đánh thuế liên bang, thuế thừa kế hoặc thuế tài sản mà có thể lên tới 66%. Điều này xuất phát từ một thực tế là Mỹ không đánh thuế khi chuyển giao tài sản cho vợ hoặc chồng, miễn người đó là công dân Mỹ.

Tuy nhiên, đây chỉ là khoản bị trì hoãn đánh thuế. Nếu người thừa kế tài sản vợ hoặc chồng, trong trường hợp này là bà Laurene Powell Jobs để lại tài sản cho người khác (giả sử bà vẫn chưa tiêu hết tiền), người thừa kế tiếp theo sẽ phải đóng thuế.

Tài sản của các tỷ phú công nghệ được chia ra sao?
Steve Jobs để lại gần như toàn bộ tài sản cho người vợ Laurene Powell Jobs.

Hiện khối tài sản năm xưa của Steve Jobs trong tay vợ Laurene Powell Jobs đã lên tới con số 19 tỷ USD. Nghĩa là người thừa kế kế tiếp ít nhất sẽ phải đóng khoản thuế trên khối tài sản thặng dư (capital gain tax) chênh lệch giữa 19 tỷ USD hiện tại và 10,2 tỷ USD năm xưa, tùy thuộc vào luật thuế tiểu bang và liên bang khi đó.

Hiện Tổng thống Biden đang thúc đẩy mạnh mẽ đề xuất tăng thuế lên nhóm 0,3% người giàu nhất nước Mỹ, trong đó xóa bỏ cái gọi là khoản miễn thuế thừa kế (tax free). Do đó, không chắc số tài sản tích cóp cả đời của Steve Jobs sẽ không hề hấn gì, trừ khi bà Laurene Powell Jobs thực hiện một loạt thủ thuật lách thuế sau này.

Còn với con cái, giới nhà giàu thường làm sẵn ủy thác (trust) để chuyển giao tài sản khi còn sống và nó không ảnh hưởng gì khi họ qua đời. Thực tế, Steve Jobs cũng không để lại gì cho ba người con hợp pháp với bà Laurene Powell Jobs.

Nhưng Steve Jobs còn có một người con ngoài giá thú Lisa Brennan-Jobs với mối tình thời đi học Chrisann Brennan. Tuy nhiên, ở thời điểm Steve Jobs qua đời, chỉ Lisa Brennan-Jobs nhận được một khoản thừa kế trị giá nhiều triệu USD. Số tiền cụ thể và số thuế mà Lisa Brennan-Job phải đóng không được tiết lộ do nó quá nhỏ so với khối tài sản kếch xù của Steve Jobs.

Larry Ellison (Oracle)

Larry Ellison, nhà sáng lập Oracle, là tỷ phú không xa lạ gì với các vụ ly hôn chia tài sản. Vị tỷ phú 77 tuổi này đã trải qua bốn đời vợ và chỉ có hai con với người vợ thứ ba. Ông hiện đang hẹn hò với với cô người mẫu kém 47 tuổi, Nikita Kahn.

Không có thông tin về việc chia tài sản ly hôn của Larry Ellison nhưng có một chi tiết thú vị là người vợ thứ hai đã từ chối cưa đôi công ty của chồng vào năm 1978 để đổi lấy 500 USD.

Công ty đó ngày nay là Oracle, nơi Larry Ellison vẫn nắm giữ 35% cổ phần và đem về khối tài sản 93 tỷ USD cho vị tỷ phú này.

Tài sản của các tỷ phú công nghệ được chia ra sao?
Từ trái qua phải: Nikita Kahn, bạn gái hiện tại của Larry Ellison, Larry Ellison, con gái lớn của ông, vợ cũ của ông. 

Với con cái, trái ngược với nhiều tỷ phú khác như Steve Jobs hay Bill Gates, Larry Ellison đã làm ủy thác để lại cho con cái nhiều triệu cổ phiếu startup dưới dạng quà tặng nhằm giảm thiểu tối đa tiền thuế phải nộp.

Số lượng chính xác các cổ phiếu không được xác định do Larry Ellison nắm giữ nhiều cổ phiếu ở các quỹ đầu tư và các công ty khác nhau, bao gồm cả hãng xe điện Tesla của Elon Musk.

95% tài sản còn lại được Larry Ellison cam kết làm từ thiện dựa trên thỏa thuận The Giving Pledge, một sáng kiến của vợ chồng Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett hồi năm 2010.

Lee Kun-hee (Samsung)

Chủ tịch Samsung, Lee Kun-hee qua đời năm 2020 nhưng câu chuyện tài sản thừa kế của nhà tài phiệt này vẫn còn rất nóng hổi. Dù vị cố chủ tịch này đã chia quyền nắm giữ các công ty con của gia đình cho ba người con (một người con gái tự sát), khối tài sản 20,7 tỷ USD vẫn là đề tài gây chú với dư luận.

Theo luật Hàn Quốc, con cháu người thừa kế của chủ tịch Lee Kun-hee phải đóng khoản thuế thừa kế lên tới hơn 10,8 tỷ USD. Điều này buộc gia đình dòng họ Lee phải đóng thuế trả góp theo sáu giai đoạn trong vòng 5 năm tới.

Tài sản của các tỷ phú công nghệ được chia ra sao?
Chủ tịch Lee Kun-hee (phải) bên cạnh thái tử Lee Jae-yong.

Giới phân tích hiện vẫn đang chờ đợi hồ sơ pháp lý được công bố để tìm ra những thay đổi trong cơ cấu cổ phần của gia đình nhà thái tử Lee Jae-yong, cổ đông lớn nhất của Samsung C&T.

Bởi đế chế Samsung gồm rất nhiều công ty con với cơ cấu cổ phần chồng chéo phức tạp. Tuy nhiên, chủ tịch Lee Kun-hee đã phân chia quyền lực từ lâu với thái tử Lee Jae-yong điều hành mảng điện tử Samsung Electronics, trưởng nữ Lee Boo-jin điều hành mảng khách sạn Hotel Shilla, thứ nữ Lee Seo-hyun điều hành quỹ từ thiện của gia đình.