Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020

Công nghệ - Ngày đăng : 17:31, 21/10/2020

Gian hàng 3D được hỗ trợ bởi nhiều tính năng công nghệ 3D hiện đại cùng hình ảnh và video trực quan, giúp quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin trở nên sống động.
Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 1

Toàn cảnh gian hàng tại Hội nghị và Triển lãm ITU 2020 của nước chủ nhà Việt Nam.

Với chủ đề "Cùng nhau xây dựng thế giới số", ITU Digital World 2020 là sự kiện có quy mô toàn cầu, gồm chuỗi hoạt động quan trọng như hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng, hội thảo chuyên đề, triển lãm trực tuyến, chương trình kết nối và chương trình giải thưởng vinh danh… nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong kỷ nguyên số.

Cùng với đó, triển lãm trực tuyến được xem là điểm nhấn quan trọng của ITU Digital World 2020, bao gồm các gian hàng quốc gia (National pavilion) giới thiệu về thành tựu chuyển đổi số của các quốc gia và các gian hàng trực tuyến 2D hoặc 3D (Virtual booth) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp từ các nước.

Đại diện cho Việt Nam, các doanh nghiệp lớn, đi đầu về công nghệ thông tin như Viettel, VNPT, FPT, Vsmart, Bkav, CMC,... đều góp mặt với triển lãm xây dựng mô phỏng 3D.

Gian hàng của FPT

Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 2
Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 3

Với FPT, 5 nền tảng, giải pháp được công ty giới thiệu và trình diễn tại triển lãm lần này bao gồm FPT.AI, akaBot, akaChain, EagleEye MDR, eHospital 2.0+.

Trong đó, AkaChain là nền tảng công nghệ chuỗi khối mới nhất của FPT, vừa được bình chọn là "sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu" tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020.

Các giải pháp còn lại đều nằm trong hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số ưu việt của FPT giúp doanh nghiệp từng bước chuyển đổi mô hình vận hành truyền thống sang hình thức vận hành số và xa hơn là doanh nghiệp số trong tương lai, sẵn sàng bứt phá trong trạng thái bình thường mới.

"Bộ giải pháp mà FPT mang đến hướng đến tạo ra những chuyển dịch mang tính đột phá về vận hành, kiến tạo mô hình kinh doanh mới, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững", Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ.

Gian hàng của VNPT

Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 4

Tại ITU Digital World 2020, Tập đoàn VNPT mang tới 20 sản phẩm công nghệ số nổi bật, được chia theo nhiều nhóm chủ đề như: Chính phủ điện tử, Doanh nghiệp số, SmartCity, An toàn bảo mật, Thanh toán số, Truyền hình số, Giáo dục số, Selfcare (ứng dụng CSKH), Thiết bị viễn thông, Dịch vụ viễn thông - Băng tần vệ tinh.

Ở lĩnh vực Chính phủ điện tử, các sản phẩm, dịch vụ được VNPT giới thiệu tới đông đảo khách tham quan bao gồm VNPT VXP - Trục tích hợp liên thông dữ liệu và VNPT eKYC - sản phẩm toàn diện về định danh xác thực điện tử.

Ở lĩnh vực SmartCity, VNPT đem tới giải pháp VNPT IOC - Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC) là hệ thống cung cấp cho Lãnh đạo chính quyền cách nhìn toàn diện, tập trung về các hoạt động đang tiếp diễn. Từ đó, hệ thống cho phép quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cũng như phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định dựa trên các tình huống cụ thể.

Trong lĩnh vực Thanh toán số, VNPT mang tới Hệ sinh thái VNPT Pay - Là hệ sinh thái thanh toán số qua ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ quốc tế.

Gian hàng của Viettel

Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 5

Gian hàng 3D của Viettel tại ITU Digital World 2020 chia làm 3 mô hình thuộc các nhóm lĩnh vực trọng yếu trong chuyển đổi số, gồm B2G (doanh nghiệp với chính phủ), B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với khách hàng).

Đối với mô hình B2G, Viettel mang đến giải pháp IOC (trung tâm điều hành), vOffice với mục tiêu hướng về văn phòng điện tử không giấy tờ, hay Telehealth - khám chữa bệnh từ xa.

Đối với mô hình B2B, Viettel gây ấn tượng với giải pháp Antispam Call (chống cuộc gọi rác), trợ lý ảo AI hỗ trợ bán hàng, Cyberbot - trợ lý ảo tiếng Việt, giải pháp đám mây vCloud.

Đối với mô hình B2C, người xem có thể tìm thấy những giải pháp quen thuộc như "siêu ứng dụng" Mocha, sàn TMĐT Voso, hay dịch vụ thanh toán Viettel Pay.

Gian hàng của Vsmart

Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 6

Là một trong những tập đoàn công nghệ giàu tiềm năng và phát triển nhanh nhất trong những năm qua, Vsmart lần đầu tiên góp mặt tại triển lãm ITU Digital World với 3 nhóm sản phẩm CNTT trọng yếu, gồm smartphone, smart TV và IoT.

Điểm nhấn chính của gian hàng đến từ chiếc Vsmart Aris Pro - với vai trò là smartphone Việt đầu tiên hỗ trợ mạng 5G, được ra mắt từ 4 tháng trước.

Gian hàng của Bkav

Trải nghiệm gian hàng 3D của Việt Nam tại ITU Digital World 2020 - 7

Tại gian hàng của Bkav, khách tham quan có thể ghé thăm các giải pháp về camera an ninh hỗ trợ AI, phần mềm bảo mật, các giải pháp về Nhà thông minh (smarthome), và không thể không nhắc tới những chiếc điện thoại Bphone đình đám.

Theo đại diện của ban tổ chức, sự kiện ITU Digital World lần này quy tụ hơn 50 quốc gia, với gần 200 gian triển lãm trưng bày sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số. Triển lãm được xây dựng theo hướng trực tuyến cho phép các doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách tham quan, thông qua bảng khảo sát về mức độ quan tâm đối với sản phẩm, dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc tham quan gian hàng 3D được hỗ trợ bởi nhiều tính năng công nghệ 3D hiện đại cùng hình ảnh và video trực quan, giúp quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin trở nên sống động. Đây là trải nghiệm mới đối với người dùng. Khách thăm quan có thể sử dụng máy tính bảng, điện thoại di động và cả các thiết bị công nghệ mới như kính thực tế ảo (AR/VR).

Trong phiên thảo luận, các Bộ trưởng và đại diện thành viên ITU cũng đánh giá cao những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà, lần đầu tiên chủ trì tổ chức một sự kiện quy mô quốc tế theo hình thức trực tuyến.

Ông Houlin Zhao, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế khẳng định sự kiện này là nền tảng thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. “ITU sẵn sàng hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT-TT, cùng phân tích đánh giá những cơ hội để tăng tốc những nguồn lực kết nối, phát triển ngành và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch”, Tổng thư ký ITU cho biết.