FBI mở khóa thành công iPhone của kẻ xả súng mà không cần Apple giúp đỡ

Công nghệ - Ngày đăng : 15:31, 19/05/2020

Sau nhiều lần nhờ vả nhưng liên tục bị Apple từ chối, Cục điều tra Liên bang (FBI) đã có thể tự mở khóa chiếc iPhone của thủ phạm một vụ xả súng để tìm kiếm các thông tin quan trọng ở bên trong.

Ngày 6/12/2019, Mohammed Saeed Alshamrani đã gây ra một vụ xả súng tại căn cứ Hải quân Mỹ ở thành phố Pensacola (bang Florida, Mỹ) khiến 3 người chết và 8 người bị thương. Kẻ xả súng sau đó đã bị lực lượng an ninh bắn chết.

Cục điều tra Liên bang (FBI) đã thu giữ được một chiếc iPhone của Alshamrani và đề nghị Apple hỗ trợ mở khóa chiếc iPhone này. FBI tin rằng việc mở khóa iPhone của Alshamrani sẽ giúp các nhà điều tra có thể tìm kiếm thêm các thông tin quan trọng liên quan đến tên này, đồng thời biết được liệu có đồng phạm nào giúp đỡ y trong vụ xả súng hay không.

FBI mở khóa thành công iPhone của kẻ xả súng mà không cần Apple giúp đỡ - 1

FBI đã có thể mở khóa iPhone của kẻ xả súng mà không cần sự trợ giúp của Apple (Ảnh minh họa)

Apple sau đó đã từ chối hỗ trợ FBI mở khóa chiếc iPhone của Alshamrani với lý do iPhone có mức độ bảo mật cao và không thể mở khóa thiết bị được dù Apple có muốn hay không, điều này khiến FBI phải tự thực hiện việc phá khóa chiếc iPhone.

Theo các nhà phân tích thì Apple không muốn hỗ trợ FBI mở khóa chiếc iPhone vì muốn bảo vệ cho danh tín của hãng. Một phần Apple sợ đánh mất niềm tin nơi người dùng khi thể hiện rằng hãng sẽ làm mọi thứ để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng lưu trên iPhone, một mặt khác Apple muốn đề cao sức mạnh bảo mật trên iPhone khi không ai có thể phá khóa để lấy dữ liệu bên trong thiết bị.

Mới đây, FBI tuyên bố đã có thể phá khóa thành công chiếc iPhone của Alshamrani mà không cần đến sự giúp đỡ của Apple. Từ những thông tin khai thác được bên trong chiếc iPhone của tên này, FBI cho biết có bằng chứng cho thấy Alshamrani liên hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho biết việc chiếc iPhone bị mã hóa đã gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, tuy nhiên, cuối cùng FBI đã có thể phá khóa thành công thiết bị để tìm kiếm được những thông tin có giá trị.

“Cảm ơn công việc tuyệt vời của FBI, và không cảm ơn Apple, chúng tôi đã có thể mở khóa chiếc iPhone của Alshamrani” Bộ trưởng William Barr cho biết, không quên thể hiện sự hằn học với Apple vì không hỗ trợ quá trình điều tra.

“Quyết định của Apple có thể gây nên những hậu quả nguy hiểm cho an toàn công cộng và an ninh quốc gia, mà theo tôi đánh giá là không thể chấp nhận được”, bộ trưởng Barr cho biết thêm. “Apple mong muốn bảo vệ sự riêng tư cho khách hàng của mình là điều dễ hiểu, nhưng không phải bằng mọi giá. Không có lý do gì một công ty như Apple lại không thể tạo ra một giải pháp để các cơ quan chức năng có thể truy cập vào thiết bị và ứng dụng của họ, trong khi vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn bảo mật cao”.

Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray đã chỉ trích Apple vì không hỗ trợ FBI mở khóa chiếc iphone của kẻ xả súng, khiến FBI tốn nhiều thời gian và tiền bạc thực hiện việc mở khóa này. Wray cũng cho biết những dữ liệu tìm được trên chiếc iPhone của Alshamrani đã mất đi ít nhiều giá trị vì đã cũ do mất quá nhiều thời gian để mở khóa thiết bị.

Mối quan hệ giữa Apple và FBI đã trở nên căng thẳng từ năm 2016, khi FBI đã nhờ Apple mở khóa chiếc iPhone thuộc về Syed Rizwan Farook, thủ phạm vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Tuy nhiên, Apple vào thời điểm đó đã khẳng định iPhone không thể bị phá khóa và từ chối lời đề nghị của FBI.

FBI sau đó được cho là đã chi ra số tiền 1,3 triệu USD để mở khóa iPhone của Farook. Sau khi xâm nhập thành công vào iPhone của Farook, FBI cho biết cơ quan này đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng mà trước đây mình chưa từng nắm giữ, nhưng lại không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Farook có liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). FBI cũng đã cung cấp những thông tin thu được từ iPhone của tên khủng bố cho các cơ quan khác của chính phủ Mỹ để sử dụng cho những mục đích khác nhau.