Những mối quan hệ 'không đội trời chung' giữa các ông trùm công nghệ

Công nghệ - Ngày đăng : 08:45, 12/05/2020

Bên cạnh những mối quan hệ thân thiết giúp nhau phát triển, giới công nghệ cũng tồn tại nhiều mối quan hệ “không đội trời chung” giữa những nhà lãnh đạo các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Steve Jobs (nhà sáng lập Apple) và Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 1

Nếu phải kể đến mối quan hệ căng thẳng giữa những “ông trùm” công nghệ, chắc hẳn phải kể đến mối quan hệ giữa Steve Jobs và Bill Gates đầu tiên.

Trong những ngày đầu mới thành lập của Apple và Microsoft, Steve Jobs và Bill Gates đã có một mối quan hệ tốt đẹp khi Microsoft đã xây dựng phần mềm cho chiếc máy tính Apple II của Apple. Bill Gates cũng thường xuyên ghé thăm trụ sở chính của Apple tại thành phố Cupertino.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã đổi chiều vào đầu những năm 1980, khi Steve Jobs bay đến trụ sở chính của Microsoft ở bang Washington để cố gắng thuyết phục Bill Gates phát triển phần mềm cho máy tính Macintosh. Bill Gates sau đó đã mô tả cuộc gặp giữa hai người là “một chuyến viếng thăm quyến rũ kỳ lạ” và khiến cho ông có cảm giác giống như Steve Jobs đang nói rằng: “Tôi không cần bạn, nhưng tôi sẽ cho phép bạn tham gia”.

Và đến năm 1985, khi Microsoft tung ra phiên bản Windows đầu tiên, Steve Jobs đã rất tức giận khi cho rằng Microsoft đã sao chép hệ điều hành trên Macintosh trong khi phát triển phần mềm cho chiếc máy tính này.

“Họ hoàn toàn sao chép chúng tôi, bởi vì Gates không biết xấu hổ”, Steve Jobs đã bày tỏ sự tức giận trong cuốn tự truyện của mình được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 2011.

Đáp trả lại điều này, Bill Gates cho biết những điều Steve Jobs nói về mình và Microsoft là không chính xác: “Nếu anh ấy (Steve Jobs) tin vào việc Microsoft sao chép Apple, anh ấy đã thực sự bước vào cánh đồng ảo giác của riêng mình”. Có vẻ như Bill Gates đã ám chỉ đến việc Steve Jobs từng sử dụng chất tạo ảo giác trước đây.

Căng thẳng giữa hai bên vẫn ở mức cao ngay cả khi Microsoft đầu tư vào Apple vào năm 1997 để cứu cho công ty khỏi bị phá sản. Cặp đôi này cũng không ít lần đấu khẩu với nhau trong thời gian vẫn còn tại vị, trong đó Steve Jobs gọi Bill Gates là “kẻ nhàm chán”, còn Bill Gates đã gọi Jobs là “kẻ kỳ lạ khác người”.

Dù liên tục đấu khẩu và có mối quan hệ căng thẳng, trên thực tế Bill Gates và Steve Jobs vẫn dành cho nhau sự tôn trọng và ngưỡng mộ. Khi Jobs qua đời vào năm 2011, Bill Gates đã chia sẻ: “Tôi tôn trọng Steve, chúng tôi đã từng làm việc cùng nhau. Chúng tôi thức đẩy lẫn nhau, ngay cả khi là đối thủ cạnh tranh. Không có lời nào ông ấy nói khiến tôi cảm thấy phiền lòng”.

Tim Cook (CEO Apple) và Mark Zuckerberg (CEO Facebook)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 2

Là lãnh đạo của hai hãng công nghệ lớn nhất thế giới, mối quan hệ giữa Tim Cook và Mark Zuckerberg lại không mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là căng thẳng.

Mối quan hệ giữa hai “ông trùm” này trở nên căng thẳng khi vào đầu năm 2014, Tim Cook đã có những bình luận mỉa mai nhằm vào Facebook: “Khi một dịch vụ trực tuyến cung cấp miễn phí, bạn không phải là khách hàng, mà bạn là sản phẩm”.

Lời bình luận của Tim Cook nhằm ám chỉ Facebook xem người dùng của mình như sản phẩm và bán thông tin của họ để kiếm lời.

Không lâu sau đó, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã có hành động đáp trả trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Time: :Cái gì? Bạn nghĩ rằng bởi vì bạn trả tiền cho Apple nghĩa là bạn đang ngang hàng với họ theo một cách nào đó? Nếu bạn đang ngang hàng với họ, sau đó họ sẽ làm ra những sản phẩm rẻ hơn rất nhiều!”

Tuy nhiên, sự căng thẳng giữa Tim Cook và Mark Zuckerberg căng thẳng lên đỉnh điểm khi vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook bị phát giác vào năm 2018, khi dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng bị đánh cắp. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi Tim Cook sẽ làm gì nếu mình là Mark Zuckerberg trong trường hợp này, CEO Apple đã trả lời rằng: “Tôi sẽ làm gì à? Tôi sẽ không để mình rơi vào hoàn cảnh này”, với hàm ý rằng Tim Cook và Apple sẽ không bao giờ lấy thông tin người dùng như Facebook đã làm.

Mark Zuckerberg vào thời điểm đó đã rất phẫn nộ với những bình luận của Tim Cook, đến nỗi yêu cầu toàn bộ ban lãnh đạo của Facebook phải chuyển sang sử dụng smartphone chạy Android.

Trong một bài đăng trên blog chính thức của Facebook năm 2018, mạng xã hội này đã xác nhận mối quan hệ căng thẳng giữa lãnh đạo Facebook và Apple: “Tim Cook đã liên tục chỉ trích mô hình kinh doanh của chúng tôi và rõ ràng Mark Zuckerberg đã không hài lòng về điều đó”.

Jeff Bezos (CEO Amazon) và Elon Musk (CEO hãng xe điện Tesla)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 3

Jeff Bezos là nhà sáng lập của Blue Origin và Elon Musk là nhà sáng lập của SpaceX, hai hãng công nghệ về hàng không vũ trụ và có cùng tham vọng đưa con người du lịch vào không gian. Do vậy, không quá ngạc nhiên khi Jeff Bezos và Elon Musk có mối quan hệ không tốt đẹp gì.

Jeff Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000, còn Musk thành lập SpaceX sau đó 2 năm. Cặp đôi này từng có mối quan hệ khá tốt đẹp, ăn tối cùng nhau và tư vấn cho nhau, nhưng cuối cùng đã quay sang đối địch nhau.

“Tôi đã đưa ra những lời khuyên tốt nhất, nhưng ông ấy hầu hết đều phớt lờ”, Elon Musk nói về Jeff Bezos trong một bài phỏng vấn.

Mối quan hệ giữa hai người trở nên hết sức tồi tệ vào năm 2013 khi SpaceX đã đạt được thỏa thuận độc quyền với NASA để cung cấp tên lửa phóng và phía Blue Origin đã đệ đơn phản đối lên chính phủ Mỹ, nhưng bất thành. Nhiều tháng sau đó, Blue Origin và SpaceX đã lao vào một cuộc chiến pháp lý và tố cáo vi phạm bằng sáng chế công nghệ của nhau. Hai ông chủ đứng đầu của hai công ty cũng đã liên tục công kích nhau trên mạng xã hội Twitter.

Trong một bài phỏng vấn với kênh BCC, khi được hỏi suy nghĩ của mình về Jeff Bezos, Elon Musk để thể hiện thái độ xem thường đối thủ khi đáp lại rằng: “Jeff là ai?”. Trong khi đó, Jeff Bezos cũng thường xuyên công kích và xem tham vọng du lịch lên sao hỏa của SpaceX, gọi đó là “ý tưởng không có động lực”.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2019, Musk đã công khai chê bai Jeff Bezos trên Twitter và gọi Jeff Bezos là “kẻ bắt chước”, sau khi Amazon có kế hoạch phóng các vệ tinh lên không gian để cung cấp mạng Internet trên toàn cầu, khi mà SpaceX đã từng thực hiện điều này trước đó ít năm.

Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook) và Jack Dorsey (nhà sáng lập Twitter)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 4

Là nhà sáng lập của hai mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, không quá ngạc nhiên khi Mark Zuckerberg và Jack Dorsey có mối quan hệ không quá tốt đẹp với nhau.

Facebook đã chịu nhiều sự chỉ trích trong những tháng gần đây vì cho phép và không kiểm duyệt các quảng cáo liên quan đến chính trị, trong khi đó, phía Twitter lại quyết định cấm toàn bộ các nội dung quảng cáo liên quan đến chính trị, đồng thời Jack Dorsey cũng không quên mỉa mai Mark Zuckerberg vì quyết định này với bình luận: “Các thông điệp chính trị chỉ nên được tiếp cận, không nên mua bán”.

Về phần mình, Mark Zuckerberg cũng đã nhiều lần chỉ trích Twitter trong những cuộc họp nội bộ của Facebook. Trong một bản ghi âm bị rò rỉ, Zuckerberg đã nói rằng “Twitter không thể làm tốt công việc như chúng ta đang làm”.

Tháng 12/2019, Jack Dorsey đã quyết định ngừng theo dõi tài khoản Twitter của Zuckerberg.

Evan Spiegel (nhà sáng lập Snapchat) và Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 5

Snapchat từng là “con mồi” mà Facebook thèm muốn và ít nhất 3 lần Facebook đưa ra đề nghị mua lại Snapchat, nhưng cả 3 lần đều bị từ chối. Mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Evan Spiegel đã trở nên xấu đi từ đó.

Không thể mua được Snapchat, Facebook đã bắt chước nhiêu tính năng của Snapchat trong những năm qua, trên cả ứng dụng Facebook lẫn Instagram, điều này càng khiến cho mối quan hệ giữa Evan Spiegel và Mark Zuckerberg càng trở nên căng thẳng.

Năm 2018, khi Facebook sao chép và công bố tính năng Stories tương tự như trên Snapchat, Spiegel đã công khai mỉa mai Facebook: “Chúng tôi thực sự đánh giá cao nếu họ sao chép các hoạt động bảo vệ dữ liệu của chúng tôi”, xoáy sâu vào vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng Facebook.

Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook) và Kevin Systrom (nhà sáng lập Instagram)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 6

Có lẽ Mark Zuckerberg là “ông trùm” làm mất lòng nhiều người nhất trong giới công nghệ, cho dù đó có là đối thủ cạnh tranh hoặc thậm chí những người từng là “đồng đội”.

Năm 2012, Facebook đã bất ngờ chi ra đến 1 tỷ USD để mua lại Instagram. Sau thương vụ này, nhà sáng lập Instagram Kevin Systrom chuyển sang làm việc tại Facebook và có mối quan hệ tốt đẹp của Mark Zuckerberg.

Nhưng một vài năm sau, mối quan hệ này dần xấu đi và trở nên căng thẳng. Đỉnh điểm là vào năm 2018, Kevin Systrom bất ngờ rời khỏi Facebook. Khi được hỏi về lý do rời đi của mình, Systrom cho biết: “Không ai rời khỏi công việc của mình nếu mọi thứ vẫn đang ổn”.

Theo các nguồn tin, lý do khiến Kevin Systrom rời khỏi Facebook vì ngày càng bị Mark Zuckerberg kiểm soát, trang bị thêm các tính năng lên Instagram dù Systrom không ủng hộ và thậm chí đưa Instagram phát triển theo những hướng đi mà Systrom đã phản đối từ trước đó, bao gồm cả việc đặt quảng cáo để thương mại hóa Instagram.

Larry Ellison (nhà sáng lập Oracle) và Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 7

Larry Ellison và Bill Gates hiện tại có mối quan hệ khá tốt đẹp, nhưng ít ai biết rằng vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cả hai đã từng là những “kẻ thù không đội trời chung”.

Mối quan hệ đối địch giữa hai người dường như bắt nguồn từ việc Larry Ellison là bạn thân thiết với Steve Jobs, “đối thủ” quen thuộc của Bill Gates. Bên cạnh đó, Larry Ellison cũng được cho là rất ám ảnh trong việc vượt qua Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào thời điểm đó, cũng khiến cho mối quan hệ giữa hai người không mấy tốt đẹp.

Tuy nhiên, mối quan hệ này căng thẳng đỉnh điểm vào năm 2000, khi Microsoft đang bị chính phủ Mỹ điều tra vì vi phạm luật chống độc quyền. Vào thời điểm đó, Ellison thậm chí còn thuê những nhà điều tra độc lập nhằm tìm ra những tội lỗi mà Microsoft đang gặp phải để cung cấp bằng chứng cho chính phủ Liên bang.

Cuối cùng, Microsoft đã bị xử phạt vì vi phạm chống độc quyền và Bill Gates quyết định rời khỏi ghế CEO của Microsoft. Dĩ nhiên, Bill Gates không thể hài lòng về hành động “đâm sau lưng” của Larry Ellison.

Steve Jobs (nhà sáng lập Apple) và Michael Dell (nhà sáng lập Dell)

Những mối quan hệ “không đội trời chung” giữa các ông trùm công nghệ - 8

Năm 1997, Michael Dell, nhà sáng lập và CEO hãng máy tính Dell, khi được hỏi ý kiến về Apple, vào thời điểm đó đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ và sắp bị phá sản, đã trả lời rằng: “Apple nên đóng cửa và trả lại tiền cho các cổ đông”.

Bình luận này của Michael Dell đã khiến Steve Jobs nổi giận, gọi những bình luận của Dell là “thô lỗ” và Apple sẽ tìm đến với Dell. Steve Jobs sau đó cũng gọi những chiếc máy tính của Dell là “nhàm chán, đơn giản”.

Dell sau đó đã phải hạ giọng và cho rằng không có ý chê bai Apple, tuy nhiên, chừng đó dường như chưa đủ để Steve Jobs hài lòng. Vào tháng 1/2006, Steve Jobs đã gửi một bức thư cho các nhân viên của Apple, với nội dung châm biếm Michael Dell: “Các bạn, hóa ra Michael Dell không giỏi trong việc dự đoán tương lai. Dựa trên giá cổ phiếu hôm nay, Apple có giá trị cao hơn Dell. Cổ phiếu tăng và giảm và mọi thứ có thể khác biệt vào ngày mai, nhưng tôi nghĩ rằng đây là khoảnh khắc đáng để suy ngẫm ngày hôm nay”.