Đến năm 2021, cuộc đua smartphone đã dần khép lại?

Công nghệ - Ngày đăng : 11:04, 25/02/2021

Smartphone từng là thị trường cạnh tranh nhộn nhịp, nơi các công ty luôn cho ra đời những ý tưởng và sản phẩm mang bản sắc riêng.

Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Victor Hristov, trang PhoneArena. VnReview dịch thuật cho bạn đọc theo dõi. 

Đúng vậy, nếu quay ngược về 10 năm trước, ngành công nghiệp di động luôn có không khí nhộn nhịp và người dùng chờ đón mỗi dịp một hãng nào đó ra mắt sản phẩm mới.

Liệu bạn còn nhớ HTC với trang bị loa kép và kiểu dạng nổi bật làm nên thương hiệu. Hay LG với những ý tưởng kỳ quái, đơn cử như thiết kế mô-đun cho phép người dùng tháo lắp linh kiện ngoại vi trên LG G5 hay Optimus 3D kỳ thú? Ngay cả Samsung ngày trước cũng tham gia vào nghiên cứu các ý tưởng đặc biệt, như Galaxy Beam sở hữu máy chiếu pico tích hợp.

Sau thời kỳ này, thị trường di động chứng kiến nhiều smartphone cao cấp ra đời nhưng lại có giá thành phải chăng. Motorola là cái tên đầu tiên khơi mào trào lưu mới. Kế theo sau, nhiều công ty Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều đổi mới khác như sạc VOOC siêu nhanh trên điện thoại Oppo.

Hay nhìn lại đế chế của Palm, nơi từng có hệ điều hành thứ ba với giao diện cảm ứng riêng biệt không "đụng hàng" bất kỳ chiếc điện thoại nào ngoài kia. Tuy nhiên hiện nay, những sáng tạo đó đã biến mất và thay bằng những chiến lược an toàn qua từng năm trong thế giới smartphone.

Thị trường smartphone đang dần tĩnh lặng hơn trước

Chỉ hơn một thập kỷ trôi qua kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời, mở đường cho thời đại điện thoại thông minh phát triển, nhưng đến nay, giữa bối cảnh của năm 2021: LG đang trên đà bán mảng kinh doanh điện thoại, HTC "mất tích" và dần trôi vào lãng quên, trong khi các công ty như Huawei bị loại khỏi cuộc chơi do lệnh cấm vận của Mỹ.

Cuối cùng là Sony, hãng này dường như chỉ kinh doanh điện thoại của mình cho những người hâm mộ trung thành nhất vì luôn đề ra giá bán không tương xứng so với tổng thể thị trường mang lại.

Và trong khi nhiều lập luận cho rằng chính quyết định sai lầm và thiết kế điên rồ đã đưa những công ty này đi đến bờ vực thẳm, thì cũng có ý kiến lại nói thị trường di động đã trở nên bão hòa và thiếu sự cạnh tranh. Giờ đây, Samsung và Apple là hai ông lớn duy nhất có điện thoại cao cấp đủ khiến người dùng hào hứng, trong khi các hãng khác thì không.

Tất nhiên, không thể không kể đến Google, cha đẻ của hệ điều hành di động lớn nhất hành tinh. Hãng có chiến lược tương tự Sony khi luôn mang đến những cú sốc cho thị trường, điện thoại sở hữu cấu hình tầm trung, cận cao cấp nhưng luôn có giá không hề phải chăng.

OnePlus, thương hiệu điện thoại mới nổi được nhiều người yêu thích, vẫn đang vật lộn để mang đến một chiếc máy ảnh tuyệt vời trên smartphone cao cấp.

Chỉ còn lại Samsung và Apple 

Nếu mọi thứ cứ tiếp tục tiếp diễn ra như tình hình hiện nay, thị trường điện thoại sẽ chỉ bao trùm bởi hai ông lớn Apple và Samsung. Mặc dù cả hai không có gì xấu, nhưng nếu quả thật chỉ có đối thủ thì sự đổi mới đang dần bị làm chậm thay vì phải tăng tốc.

Đã có nhiều bằng chứng chỉ ra vấn đề trên là sự thật. Nếu không phải nhờ có Huawei, hẳn chúng ta sẽ không thể chứng kiến một cuộc cách mạng chụp đêm trên smartphone. Hay nếu không nhờ những tiến bộ về thuật toán nhiếp ảnh của Google, chúng ta cũng không thể có tính năng HDR chất lượng và khá tự nhiên.

Và danh sách đổi mới cứ thế tiếp tục kéo dài. Apple và Samsung hiện nay đang đi sau các thương hiệu Trung Quốc về tính năng sạc nhanh. Chiếc Vivo iQOO 7 ra mắt được trang bị củ sạc 120 W có khả năng sạc đầy viên pin 4.000 mAh từ 0-100% chỉ trong vòng 18 phút. Trong khi iPhone phải mất đến 1 giờ 45 phút để sạc đầy và Apple thậm chí còn cắt bỏ củ sạc tặng kèm vì lý do bảo vệ môi trường.

Tôi lo rằng với ít sự cạnh tranh, những tiến bộ và đổi mới công nghệ sẽ dần chậm lại, ngay cả trong một thị trường tương đối trưởng thành như điện thoại thông minh.