Làm đầy ổ cứng bằng Word, test xung bằng Excel

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 08:17, 28/03/2021

Thay vì ép xung bằng cách thức phức tạp, người dùng hoàn toàn có thể thử sức chịu đựng của máy tính bằng những công cụ hết sức gần gũi như Word hoặc Excel.

Trong hầu hết các trường hợp, người dùng chuyên nghiệp có thể kiểm tra sức mạnh phần cứng bằng các phần mềm benchmark chuyên dụng như 3DMark, FurMark… Tuy nhiên những thử nghiệm dạng stress test cũng chỉ mang tính tương đối và không thể phản ánh hết sức mạnh thật sự của cỗ máy khi sử dụng các tác vụ thông thường như soạn thảo văn bản, xem và dựng video...

Word dùng để soạn thảo văn bản nhưng bạn có nghĩ ra cách nào khác để sử dụng bộ công cụ này chưa? Một câu hỏi tương tự được đưa lên Quora và người dùng tên Nguyễn Khánh Nam đã có một câu trả lời hết sức thú vị, đó là dùng Word để làm đầy ổ cứng 1 TB. Chủ đề này đã mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi để tính chính xác xem mất bao lâu làm đầy ổ cứng bằng cách gõ chữ A.

Làm đầy ổ cứng bằng Word, test xung bằng Excel
Muốn biết máy mạnh hay yếu, chỉ cần so sánh kết quả render.

Để tính toán được, trước tiên cần biết rằng Word sẽ lưu một ký tự với độ lớn là 1 byte. Một ổ cứng 1 TB quy đổi ra sẽ bằng 10^12 byte (theo quy chuẩn IEC). Như vậy, ổ 1 TB có thể lưu được 1.000 tỷ chữ A. Vậy sẽ mất bao lâu để gõ hết số chữ A này? Nếu tính toán bằng tốc độ gõ phím của người thường, thời gian sẽ mất xấp xỉ gần 2.000 năm.

Trên thực tế, nó không hề lâu như vậy. Bởi khi giữ một phím đủ lâu trong Word, ký tự đó sẽ tự động chạy rất nhanh để tạo ra khoảng 2.000 chữ mỗi phút, do đó thời gian để gõ đầy ổ 1 TB chỉ mất khoảng 1.000 năm mà thôi. Ngoài ra, người dùng có thể chơi ăn gian bằng cách copy/paste với tốc độ tạo ra chữ A nhanh gấp đôi sau mỗi thao tác Ctrl + A, Ctrl +C và Ctrl + V. Với cách này, người ta chỉ mất vài phút mà thôi.

Làm đầy ổ cứng bằng Word, test xung bằng Excel
Hoặc dùng... Excel

Sau khi đã làm đầy ổ cứng với Word, bạn có thể muốn test xung bằng Excel. Rất may, công việc này khá đơn giản và có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau mà người dùng có thể tự làm được như tự sử dụng hàm tính tổng với các số lớn. Bởi Excel ngốn khá nhiều CPU cho các hàm tính toán phức tạp, đây có thể là cách thức khá thú vị để test xem liệu CPU của bạn mạnh đến đâu.

Cuối cùng là thử sức mạnh GPU và CPU bằng các phần mềm dựng video như Premiere Pro. Bạn có thể tải video bất kỳ trên mạng (càng dài càng tốt như video 4K60), thử thêm thắt chỉnh sửa một vài hiệu ứng sau đó xuất ra file mới bằng Premiere Pro. Thời gian hoàn thành video sẽ cho biết GPU và CPU của bạn mạnh đến đâu.

Tất nhiên, người dùng có kiến thức hoàn toàn có thể tự ép xung CPU, RAM, GPU bằng cách can thiệp vào BIOS. Tuy nhiên, việc overclock đòi hỏi một kiến thức nhất định về máy tính và không được khuyến khích với người dùng phổ thông.