Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi 'căng'

Công nghệ - Ngày đăng : 11:18, 19/12/2020

Zephyrus M15 mang vẻ ngoài khiêm tốn nhưng bên trong chứa đựng "nội công" khá ổn, nhưng ASUS cần phải điều chỉnh mức giá hợp lý hơn nữa cho thị trường Việt Nam.

Thiết kế trung tính, dành cho hội không thích khoe mẽ

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 1.

Trái ngược với những dòng laptop chơi game hầm hố, dày cộp và nhiều đèn LED thì Zephyrus M15 lại ẩn mình như một chiếc laptop văn phòng. Tuy vậy, những điểm nhận dạng cơ bản cho dòng ROG (Republic of Gamers) vẫn xuất hiện ở mặt ngoài của sản phẩm này.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 2.

Cụ thể hơn ở phần nắp máy, nơi được đánh giá là "mặt ăn tiền" nhất để người dùng thể hiện cá tính của mình, vẫn được thiết kế họa tiết phay xước mạnh mẽ cùng logo con mắt ROG cực ngầu.

Nhìn từ nhiều góc ánh sáng phản chiếu vào, bạn sẽ thấy phần nắp này được chia hai nửa theo đường chéo, với một phần có phần đen đậm đặc hơn so với phần còn lại. Cũng nhờ vậy, khi bạn dùng nó ngồi ở quán cafe hay trên công ty, lớp học thì bất cứ ai đi ngang qua cũng sẽ thấy hiệu ứng thị giác chuyển dần, thu hút ánh mắt hiếu kỳ nhiều hơn.

Logo ROG không có đèn RGB phát sáng mà chỉ dập bóng. Một số người sẽ không thích điểm này, nhất là với các gamer vốn quen với những dàn case máy tính và nắp laptop chạy đèn đổi màu, nhưng với bản thân người viết lại vô tình thích kiểu "chìm" này hơn bởi cơ bản nó phù hợp với nhiều ngữ cảnh sử dụng khác nhau.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 3.

Chợt nghĩ nếu có một chiếc laptop với nhiều dải đèn LED lòe loẹt thì có lẽ tôi chẳng bao giờ dùng nó trong các buổi đi họp báo hoặc đi công tác cả…

Khe tản nhiệt của máy được trang bị khá nhiều, bạn có thể thấy gần như ở mọi góc, từ dưới đáy, phía lưng, hai cạnh bên. ASUS cho biết họ sử dụng keo kim loại lỏng của Thermal Grizzly để tản nhiệt hiệu quả hơn so với kiểu keo gốm thông thường. Về nhiệt độ của máy tôi sẽ đề cập ở phần hiệu năng sau.

Quay trở lại với ngoại hình, nhìn tổng thể Zephyrus M15 khá vuông vức, gần như rất ít những đường cắt gọt mạnh mẽ mà thay vào đó chỉ là cái khung được bo vuông ở các cạnh, đều nhau. Điểm cắt rõ rệt và duy nhất ở đây có lẽ là phần cuối của nắp máy, và chỉ khi đóng lại bạn mới thấy được điểm nhấn này.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 5.

Thực tế phần thiết kế này cũng đã từng xuất hiện trên những dòng trước nên cũng không có gì quá mới mẻ và nó không chỉ để làm đẹp mà còn mục đích khá quan trọng là giúp luồng khí nóng thoát ra tốt hơn.

Tổng quan bên ngoài của máy cũng thuộc dạng khá mỏng so với laptop chơi game trên thị trường: chỉ 18,9mm và cân nặng chỉ 1,9kg. Bổ sung cho việc gọn nhẹ này, ASUS cũng ưu ái kèm theo cho người dùng đến 2 củ sạc khác nhau: một củ 230W để chạy full công suất và một củ 65W nhỏ gọn sạc qua giao thức USB Type-C. Đây chưa phải là chiếc laptop gaming có độ mỏng nhẹ nhất, khi hiện tại những sản phẩm bày bán trên thị trường có MSI Stealth 15M với 15,95mm và cân nặng vào khoảng 1,69kg, tuy nhiên việc tặng kèm 2 lựa chọn sạc cho 2 mục đích sử dụng khác nhau thì có lẽ Zephyrus M15 vẫn hợp lý hơn.

Với những ai thường xuyên di chuyển, việc mang theo củ sạc 65W là vô cùng cần thiết để hàng trang được nhẹ nhàng hơn, bên cạnh đó cũng chú tâm vào việc học/việc làm, còn củ sạc 230W ở nhà để khi về đến là có thể "quẩy game" thoải mái hơn.

Trái với phần vỏ bên ngoài với họa tiết xước phay mạnh mẽ, phần mặt trong nơi đặt bàn phím và chiếu nghỉ tay của Zephyrus M15 lại được phủ lớp đen mờ khá đơn giản, cảm nhận cá nhân nhìn nó khá giống với dòng ThinkBook của Lenovo. Ưu điểm của nó là việc đặt tay lên phần chiếu nghỉ khá thoải mái, đỡ gượng gạo hơn, tuy nhiên chúng ta phải chịu một nhược điểm khác khó chịu không kém là bám vân tay, nhất là với những ai hay ra mồ hôi tay thì sẽ thấy rất nhiều vệt mờ khi nhìn vào. Giải pháp duy nhất là đành mang theo khăn để lau máy thường xuyên để nó quay trở về với hình dáng sang trọng hơn.

Bên cạnh phần chiếu nghỉ tay khá thoải mái, phần bàn phím của M15 cũng tạo thêm trải nghiệm tốt cho người dùng nhờ hành trình phím khá sâu, vừa đủ để cảm nhận được từng lực nhấn và độ phản hồi ngược lại. Một điểm cần lưu ý khác là bộ bàn phím này không hề full, tức phần NumPad bên phải sẽ bị cắt bỏ dù đây là laptop 15,6 inch. Bù lại, diện tích các phím được to hơn, sắp xếp thoải mái, thao tác trong game cũng sẽ chính xác hơn và khu vực chiếu nghỉ tay cũng rộng rãi hơn.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 8.

Giống như các bàn phím dành cho laptop gaming khác, đèn nền của Zephyrus M15 cũng là RGB. Với sự hỗ trợ của phần mềm Armoury Crate (có thể truy cập nhanh bằng phím shortcut hình con mắt ROG), người dùng có thể thay đổi màu sắc của phím và các kiểu hiển thị, từ tĩnh, chuyển nháy đèn 7 sắc cầu vồng hay thậm chí là nhảy strobing xập xình liên tục.

Màn hình phù hợp cho cả gaming lẫn làm ảnh

Zephyrus M15 có hai phiên bản màn hình: 1 chú trọng cho game thủ với độ làm tươi 240Hz, độ phản hồi 3ms và độ phân giải FullHD, phiên bản còn lại dành cho người dùng sáng tạo nội dung với độ phân giải lên đến 4K nhưng bù lại chỉ có 60Hz.

Phiên bản mà tôi đang trải nghiệm là dành cho game thủ với tên mã GU502LU. Dù không phải chuyên cho dân content creator nhưng nó vẫn đáp ứng đầy đủ chất lượng về màu sắc hiển thị, như sử dụng tấm nền đạt chuẩn Pantone Validated với độ phủ màu 100% sRGB. Nhờ vậy, máy không chỉ phù hợp với game thủ mà còn với ngay cả những người có sở thích chụp ảnh hay nhiếp ảnh gia không chuyên cũng yên tâm hơn trong việc hậu kỳ.

Màn hình 15,6 inch này phủ một lớp chống chói, kèm theo đó là độ sáng vào khoảng 321 nits, không phải là quá sáng nhưng đủ để sử dụng trong nhà hoặc bên cạnh cửa sổ có ánh sáng hắt vào, miễn là đừng để màn hình đối diện với nguồn sáng quá mạnh là được.

Màn hình được vát mỏng 3 cạnh tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng và webcam cũng đã bị loại bỏ trên chiếc máy này. Đây cũng là điều khá đáng tiếc bởi "work from home" đang là xu hướng của năm nay và nếu bạn buộc phải video conference với công ty hay khách hàng thì buộc phải trang bị thêm webcam rời.

Với từng kiểu giải trí, như xem phim, chỉnh ảnh hay chơi game, bạn đều có thể tùy chỉnh tông hiển thị khác nhau, tất cả đều nằm trong Armoury Crate rất tiện dụng.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 11.

Riêng với độ làm tươi 240Hz và phản hồi 3ms, Zephyrus M15 mang đến trải nghiệm trong game rất tốt, chống xé hình và ghosting khá hiệu quả. Tất nhiên để có thể mãn nhãn thì không chỉ có màn hình xịn mà bên cạnh đó còn cần cấu hình mạnh thì mới đủ "cân" được các game nặng thời nay. Đó là điều mà tôi sẽ đề cập đến ở phần dưới.

Cyberpunk 2077 đạt mức 4x-5x FPS với cấu hình High preset tại Full HD

Nói riêng về cấu hình máy, Zephyrus M15 trang bị vi xử lý Intel Core i7-10750H thế hệ thứ 10 của hãng, sản xuất trên tiến trình 14nm++. Con chip này có 6 nhân và 12 luồng, xung nhịp tối đa đã được nâng lên thành 5Ghz so với 4,5Ghz của 9750H thế hệ trước, bên cạnh đó hỗ trợ xung RAM cao hơn với DDR4-2933MHz.

Cũng theo Intel, 10750H được tích hợp công nghệ Turbo Max 3.0 mới của họ nhằm tối ưu hóa khả năng tăng tốc xử lý và cũng là thứ vô cùng đáng giá cho đội chơi game. Zephyrus M15 trang bị card đồ họa rời GTX 1660Ti, thuộc thế hệ Turing nhưng không có nhân RT và nhân Tensor để hỗ trợ Ray Tracing và DLSS. Tuy nhiên, hiệu năng chơi game mà máy này mang lại vẫn khiến tôi khá bất ngờ.

Mở Cyberpunk 2077 và chơi trong vòng 30 phút, tôi đặt thiết lập đồ họa cho game ở mức preset High và độ phân giải Full HD, hầu như tất cả các phân cảnh đều ổn định ở 4x-5x fps. Riêng có những lúc giao tranh ngoài phố với nhiều hiệu ứng, thi thoảng khung hình bị giảm xuống còn khoảng 38-42 fps.

Nhiệt độ của CPU và GPU những lúc chơi game này cũng ở mức 80-86 độ C, tuy vậy phần chiếu nghỉ tay không hề nóng lên, thậm chí là tôi không cảm nhận gì ở khu vực này và thấy rất thoải mái. Khu vực bàn phím cũng vậy, vẫn mát mẻ nên khi thao tác và chơi trong thời gian dài không bị khó chịu.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 13.

Linh kiện của máy được dời cao lên trên nên khu vực nóng nhất chỉ nằm ở đây.

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 14.

Chuyển sang CS:GO, với cấu hình all High, khung hình luôn được ổn định ở mức 100 đến hơn 110 fps và nhiệt độ CPU/GPU của máy đo từ HWMonitor vào khoảng 6x-7x độ.

Trong quá trình trải nghiệm, tôi đã thử dùng cả hai củ sạc để đánh giá hiệu năng máy. Như với bài benchmark Final Fantasy XV, máy chỉ đạt mức điểm 2026 và bị đánh giá là LOW khi dùng với sạc 65W. Trong khi đó con số này được tăng lên 7250 và được đánh giá là HIGH khi dùng sạc 230W, thế mới nói nếu muốn tập trung làm việc và học hành trên trường thì cứ mang sạc nhỏ, bạn sẽ chẳng còn bị "lôi kéo" nữa.

Chạy Cinebench để full load CPU, nhiệt độ của các core lên rất nhanh khi kích hoạt chế độ Turbo, từ 4x nhảy vọt lên 9x độ C nhưng ngay khi xong là lập tức về lại mức cũ nhanh không kém. Điểm Cinebench đo được là 7534 cho multi core và 1179 cho single core. Từ đó có thể thấy Core i7-10750H đã cho hiệu năng tăng 6% ở đơn nhân và 9% đa nhân so với thế hệ trước.

Một vài bài benchmark khác quý độc giả có thể tham khảo thêm:

Theo điểm thang điểm GeekBench, đơn nhân của con chip Intel Core i7-10750H đạt mức 1234, vượt cả AMD Ryzen Threadripper 3990X (chỉ 1207) và vượt xa thế hệ trước i7-9750H chỉ 1042. Với đa nhân, điểm GeekBench của 10750H đạt 5091, trong khi thế hệ trước chỉ 4860, hiệu suất tăng gần 5%.

Lời kết

Xét trên phương diện giá cả, Zephyrus M15 đang chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ một số đối thủ khác chạy 1660Ti như Lenovo Legion 5P hay MSI GL65 Leopard với mức giá lần lượt gần 36 triệu đồng và 30,5 triệu đồng trong khi đó đại diện từ nhà ASUS lên đến gần 39 triệu đồng (tham khảo từ một số đại lý).

Trải nghiệm ASUS ROG Zephyrus M15: Chiếc laptop chơi game dành cho hội không thích khoe mẽ, màn hình 240Hz 3ms, GTX 1660Ti, có điều giá thành còn hơi căng - Ảnh 17.

Tuy nhiên, đánh giá riêng về trải nghiệm như màn hình 240Hz, gõ phím đã hơn, tản nhiệt tốt hay thậm chí là độ thoải mái khi sử dụng, các phần mềm hỗ trợ kèm theo, ngoại hình khá "stealthy", người viết cảm thấy Zephyrus M15 có phần nhỉnh hơn. Đặc biệt, việc trang bị theo 2 củ sạc càng cho thấy ASUS rất tâm lý và quan tâm đến hành trang của người dùng hơn.

Dẫu sao, điều khiến chiếc laptop này khó tiếp cận đến nhiều người dùng chính là giá cả. Theo quan điểm người viết, ASUS vẫn nên có sự điều chỉnh giá hợp lý hơn khi thị trường hiện tại đã có một số sản phẩm chạy Intel Core i thế hệ 11 và dùng RTX 2060 với mức giá khá tương đồng, còn lại về thiết kế của máy thì đã quá ổn.

Điểm cộng:

- Thiết kế trung tính, phù hợp mọi ngữ cảnh sử dụng

- Core i7-10750H kết hợp cùng GTX 1660Ti cho hiệu năng chơi game ấn tượng

- Màn hình 240Hz cùng độ phản hồi 3ms, có Pantone Validated

- Tản nhiệt tốt

- Bàn phím rộng rãi, chiếu nghỉ tay thoải mái

- Hai củ sạc cho hai lựa chọn hành trang khác nhau

- Mỏng nhẹ

Điểm trừ:

- Dễ bám vân tay

- Pin sử dụng khoảng hơn 3 giờ (chế độ Silent) hoặc 4 giờ (chế độ Power Saver) với các tác vụ công việc/học tập thông thường

- Giá thành còn cao, khó cạnh tranh với một số đối thủ khác