Đánh giá tai nghe true wireless Anker SoundCore Spirit X2: Khi bao nhiêu bass cũng là không đủ
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:05, 05/09/2020
Ở thời điểm hiện tại, khi nhắc đến Anker, tôi không còn nghĩ đến những sản phẩm như pin dự phòng hay cáp sạc nữa. Thay vào đó, tôi nghĩ những chiếc tai nghe không dây (true wireless) trải dài nhiều phân khúc với hiệu năng tốt trong tầm giá. Từ SoundCore Liberty 2 Pro có chất âm gây bất ngờ, đến Liberty Air 2 sáng giá trong phân khúc hai triệu đồng, những chiếc tai nghe true wireless của Anker mà tôi có dịp trải nghiệm đều để lại ấn tượng tích cực.
Mới đây, Anker đã mở rộng dải sản phẩm tai nghe true wireless của mình với SoundCore Spirit X2, một sản phẩm được thiết kế dành riêng cho "dân fitness" – những người làm bạn với các bản nhạc sôi động để tạo sự hứng khởi, nỗ lực hơn nữa rèn luyện bản thân. Một chiếc tai nghe cho dân fitness ít nhất phải đáp ứng được các yếu tố: Cảm giác đeo thoải mái, không lo rơi rớt khi tập luyện; Chất âm đã tai nhưng không gây mỏi khi nghe lâu; Chống chịu được mồ hôi. SoundCore Spirit X2 sẽ thể hiện ra sao? Mời độc giả theo dõi trong bài viết đánh giá chi tiết dưới đây.
SoundCore Spirit X2 hiện có giá bán 2,5 triệu đồng, với chính sách bảo hành 18 tháng.
Thiết kế độc đáo, cần thời gian để làm quen
Tạm chưa nói đến thiết kế, SoundCore Spirit X2 vẫn duy trì sự chỉn chu trong quy cách đóng hộp cũng như phụ kiện đi kèm giống như các sản phẩm tai nghe true wireless khác của Anker. Dây cáp Type-C kèm tới 6 cặp đệm tai (cặp mặc định trên tai nghe nữa là 7) đủ mọi kích cỡ cho phép người dùng thoải mái lựa chọn sao cho phù hợp với kích thước ống tai của mình.
Hộp sạc của SoundCore Spirit X2 được thiết kế theo dạng vỏ sò, giống hộp trang điểm của các chị em. Nó có kích thước lớn, lớn nhất trong số những tai nghe true wireless mà tôi từng trải nghiệm. Khi chạy bộ hay tập luyện, có lẽ bạn nên cất riêng dock sạc này vào một chỗ khác. Phía trên đỉnh là logo SoundCore, hộp sạc Spirit X2 làm từ nhựa được phủ một lớp giống như nhung, sờ thì sướng nhưng bám bụi và vân tay rất nhiều, thêm một lý do để cất nó đi trước khi đi tập.
Hộp sạc của Spirit X2 có dung lượng 545 mAh, theo Anker sẽ mang lại thêm 27 giờ phát nhạc (cả tai nghe và hộp sạc đầy pin sẽ phát được tổng cộng 36 giờ), những con số khá ấn tượng. Bên ngoài hộp, có ba đèn LED báo lượng pin còn lại, trong khi phía đối diện là cổng sạc USB-C được bảo vệ bởi một nắp đậy chống bụi/nước và nút reset kết nối. Giống như nhiều tai nghe true wireless khác của Anker, ngay khi chúng ta mở nắp hộp ra là tai nghe sẽ lập tức kết nối với điện thoại.
Đi sâu vào nhân vật chính, chiếc tai nghe SoundCore Spirit X2 có thiết kế độc đáo, liên tưởng đến Apple PowerBeats Pro với earhook cao su vòng qua vành tai. Hiếm có một chiếc tai nghe nào mà ngay cả… cách đeo cũng được đưa vào hướng dẫn sử dụng, nhưng Anker đã làm vậy với SoundCore Spirit X2. Không đơn giản là đưa lên tai và nghe, bạn sẽ phải vặn nó vào sâu trong ống tai, nên những người chưa từng dùng qua kiểu thiết kế này sẽ cảm thấy khó chịu, và việc chọn đúng eartip là đặc biệt quan trọng để cảm giác đeo được thoải mái.
Cách đeo SoundCore Spirit X2 với ba bước được đưa vào sách hướng dẫn sử dụng
Mặc dù có kích thước to và cồng kềnh, nhưng SoundCore Spirit X2 khi đeo lên tai rất thoải mái. Một vài lần đầu sử dụng sẽ gặp một chút khó khăn, nhưng khi quen rồi thì móc vào vành tai rất dễ, không bị cấn vướng. Earhook đã giữ tai nghe rất chắc chắn trên tai rồi, nhưng tôi vẫn khuyến cáo người dùng nên chọn eartip có earwing (đi kèm trong hộp) để chiếc SoundCore Spirit X2 luôn nằm gọn trong tai ngay cả khi ra mồ hôi trong lúc tập luyện, một điều mà không phải tai nghe true wireless nào cũng làm được.
Nhắc đến mồ hôi, SoundCore Spirit X2 đạt chuẩn kháng nước/bụi IP68, kết hợp với công nghệ SweatGuard độc quyền của Anker, cho phép bạn tập trung vào rèn luyện mà không phải lo lắng đến mồ hôi hay cơn mưa bất chợt khi chạy bộ ngoài trời. Dù trên lý thuyết, đạt chuẩn IP68, tức sản phẩm có thể ngâm nước ở độ sâu 1,5m trong 30 phút, nhưng theo tôi thì bạn không nên đeo SoundCore Spirit X2 khi bơi lội, nhất là khi hầu hết các hãng đều không bảo hành cho sản phẩm hỏng do ngâm nước.
Ban đầu, tôi cứ nghĩ chúng ta sẽ điều khiển chiếc tai nghe thông qua nút tròn phay xước đồng tâm trên tai, nhưng hoá ra, SoundCore Spirit X2 có các phím cứng (tổng cộng 4 phím) ở thân tai gần với earhook. Vị trí này không thực sự tối ưu, ít ra là theo trải nghiệm của tôi, tư thế tay không được thoải mái khi nhấn và sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự tập trung của bạn.
Các điều khiển của SoundCore Spirit X2 tương đối đơn giản và dễ nhớ, từ tăng giảm âm lượng cho đến play/pause và "triệu hồi" trợ lý ảo trên smartphone. Ngoài ra, chúng ta còn có thể bật tắt EQ "extra bass" có sẵn trên tai. Chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm trong phần sách hướng dẫn đi kèm trong sản phẩm.
Một điểm mà chúng ta phải chấp nhận do đặc điểm thiết kế của SoundCore Spirit X2 là với người dùng đeo kính, phần earhook cao su sẽ gây thêm áp lực lên phần vành tai. Chưa kể, ở hiện tại, chúng ta gần như đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, người dùng nên có những sự cân nhắc, điều chỉnh để tránh làm đau tai.
Chất âm và trải nghiệm thực tế
Một điều cần lưu ý với SoundCore Spirit X2 là bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ tính năng bổ trợ đặc biệt nào, khác với phần lớn tai nghe trên thị trường. SoundCore Spirit X2 không được hỗ trợ bởi ứng dụng SoundCore, không có chống ồn chủ động (Active Noise Cancelling – ANC) hay tính năng xuyên âm (Passthrough). Thậm chí, chiếc tai nghe này còn chẳng có cảm biến auto-pause tự động tạm dừng khi lấy tai nghe khỏi tai, nên bạn có thể sẽ bỏ lỡ đoạn nhạc hay podcast yêu thích. Nhìn chung, với mức giá 2,5 triệu đồng, có lẽ người dùng sẽ kỳ vọng nhiều hơn thế.
Dù không có tính năng chống ồn chủ động nhưng nhờ kiểu dáng in-ear cùng thiết kế kín khít nếu chọn đúng eartip, SoundCore Spirit X2 vẫn chống ồn khá tốt, vẫn nghe thấy tiếng xe cộ bên ngoài nhưng trong môi trường văn phòng sẽ gần như không nghe thấy gì. Đó là một điều tốt, đặc biệt là khi bạn thường xuyên chạy bộ ngoài đường.
Bật bộ giải mã aptX trên các thiết bị hỗ trợ
Kết nối Bluetooth 5.0 cùng bộ giải mã aptX là những thứ gần như buộc phải có trong phân khúc giá này, và SoundCore Spirit X2 cũng không phải ngoại lệ. Đáng chú ý, chiếc tai nghe cũng hỗ trợ cả bộ giải mã AAC, dù Anker không đề cập đến điều này, nên người dùng iPhone sẽ không phải lo lắng về chất lượng kết nối.
Trong thực tế, sử dụng với máy Oppo Reno4 Pro trong khoảng thời gian hơn 1 tuần, tôi gần như không gặp bất kỳ vấn đề nào về kết nối với SoundCore Spirit X2, dù là đi bộ, chạy hay đi xe máy (ngồi sau). Độ trễ tín hiệu là có – đây là thách thức về mặt vật lý của tai nghe true wireless nói chung – nhưng không quá đáng kể khi phần lớn thời gian bạn sử dụng chiếc tai nghe này là tập luyện trong phòng gym.
Về chất âm, là tai nghe hướng tới người dùng tập luyện cường độ cao là chủ yếu nên âm bass của tai rất mạnh mẽ, punchy, không hề "kiêng nể" các dải âm còn lại. Và đó là ở chế độ bình thường, khi bật EQ "extra bass" lên thì dải bass còn lấn át hơn nữa. Do đó, nếu bạn không thích những pha bass dồn dập vào tai đến choáng ngợp, ngay lúc này, hãy cân nhắc sang một chiếc tai nghe khác.
Nhưng nếu bạn là một "basshead" thực thụ, SoundCore Spirit X2 mang lại sự hưng phấn trong lúc tập luyện mà hiếm có tai nghe true wireless trong tầm giá sánh ngang được. Từ những nhịp dậm hào hùng của Believer (Imagine Dragons) hay giai điệu khoẻ khoắn tuổi trẻ của The Nights (Avicii), chúng đều được thể hiện một cách ấn tượng, xoá tan mệt mỏi và tạo động lực thúc đẩy rất tốt.
Là một tai nghe thiên về bass head, treble của SoundCore Spirit X2 cũng có lượng dồi dào, lấn át cả dải mid và vocal. Hiển nhiên, chúng ta ít khi nghe Pop, Ballad hay những thể loại nhạc trữ tình khác trong lúc tập luyện, nhưng trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, một chiếc tai nghe khác sẽ phù hợp hơn, thay vì cố gắng chỉnh sửa bằng ứng dụng EQ bên thứ ba.
SoundCore Spirit X2 cũng được trang bị hai mic thoại (một mic mỗi bên) và tích hợp công nghệ khử tiếng ồn cVc 8.0. Trải nghiệm nhanh, chất lượng đàm thoại của tai nghe ở mức đủ dùng, nghe rõ nếu không có quá nhiều tiếng ồn từ bên ngoài, bạn đọc có thể theo dõi đoạn thu âm ngắn dưới đây:
Về thời lượng pin, như đã đề cập ở trên, Anker tuyên bố tổng thời gian phát nhạc của SoundCore Spirit X2 là 36 tiếng, và riêng phần tai nghe là 9 tiếng cho một lần sạc. Tôi thử phát nhạc bằng Spotify và cho lặp liên tục ở mức âm lượng khoảng 70%, SoundCore Spirit X2 trụ được hơn 8 tiếng, sát với công bố của Anker.
Do từ lúc bắt đầu trải nghiệm cho đến khi viết xong bài đánh giá này, tôi vẫn… chưa dùng hết pin của hộp sạc, nên khó có thể đánh giá thực tế tốc độ sạc của tai. Tuy nhiên, với công suất sạc đầu vào là 2.75W (5V-0.55A), có thể dự đoán thời gian sạc đầy hộp sẽ rơi vào khoảng 2 tiếng.
Tổng kết
Nhìn lại những tiêu chí mà tôi đề cập ở phần đầu bài viết, có thể thấy SoundCore Spirit X2 đã đáp ứng được hết các yếu tố của một chiếc tai nghe cho dân fitness. Thiết kế thể thao, âm bass khoẻ khoắn, sôi động, khả năng kháng nước/bụi IP68, hầu như chẳng có lý do gì để bạn bỏ thêm tiền mua những sản phẩm đắt tiền hơn, chẳng hạn như Apple PowerBeats Pro có giá gấp đôi.
Nhược điểm của SoundCore Spirit X2, tuy nhiên, là nó không hề có bất kỳ tính năng bổ trợ nào đặc biệt dù ở tầm giá hơn 2 triệu đồng. Không có chống ồn chủ động là điều chấp nhận được, nhưng những thứ cơ bản như auto-pause hay hỗ trợ ứng dụng SoundCore "chính chủ" là điều mà người dùng kỳ vọng phải có.