Quạt không cánh: Giá cả chục triệu đồng, có người mua về bỏ xó

Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 15:32, 19/05/2020

Hiệu quả làm mát kém mong đợi, độ ồn cao, khó vệ sinh và linh kiện khan hiếm khiến không ít người hụt hẫng sau một thời gian dùng quạt không cánh.

Chi hơn 14 triệu đồng mua quạt Dyson nhưng anh Gia Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ dùng được một tuần rồi cất kho. Chiếc quạt không cánh anh sắm cho phòng ngủ nay bỏ không vì hoạt động kém mong đợi. "Bình thường thì cũng được nhưng nếu để thổi xuyên qua màn sẽ chẳng thấy gió đâu", anh chia sẻ. "Bật lên mức cao nhất thì lại ồn, thua cả quạt thường".

Quạt không cánh: Giá cả chục triệu đồng, có người mua về bỏ xó - 1
Một số mẫu quạt không cánh của Dyson.

Tương tự anh Hưng nhưng chị Thu Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đỡ "xót" tiền hơn do chỉ mua quạt không cánh của Trung Quốc với giá vài triệu đồng. "Thấy sản phẩm này an toàn với trẻ nhỏ nên tôi đặt ở phòng của con", chị nói. "Nhưng chỉ được vài tháng thì gió cứ yếu dần do bụi bám vào nhiều mà lại rất khó vệ sinh. Con lớn rồi nên tôi cũng bỏ".

Quạt không cánh là gì

Quạt không cánh do kỹ sư người Anh tên James Dyson giới thiệu vào 2009. Theo Telegraph, có những tài liệu cho thấy Toshiba đã đăng ký sáng chế tương tự tại Nhật từ 1981. Dù vậy, quạt không cánh được thương mại rộng rãi bởi Dyson và nó quen thuộc đến mức nhiều người gọi luôn quạt không cánh là quạt Dyson.

Quạt không cánh: Giá cả chục triệu đồng, có người mua về bỏ xó - 2
Cơ chế hoạt động của quạt không cánh.

Cấu tạo của quạt không cánh gồm hai bộ phận chính: đế quạt chứa động cơ và phần vành rỗng có chức năng khuếch tán gió. Thực tế, sản phẩm này vẫn có cánh nhưng nó được giấu trong phần đế. Động cơ quay tạo ra lực hút không khí và gió được thổi qua khe hẹp trên phần vành.

Thị trường quạt không cánh tại Việt Nam

Dyson không phân phối chính thức nên các sản phẩm này được đưa về Việt Nam dạng hàng "xách tay". Sản phẩm của thị trường châu Âu được ưa chuộng nhất do dùng điện 220V, trong khi đó các mẫu quạt từ Mỹ phải dùng thêm bộ đổi dòng do thiết kế cho điện 120V.

Giá bán cho các mẫu quạt Dyson trong nước vì thế cũng có sự chênh lệch rất lớn dù cùng một model. Mức giá cơ bản cho sản phẩm của thương hiệu này khoảng 10 triệu đồng nhưng có thể lên đến hơn 20 triệu đồng nếu thêm bộ lọc bụi siêu mịn, khử mùi, sưởi...

Ngoài Dyson, thị trường cũng có rất nhiều mẫu quạt không cánh khác trong đó chủ yếu đến từ Trung Quốc. Có giá rẻ chỉ từ hơn một triệu đồng, các mẫu quạt này thường cho công suất yếu, tạo ra tiếng ồn lớn khi hoạt động do không được đầu tư cho thiết kế, chất lượng động cơ...

Giá cao, chưa tối ưu tại Việt Nam

Phóng viên Dân trí đã sử dụng quạt Dyson TP01, được bán tại Việt Nam với giá khoảng 10 triệu đồng. Trải nghiệm thực tế cho thấy nó tạo mát tương tự quạt truyền thống nhưng cho luồng gió đỡ "gắt" hơn. Tuy nhiên khi bật ở mức cao, Dyson TP01 khá ồn do có luồng khí lưu lượng lớn thổi qua khe hẹp.

Quạt không cánh: Giá cả chục triệu đồng, có người mua về bỏ xó - 3

Chỉ xét trên hiệu quả làm mát so với giá thành thì quạt không cánh đắt hơn nhiều so với quạt truyền thống.

"Các mẫu quạt Dyson không hề kém trong thử nghiệm của chúng tôi nhưng nếu nói về luồng khí và khả năng tạo làn gió mát thì bạn có thể mua một sản phẩm có công năng tương tự nhưng giá bằng gần một phần mười", chuyên gia của Choice.com.au cũng đưa ra đánh. "Nó thậm chí ồn hơn một số quạt có cánh".

Trang này cho rằng người dùng quạt Dyson đang phải trả nhiều tiền hơn cho thiết kế độc đáo, các tính năng phụ trợ mà có thể họ không cần tới. Chẳng hạn với mẫu TP01 ở trên có thêm điều khiển từ xa, kết nối quạt qua Wi-Fi để điều khiển cũng như xem chất lượng không khí, có màng lọc HEPA.

Mùa hè tại Việt Nam có mức nhiệt cao nên một số người dùng quạt không cánh thấy phiền vì tiếng ồn phát ra khi bật quạt ở mức mạnh nhất. Luồng gió đỡ "gắt" hơn quạt truyền thống nhưng sẽ bị màn cản đi rất nhiều khiến người ngủ bên trong không thấy mát.

Ngoài ra, luồng khí được hút qua chân đế của quạt không cánh để lại rất nhiều bụi, nhất là trong điều kiện tại Việt Nam. Theo thời gian, bụi này tích tụ khiến quạt hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó với cấu tạo phức tạp, quạt Dyson mất nhiều công để vệ sinh và đòi hỏi am hiểu nhất định.

"Món lạ" cho ngôi nhà

Nếu mức giá cao không phải vấn đề, quạt không cánh vẫn có những ưu điểm không thể phủ nhận. Do cánh quạt được giấu bên trong chân đế nên sản phẩm này an toàn cho trẻ nhỏ, người già. Hơn nữa, quạt Dyson trông khác lạ hoàn toàn so với các mẫu quạt truyền thống, kích thước nhỏ gọn hơn, có thể tạo điểm nhấn trang trí cho không gian trong nhà.

Quạt không cánh: Giá cả chục triệu đồng, có người mua về bỏ xó - 4

Quạt không khí đắt còn do được tích hợp nhiều tính năng như điều khiển qua smartphone, lọc không khí, theo dõi chất lượng môi trường...

Quạt không cánh cũng sạch sẽ phần vỏ và dễ vệ sinh bên ngoài do không có lồng và cánh kiểu quạt truyền thống. Bên cạnh đó, nhà sản xuất thường tích hợp vào sản phẩm này nhiều tính năng như điều khiển từ xa, điều khiển qua smartphone, lọc và theo dõi chỉ số không khí, thậm chí là sưởi để dùng vào mùa đông.

"Nếu bạn đề cao hiệu quả, quạt không cánh không phải lựa chọn tối ưu để làm mát", quản lý một cửa hàng điện máy tại Hà Nội chia sẻ. "Dòng sản phẩm này đề cao tính độc lạ, gọn gàng và có thể thay luôn máy lọc không khí giúp tiết kiệm không gian".

Người này cũng cho rằng nếu chọn quạt không cánh cần tìm đến các sản phẩm có thương hiệu, cửa hàng phân phối uy tín. Nên trải nghiệm thực tế trước khi quyết định mua, còn nếu muốn một chiếc quạt gió mạnh nhưng dịu có thể cân nhắc các mẫu quạt Nhật Bản với giá thành chỉ bằng khoảng một phần ba, một phần tư so với quạt Dyson.