Phó Thủ tướng: Biển Đông sẽ được nghị sự ở Hội nghị cấp cao ASEAN 37

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:28, 10/11/2020

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Biển Đông sẽ tiếp tục là một nội dung quan trọng được quan tâm và đặt trên bàn nghị sự.

Thông tin trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với báo chí khi trao đổi bên hành lang Quốc hội về một số nội dung quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra. Theo dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ 12 đến 15/11.

Trình ASEAN sáng kiến của Việt Nam

- Thưa ông, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến diễn ra từ 12 đến 15/11. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chuẩn bị những nội dung gì cho hội nghị quan trọng này?

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Nhìn lại một năm giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ nội dung, công tác xây dựng các văn kiện.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, Việt Nam dự kiến sẽ trình ASEAN thảo luận, thông qua hơn 10 văn kiện, trong đó có những nội dung thuộc công việc thường xuyên của ASEAN, đồng thời cũng có nhiều nội dung là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam.

Cụ thể, đó là việc tuyên bố thành lập quỹ dự phòng, dự trữ về y tế của ASEAN để phục vụ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng: Biển Đông sẽ được nghị sự ở Hội nghị cấp cao ASEAN 37 - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Việt Hùng)

Quỹ này được thành lập với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống COVID-19, chuẩn bị cho các biện pháp phản ứng khẩn cấp trong tương lai. Đây là sáng kiến tiêu biểu của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN.

Ngoài ra cũng có một loạt sáng kiến khác của chúng ta với vai trò là nước chủ nhà, dự kiến được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 37.

- Với việc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, Việt Nam gặp khó khăn, thách thức gì trong tổ chức một sự kiện lớn trong bối cảnh đặc biệt như vậy?

Hội nghị cấp cao ASEAN lần này được đặt trong hoàn cảnh rất đặc biệt, nhưng dù họp trực tuyến, hội nghị cũng sẽ thực hiện toàn bộ phần việc như các hội nghị bình thường khác.

Khó khăn lớn nhất, đương nhiên, chính là do ảnh hưởng của COVID-19 mà hội nghị phải diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến. Bình thường, nếu họp trực tiếp thì đại diện, lãnh đạo các nước có thể đến Việt Nam, và các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cũng có thể bố trí thời gian phù hợp.

Còn khi họp trực tuyến, chúng ta phải cố gắng khắc phục việc chênh lệch múi giờ. Đây là vấn đề lớn phải tính toán vì mỗi quốc gia có các múi giờ rất khác nhau. Khi các phiên họp tổ chức tại Việt Nam, sẽ có những nước, các đại biểu phải tham gia họp vào ban đêm và có những hội nghị lẽ ra tổ chức trong giờ làm việc chính thức sẽ phải tính toán chuyển sang họp buổi tối, thậm chí làm việc kéo dài đến đêm.

Hội nghị ASEAN có đặc thù là có sự tham gia của các nước, các đối tác ở các khu vực khác nhau. Theo đó, nước Chủ tịch ASEAN phải hài hoà được ít nhất là về mặt thời gian để các nước có thể tham gia họp được thuận lợi, đầy đủ nhất vào những khoảng thời gian khác nhau.

Đây là vấn đề mà Việt Nam đã thu xếp để có thể tổ chức được qua nhiều phiên họp trong suốt năm 2020.

Biển Đông tiếp tục được đặt trên bàn nghị sự

- Trong các vấn đề liên quan, Biển Đông luôn là vấn đề các quốc gia ASEAN rất quan tâm. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập thế nào, thưa ông?

Không phải chỉ đến Hội nghị cấp cao ASEAN 37, vấn đề Biển Đông mới được nêu ra, mà đây là vấn đề được đề cập trong mọi hoạt động suốt năm 2020 của ASEAN. Tại tất cả hội nghị, Biển Đông luôn là một trong những nội dung quan trọng được đề cập, vì việc duy trì hoà bình, ổn định và an ninh trên biển không chỉ là vấn đề quan tâm của khu vực ASEAN, mà còn của cả thế giới.

Vấn đề Biển Đông cũng đã được đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức hồi tháng 9 vừa qua. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36, đây là nội dung cũng được đưa ra thảo luận và đưa vào nghị quyết chung.

Tiếp đến trong hội nghị lần này, Biển Đông cũng sẽ là một nội dung được đưa ra trên bàn nghị sự.

- Đây là Hội nghị chốt lại năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ngoài vấn đề Biển Đông, nội dung quan trọng nào sẽ trở thành mối quan tâm chung của ASEAN, thưa ông?

Phiên họp chốt lại năm Chủ tịch ASEAN sẽ đánh giá lại toàn bộ kết quả các hoạt động của ASEAN trong năm 2020, chứ không chỉ về chuyện Biển Đông.

Một đặc thù trong năm 2020, mối quan tâm chung lớn nhất của cộng đồng là ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hết sức chủ động gợi mở về mối quan tâm này, khơi lên những thảo luận không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN với các nước đối tác.

Có rất nhiều biện pháp đưa ra, trong đó nổi bật là sáng kiến lập quỹ dự phòng chung và nhiều giải pháp khác để ứng phó với dịch bệnh, thích ứng và khắc phục hậu quả, tái khởi động nền kinh tế sớm nhất có thể.