Hệ thống y tế nhiều nước sắp sụp đổ vì thiếu oxy: ‘Thế giới vẫn chưa tỉnh táo’

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:43, 25/05/2021

Dữ liệu cho thấy Nepal, Iran và Nam Phi nằm trong số 19 nước có nguy cơ cạn oxy cao nhất do số ca COVID-19 gia tăng, khiến nguồn cung bị đẩy đến giới hạn đáp ứng.

Hàng chục quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy trầm trọng do số ca COVID-19 tăng cao, đe dọa khiến các hệ thống y tế “sụp đổ hoàn toàn”, theo The Guardian.

Theo phân tích, 19 quốc gia trên thế giới - trong đó có Ấn Độ, Argentina, Iran, Nepal, Philippines, Malaysia, Pakistan, Argentina, Costa Rica, Ecuador và Nam Phi - được xem là có nguy cơ hết oxy cao nhất sau khi ghi nhận nhu cầu gia tăng đáng kể từ tháng 3 - ít nhất là 20%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng của họ chưa đạt đến 20% dân số.

Hệ thống y tế nhiều nước sắp sụp đổ vì thiếu oxy: ‘Thế giới vẫn chưa tỉnh táo’ - 1

Hàng chục quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy trầm trọng do số ca COVID-19 tăng cao. (Ảnh: AP)

Cũng có những lo ngại rằng các quốc gia châu Á khác như Lào đang gặp rủi ro, và các quốc gia châu Phi bao gồm Nigeria, Ethiopia, Malawi và Zimbabwe - những nơi có hệ thống cung cấp oxy kém hoàn thiện hơn, có thể gặp vấn đề lớn dù nhu cầu chỉ tăng nhẹ.

Leith Greenslade, điều phối viên của Every Breath Counts, cho biết nhiều quốc gia trong số này phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy ngay cả trước đại dịch. Nhu cầu tăng thêm càng đẩy các hệ thống y tế đến bờ vực sụp đổ.

“Tình hình năm ngoái, và một lần nữa vào tháng 1 năm nay ở Brazil và Peru, lẽ ra phải là hồi chuông cảnh cáo. Nhưng thế giới vẫn chưa tỉnh ra. Chúng ta lẽ ra phải biết chuyện sẽ xảy ra ở Ấn Độ sau khi chứng kiến ​​những gì đã xảy ra ở Mỹ Latinh. Và bây giờ nhìn sang châu Á, chúng ta nên biết điều này sẽ xảy ra ở một số thành phố lớn ở châu Phi”, bà nói.

Robert Matiru, chủ trì nhóm chuyên trách oxy khẩn cấp của WHO, cho biết: "Chúng ta có thể thấy trước sự sụp đổ hoàn toàn của các hệ thống y tế, đặc biệt là ở các quốc gia có hệ thống yếu".

Các bệnh viện ở Ấn Độ thông báo tình trạng thiếu oxy đáng kể khi nước này phải đối mặt với làn sóng thứ hai. Vào giữa tháng 5, Ấn Độ cần thêm 15,5 triệu mét khối oxy mỗi ngày chỉ cho riêng bệnh nhân COVID-19, nhiều hơn 14 lần so với nhu cầu vào tháng 3.

Để phản ứng, Ấn Độ cấm xuất khẩu oxy.

Các chuyên gia hiện lo lắng về các nước láng giềng của Ấn Độ - Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar - một số phụ thuộc vào thiết bị và oxy do Ấn Độ sản xuất.

Một ví dụ là dữ liệu hiện cho thấy Nepal đang cần lượng oxy gấp 100 lần so với hồi tháng 3, nhu cầu của Sri Lanka thì tăng 7 lần. Tại Pakistan, số bệnh nhân phải thở oxy tăng 60%.

Khi nhu cầu không được đáp ứng, nhiều bệnh nhân tiếp tục chết đi.

“Điều đó sẽ xảy ra tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác nếu cộng thêm quá trình tiêm vaccine chậm trễ. Ở thời điểm này thì các nước này chỉ có tăng cường phủ vaccine mới có thể làm chậm quá trình lây lan”, Greenslade nói.

Điều phối viên nói thêm: “Hệ thống y tế của nhiều nước nghèo không có sự chuẩn bị nào cả... những quốc gia này đã không ưu tiên oxy như một loại hàng hóa thiết yếu".

Một số quốc gia đã yêu cầu các công ty sản xuất oxy lỏng chuyển từ cung cấp sản phẩm cho khách hàng công nghiệp sang bệnh viện. Oxy y tế chỉ chiếm 1% sản lượng oxy lỏng toàn cầu.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Gasworld Business Intelligence (Thông tin kinh doanh khí), chuyên phân tích thị trường khí công nghiệp, cho thấy nhiều quốc gia với nhu cầu cao vẫn sẽ bị thiếu hụt oxy ngay cả khi tất cả sản lượng sản xuất oxy địa phương được chuyển cho bệnh viện.

Một vấn đề dường như đã xảy ra đó là các quốc gia không dành cho oxy sự ưu tiên đúng mức.

Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng nhiều quốc gia không đăng ký các khoản vay khẩn cấp có sẵn để giúp họ nâng cấp hệ thống oxy. Các nước chủ yếu vay để tăng cường máy trợ thở và trang bị bảo hộ (PPE), nguồn cung cấp oxy như vậy vô tình trở thành một "điểm yếu" chưa được chuẩn bị.