'Sói cô độc' Trung Quốc có thực sự giàu hơn tỷ phú Buffett?

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:18, 25/01/2021

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Zhong Shanshan - người có biệt danh "Sói cô độc" - có thực sự giàu hơn cả tỷ phú Warren Buffett hay không?

Dựa theo con số tài sản ròng trên sổ sách thì có lẽ đúng nhưng nếu tính đến thanh khoản thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Sói cô độc Trung Quốc có thực sự giàu hơn tỷ phú Buffett? - 1

Tỷ phú Zhong Shanshan hiện là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Thứ hạng của các tỷ phú Trung Quốc trong bảng xếp hạng người giàu luôn luôn thay đổi. Năm 2017, ông Hui Ka Yan - đồng sáng lập Tập đoàn bất động sản China Evergrande - là người giàu nhất Trung Quốc. Một năm sau đó, thứ hạng này đã được chuyển cho ông chủ của Tập đoàn Alibaba - Jack Ma.

Và hiện nay ngôi vị này lại "sang tay" tỷ phú Zhong Shanshan - Chủ tịch của hãng nước đóng chai Nongfu Spring. Trên thực tế, thậm chí ông Zhong còn giàu hơn cả tỷ phú Warren Buffett. Điều này khiến hàng tỷ người đổ dồn sự chú ý đến vị tỷ phú kín tiếng này.

Việc thay đổi thứ hạng một cách chóng vánh phần nào phản ánh sự thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc. Các tập đoàn bất động sản đã từng "ăn nên làm ra" cho đến cuối năm 2017 khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch siết chặt các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy. Chiến dịch đó đã nhằm vào những người có tài sản tăng mạnh như ông Hui - người điều hành tập đoàn bất động sản có dư nợ lớn nhất thế giới. Và điều đó đã mở đường cho sự trỗi dậy của các ông trùm công nghệ.

Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, gió lại đảo chiều lần nữa. Lần này, Bắc Kinh lại nhằm vào các "ông lớn" công nghệ trong chiến dịch chống độc quyền. Điển hình là việc Trung Quốc đột ngột đình chỉ vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group - công ty tỷ phú Jack Ma - vào phút chót, khiến ông Ma mất hàng tỷ USD.

Và hiện nay, Trung Quốc đang đổ dồn sự quan tâm vào các "ông lớn" trong ngành thực phẩm, nơi mà hầu hết các doanh nghiệp từ sản xuất rượu cho đến chăn nuôi lợn đều có mức doanh thu kỷ lục. Và ông Zhong "phất lên" nhanh chóng một phần là nhờ hiện tượng đó.

Nhưng sự biến động trong bảng xếp hạng tỷ phú của Trung Quốc cũng là một dấu hiệu cho thấy mức độ giàu có ở Trung Quốc có thể thay đổi nhanh chóng. Liệu ông Zhong sẽ có bao nhiêu tỷ USD nếu ông quyết định bán hết số tài sản đó vào lúc này? Liệu ông có giàu hơn tỷ phú Warren Buffett hay không? Và đó có phải là cách đo lường sự giàu có hay không?

Theo chỉ số Bloomberg Billionaire Index, ông trùm hãng nước đóng chai Trung Quốc hiện có tài sản ròng là 91,5 tỷ USD, cao hơn so với mức 88,9 tỷ USD của tỷ phú Buffett. Phần lớn tài sản của ông Zhong, khoảng 74 tỷ USD, đến từ 84% cổ phần của ông tại Nongfu Spring. Số tài sản của ông đã gấp 88 lần so với trước đó khi giá cổ phiếu của Nongfu Spring tăng 180% kể từ khi niêm yết trên sàn Hồng Kông vào cuối tháng 9 năm ngoái.

Ông Zhong có thể kiếm được bao nhiêu, nếu lúc này ông bán một phần cổ phiếu đó? Tuy nhiên, cổ phiếu Nongfu không phải là một tài sản đảm bảo để vay ký quỹ. Theo Tập đoàn chứng khoán Philip có trụ sở tại Hồng Kông, tỷ lệ vay trên giá trị của cổ phiếu này chỉ là 50%.

Trong khi đó, nhà tài phiệt Hồng Kông Li Ka-shing - người đang có thứ hạng thấp hơn ông Zhong trong bảng xếp hạng người giàu - lại có thể vay 80% trong tổng số cổ phần của mình tại Tập đoàn CK Hutchison. Thậm chí, khối tài sản của ông Ma còn ổn định hơn. Cổ phiếu Alibaba cũng có tỷ lệ vay đến 80%.

Các ngân hàng còn quyết định mức độ cho vay ký quỹ (margin) dựa trên tính thanh khoản của cổ phiếu. Tỷ lệ cho vay trên giá trị của một cổ phiếu sẽ tự động cao hơn nếu nó có tác động lớn đến chỉ số chính. Như trường hợp trên, cổ phiếu CK Hutchison và cổ phiếu Alibaba đều có tác động lớn đến chỉ số Hang Seng. Mặt khác, đối với các ngân hàng, cổ phiếu có tính thanh khoản kém cũng đương nhiên có giá trị thấp hơn.

Do đó, nhìn vào sự giàu có trên giấy tờ của các tỷ phú Trung Quốc có thể sẽ bị hiểu nhầm, bởi hầu hết tài sản của họ đều đến từ việc nắm giữ cổ phiếu.

Thậm chí một số còn nghi ngờ rằng, định giá của Nongfu đang cao một cách đáng ngờ, bởi công ty này có quá ít nguồn cung trên thị trường. Theo dữ liệu của Bloomberg, 2/3 số cổ phiếu của công ty này không được giao dịch do được các thành viên chủ chốt của công ty nắm giữ.

Điều này tương tự như trường hợp của ông Hui. Theo Bloomberg Billionaire Index, tỷ phú Hui hiện đang đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ròng là 25,9 tỷ USD. Tuy nhiên, 25,9 tỷ USD này cũng chưa chắc thuộc về ông Hui, bởi 100 USD giá trị cổ phiếu Evergrande hiện chỉ vay được 20 USD khi vay ký quỹ. Trong khi đó, hầu hết tài sản của ông Hui đến từ 77% cổ phần nắm giữ tại Evergrande.

Nhật Linh
Theo Bloomberg