Tòa án Tối cao Mỹ có thể đảo ngược kết quả bầu cử?

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:08, 05/11/2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Tòa án Tối cao can thiệp khi kết quả bầu cử quá sít sao, song nhiều khả năng cơ quan này không phải trọng tài cuối cùng trong cuộc chiến pháp lý đó.
Tòa án Tối cao Mỹ có thể đảo ngược kết quả bầu cử? - 1
Kết quả bầu cử giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden rất sít sao với lợi thế nghiêng về ông Biden. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump bắt đầu cuộc chiến pháp lý

Bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 tiếp tục gay cấn, một ngày sau khi các bang hoàn thành bỏ phiếu. Trong một diễn biến bất ngờ, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden ngày 4/11 đã vượt lên dẫn trước ở 2 bang chiến trường Wisconsin và Michigan, giúp ông tiến gần hơn đến cơ hội đắc cử tổng thống khi chỉ có thiếu 6 phiếu đại cử tri để hội đủ 270 phiếu cần thiết.

Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cáo buộc: "Đây là vụ gian lận lớn với đất nước chúng ta. Chúng tôi muốn pháp luật phải được tuân thủ. Vì vậy, chúng tôi sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao. Chúng tôi muốn ngừng toàn bộ việc kiểm phiếu".

Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc của mình cũng như không nêu chi tiết các khâu pháp lý ông sẽ theo đuổi tại Tòa án Tối cao. Vào cuối ngày 4/11, chiến dịch tranh cử của ông đã đệ đơn để can thiệp vào một vụ án đang chờ giải quyết tại Tòa án Tối cao nhằm ngăn các lá phiếu gửi đến muộn ở Pennsylvania. Chiến dịch của ông và các nghị sĩ Cộng hòa khác cũng đệ đơn khiếu nại ở những bang khác, trong đó có nỗ lực ngăn kiểm phiếu ở Michigan, Georgia - những bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử.

Liệu Tòa án Tối cao có can thiệp?

Tòa án Tối cao Mỹ có thể đảo ngược kết quả bầu cử? - 2
Ông Trump muốn các bang chiến trường ngừng kiểm phiếu sau bầu cử. (Ảnh minh họa: Reuters)

Reuters dẫn ý kiến của giới chuyên gia cho biết, tòa án có thể không đáp ứng đề nghị của ông Trump nhằm ngăn việc kiểm phiếu bầu qua thư nhận được trước hoặc trong ngày bầu cử. Họ cũng tỏ ra hoài nghi về việc các tranh chấp pháp lý tại tòa án có thể làm thay đổi kết quả bầu cử ở các bang chiến trường như Michigan và Pennsylvania.

Ned Foley, chuyên gia luật tại Đại học Ohio, cho biết tình hình bầu cử hiện tại không có những yếu tố để dẫn đến vụ kiện từng gây chấn động dư luận năm 2000 khi Tòa án Tối cao ra phán quyết bác yêu cầu kiểm lại phiếu ở Florida và mang lại chiến thắng cho ứng viên Cộng hòa George W. Bush trước đối thủ Dân chủ Al Gore.

“Dù còn khá sớm để nói lên điều gì song ở thời điểm này dường như tình hình sẽ không diễn biến theo hướng Tòa án Tối cao trở thành trọng tài quyết định”, ông Foley nói.

Theo chuyên gia trên, để khởi động cuộc chiến pháp lý, chiến dịch của ông Trump trước hết phải đệ đơn lên tòa án địa phương, và tiếp đó là tòa án liên bang trước khi đưa lên Tòa án Tối cao. Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ và điều quan trọng là ông Trump có đưa ra được cơ sở, bằng chứng để khởi động phiên tòa hay không.

Thậm chí, kể cả khi Tòa án tiếp nhận vụ kiện và ra phán quyết có lợi cho ông Trump, điều đó có thể vẫn không làm đảo ngược kết quả kiểm phiếu ở Pennsylvania bởi vụ kiện chỉ nhằm đến các phiếu bầu qua thư nhận sau ngày bầu cử 3/11.

Nicholas Whyte, luật sư của Công ty tư vấn luật APCO Worldwide có trụ sở ở Bỉ, nhận định: “Về mặt pháp lý, ông Trump không thể ngăn việc kiểm phiếu vắng mặt được gửi đến đúng hoặc trước ngày bầu cử. Tuyên bố đâm đơn kiện lên thẳng Tòa án tối cao chỉ là phóng đại nếu chưa qua các tòa án địa phương”. Năm 2000, tranh cãi liên quan đến kết quả bầu cử giữa ứng viên Bush và Gore phải mất 1 tháng mới có hồi kết và trước khi đưa ra Tòa án Tối cao, vụ kiện cũng phải qua tòa án ở Florida.

Cũng với quan điểm này, David Boies, luật sư đại diện cho ứng viên Gore trong vụ kiện tụng yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Florida năm 2000, nói chiến dịch của ông Trump khó thành công trong việc tìm cách ngăn gia hạn kiểm phiếu ở các bang.

Nguy cơ một cuộc chiến dai dẳng

Tòa án Tối cao Mỹ có thể đảo ngược kết quả bầu cử? - 3
Tổng thống Donald Trump cáo buộc đảng Dân chủ "đánh cắp" bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Kết quả quá sít sao thường kéo theo các cuộc chiến pháp lý dai dẳng và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay không phải ngoại lệ. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chuẩn bị sẵn đội ngũ pháp lý hùng hậu để chuẩn bị cho cuộc chiến này.

Đội ngũ của ông Biden có Marc Elias - luật sư hàng đầu về bầu cử tại công ty luật Perkins Coie, trong khi đó đội ngũ của ông Trump có Matt Morgan, người đứng đầu nhóm luật sư cho chiến dịch tranh cử của ông, và luật sư Tòa án Tối cao William Consovoy.

Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 4/11, luật sư của ông Trump, bà Jenna Ellis, cho biết: “Nếu chúng tôi phải theo đuổi các thách thức pháp lý, đó cũng không phải điều chưa từng có tiền lệ. Tổng thống muốn chắc chắn rằng cuộc bầu cử không bị đánh cắp”.