COVID-19: Thế giới có hơn 4.000 người chết, thêm ổ dịch mới ở Trung Quốc

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:29, 26/10/2020

Hơn 4.000 trường hợp tử vong vì COVID-19 được ghi nhận trên thế giới 24 giờ qua, trong khi đó tại Trung Quốc, phát hiện hơn 100 ca nhiễm nCoV tại thành phố Kashgar.

Thế giới có thêm một ngày báo cáo số lượng ca nhiễm và chết vì đại dịch COVID-19 kỷ lục. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 404.612 người nhiễm nCoV được báo cáo, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers. Thêm 4.441 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 1.158.719, trong tổng số 43.317.526 người nhiễm.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 8.887.614 ca nhiễm và 230.492 người chết, tăng lần lượt 59.324 và 424 ca so với một ngày trước đó.

COVID-19: Thế giới có hơn 4.000 người chết, thêm ổ dịch mới ở Trung Quốc  - 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-Cov-2 cho một người dân ở Tân Cương hồi tháng 7. (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Anthony Fauci từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ngày 25/10 cho hay giới chuyên gia tới đầu tháng 12 sẽ biết liệu vaccine COVID-19 tiềm năng có an toàn và hiệu quả hay không, song việc tiêm chủng đại trà nhiều khả năng sẽ không thể được triển khai cho tới cuối năm sau.

Trung Quốc, ổ dịch đầu tiên trên thế giới, đã báo cáo 137 ca nhiễm mới tại thành phố Kashgar, Tân Cương. Tất cả đều không có triệu chứng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Tân Cương Gu Yingsu cho biết tất cả ca nhiễm mới đều có liên quan tới nữ bệnh nhân 17 tuổi đã được xác định tại một ngôi làng thuộc huyện Sơ Phụ hôm 24/10. Các trường hợp nhiễm mới còn có mối liên hệ với một nhà máy ở ngôi làng lân cận, nơi cha mẹ cô gái này làm việc.

Cũng theo chính quyền địa phương, tổng cộng 4,75 triệu người đã được xét nghiệm và 2,8 triệu mẫu đã được thu thập. Theo kết quả của 334.800 trường hợp có kết quả và không phát hiện trường hợp nào khác ngoài các ca có liên quan tới nhà máy kể trên.

Đây là ổ dịch lớn nhất được ghi nhận tại Trung Quốc sau đợt bùng phát lây nhiễm nCoV ở chợ đầu mối thuộc thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 6.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 45.157 ca nhiễm và 463 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 7.909.049 và 119.030.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 208 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 157.134. Số người nhiễm nCoV tăng 12.904 trong 24 giờ qua, lên 5.394.128.

Thống kê cho thấy số liệu về dịch của Brazil đang trên đà giảm sau khi tăng vọt hồi giữa năm. Dù vậy, quá trình giảm này diễn ra chậm hơn so với các nước châu Âu và châu Á, đồng nghĩa với việc Brazil có thể chưa vượt qua đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên.

Nga ghi nhận thêm 229 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 26.050, trong khi số ca nhiễm tăng 16.710, lên 1.513.877. Giống nhiều quốc gia ở châu Âu, Nga đang chứng kiến ca nhiễm tăng khi thời tiết lạnh trở lại.

Dù tình hình dịch bệnh phức tạp, Nga không có ý định tái phong tỏa nghiêm ngặt như hồi đầu năm. Các chuyên gia y tế cấp cao Nga cảnh báo số ca nhiễm SARS-Cov-2 mới hàng ngày của nước này sẽ chạm ngưỡng 20.000 trước khi ổn định trở lại và giảm xuống trong hai tuần tới.

Bộ Y tế Pháp cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 52.010 ca dương tính với virus corona chủng mới, phá vỡ kỷ lục 45.422 ca mắc hôm 24/10, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 1,1 triệu người. Số liệu mới đã đưa Pháp vượt Argentina và Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga.

Tính đến hết ngày 25/10, tổng số ca tử vong vì mầm bệnh nguy hiểm được xác nhận ở Pháp đã lên tới gần 25.000 người, tăng 116 người so với một ngày trước đó.

Anh ghi nhận 873.800 ca nhiễm và 44.896 ca tử vong, tăng lần lượt 19.790 và 151 trường hợp. Anh là nước ghi nhận số người chết vì nCoV nhiều nhất châu Âu. Hàng triệu người ở Anh đang phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn.

Khoảng 3,1 triệu người ở xứ Wales phải ở nhà từ 18h trong 17 ngày, bắt đầu từ 23/10. Các cửa hàng bán lẻ không bán thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu và khách sạn phải đóng cửa.

Tổng ca nhiễm mới ở châu Âu tăng gấp hai lần trong hơn 10 ngày qua, vượt mức 200.000 ca nhiễm mới một ngày hôm 22/10. Các bệnh viện trên khắp châu Âu đang trong tình trạng căng thẳng. Mặc dù vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm 6 tháng trước, tỷ lệ người nhiễm nCoV phải nhập viện đang tăng trở lại.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 715.868 ca nhiễm và 18.968 ca tử vong, tăng lần lượt 1.622 và 24 ca. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 389.712 ca nhiễm, tăng 3.732 so với hôm trước, trong đó 13.299 người chết, tăng 94 ca.

Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở thủ đô vài tuần sau tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.

Philippines báo cáo 370.028 ca nhiễm và 6.977 ca tử vong, tăng lần lượt 2.223 và 43 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách COVID-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người du lịch nước ngoài từ 21/10.