Thả rùa biển quý hiếm nặng 10,5 kg về biển

Xã hội - Ngày đăng : 19:58, 23/02/2021

Ngày 23/2/2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA tiếp nhận 1 cá thể rùa biển thuộc loài vích, có trọng lượng 10,5kg để thả về lại đại dương.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết, cá thể rùa biển này được ngư dân Nguyễn Trung Học (trú tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phát hiện trong trình trạng mắc vào lưới đánh cá, bị thương ở vây phải khi bị bão số 13 đánh dạt vào bờ.

Thả rùa biển quý hiếm nặng 10,5 kg về biển - 1

Rùa biển do Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp nhận từ ngư dân

Sau khi đưa về nhà chăm sóc và hồi phục hoàn toàn, ông Nguyễn Trung Học đã báo cho cơ quan có chức năng tiếp nhận để thả về tự nhiên.

Sau khi tiếp nhận, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA đã tiến hành kiểm tra sức khỏe, khả năng thích ứng với các điều kiện tự nhiên và thức ăn.

Qua kiểm tra cho thấy, cá thể này hoàn toàn khỏe mạnh, phản xạ tốt, đảm bảo các điều kiện để thả về môi trường tự nhiên.

Thả rùa biển quý hiếm nặng 10,5 kg về biển - 2

Cá thể rùa cân nặng 10,5 kg

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cá thể rùa biển thuộc loài Vích (tên khoa học là Lepidochelys Olivacea), có trọng lượng 10,5kg, chiều dài mai rùa khoảng 43cm.

Vào ngày 24/2, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA sẽ thả cá thể vích này về lại đại dương tại khu vực Bãi Bắc (đảo Cù Lao Chàm, Hội An).

Được biết, rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển, được đánh giá là một trong các đối tượng quan trọng cần được bảo vệ. Trong số 7 loài rùa biển, tất cả đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa hoặc là nguy cấp hay cực kỳ nguy cấp. Tại Việt Nam, 5 trong số 7 loài rùa biển trên thế giới là vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa cao.

Thả rùa biển quý hiếm nặng 10,5 kg về biển - 3

Cá thể rùa hoàn toàn khỏe mạnh và sẽ được thả về biển vào ngày 24/2. (Ảnh: BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm)

Trước đây, cùng với các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam, vùng biển Cù Lao Chàm được biết đến là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển vì có các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú như san hô, cỏ biển và các bãi cát ven đảo.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, nơi đây không còn ghi nhận sự xuất hiện của rùa biển lên bờ đẻ trứng do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phát triển của du lịch, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên...

Để bảo tồn rùa biển, sinh vật chỉ thị cho tiềm năng, sức khỏe của các hệ sinh thái biển trong khu vực, từ năm 2016, TP Hội An có chủ trương quy hoạch lại các phân vùng chức năng biển cho Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong đó ưu tiên quy hoạch khu vực biển phía Đông Bắc Cù Lao Chàm bao gồm khu vực bãi biển Bãi Bắc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá... là khu vực bảo tồn biển nghiêm ngặt có diện tích khoảng 30% tổng diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Theo Kế hoạch bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển, TP Hội An đã cho phép thành lập Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực biển Bãi Bắc để tập trung quản lý bãi đẻ cho rùa biển, đây là giải pháp bảo tồn tại chỗ hay còn gọi là bảo tồn nguyên vị, bên cạnh đó còn thực hiện giải pháp bảo tồn chuyển vị đối với khoảng 2.500 trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về quản lý, ấp nở và thả về đại dương.

Trong những năm gần đây, hiện tượng rùa biển bị mắc lưới không chủ ý xảy ra ngày càng nhiều tại Cù Lao Chàm. Theo số lượng thống kê của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ năm 2018 đến nay, có khoảng hơn 30 cá thể rùa biển bị mắc lưới được cộng đồng hiến tặng, trong đó chiếm 2/3 là bị chết và được sử dụng để làm tiêu bản phục vụ cho công tác truyền thông, giáo dục, số còn sống được thả trở về môi trường tự nhiên.

Công Bính