Ông Lê Vinh Danh nói gì về mức lương hơn nửa tỷ đồng/tháng?

Xã hội - Ngày đăng : 12:53, 29/10/2020

Việt BáoNhững ngày qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mức lương của ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ông Danh đã lên tiếng xung quanh sự việc này.

Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, mức thu nhập cao hay thấp đều có sự hợp lý khi tính theo khối lượng công việc và hiệu quả.

"Có người 20 triệu mỗi tháng là hợp lý, người 110 triệu là hợp lý và tôi 286 triệu cũng hợp lý. Ở trường, tôi làm việc nhiều nhất và quan trọng hơn, tất cả mọi việc xảy ra ở trường tôi phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, mà sự chịu trách nhiệm này là vô giá", ông Danh nói.

Ông Lê Vinh Danh

Ông Danh cũng khẳng định, trường bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với pháp luật hiện hành và Quyết định 158/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng về phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Tôn Đức Thắng. Bởi từ khi trường là đại học dân lập đến giai đoạn 2003-2008 chuyển sang đại học bán công vẫn hưởng cơ chế như dân lập. Khi trở thành trường công lập, trường vẫn thu và chi như trường ngoài công lập theo đúng quy định.

Về vấn đề thu nhập người được phân công phụ trách trường nhận 72,7 triệu đồng, bởi đây là mức thu nhập ở vị trí Viện trưởng. Người này nhận nhiệm vụ từ ngày 21-8 nên thu nhập chưa tính theo vị trí, số đầu công việc, khối lượng và trách nhiệm theo chức danh mới.

Trước đó, đại diện một cán bộ phụ trách chính sách lương của trường cũng khẳng định, đến nay, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh mức lương 556 triệu/tháng như thông tin trên báo chí. Tổng thu nhập ông thực lãnh của ông Danh là 286 triệu, bao gồm rất nhiều khoản cộng lại chứ không phải là lương.

Tuy nhiên, qua rà soát về con số 556 triệu đồng này, đại diện người phụ trách chính sách lương của trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay thời gian đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Để chia sẻ khó khăn này, nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3 và 4, phần còn lại cho phép trường trả chậm, mức nhận và để lại bao nhiêu thì phụ thuộc vào hoàn cảnh từng cá nhân. Có người tự nguyện cho nhà trường chậm trả 50%, 60%, thậm chí là 100% thu nhập…

Riêng ông Danh khi đó chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới 556 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều người trong trường ĐH Tôn Đức Thắng có mức thu nhập cao vì là chuyên gia nước ngoài hoặc là nhân sự trong nước nếu làm năng suất tương đương như vậy cũng được trả lương như vậy.

Cụ thể như Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (thuộc đại học này), tương đương cấp trưởng phòng có thu nhập sau thuế 280 triệu đồng; cấp trưởng khoa 90 triệu; nhiều nghiên cứu viên trên 200 triệu/tháng.

Lý giải về các mức thu nhập này, nhất là những băn khoăn của dư luận xoay quanh việc trợ lý hiệu trưởng có thu nhập gấp 11 lần viên chức giảng dạy, theo một cán bộ của trường, thu nhập mà nhà trường trả cho giảng viên, viên chức không theo chức danh mà trả theo vị trí công việc, khối lượng công việc, năng lực của người giữ vị trí công việc và hiệu quả đạt được.

Do đó, khối lượng công việc và mục tiêu giữa giảng viên với nhau, giữa viên chức hành chính với nhau là không giống nhau. Kể cả chung chức danh công việc nhưng mỗi người có những đặc tính lao động riêng, khả năng đóng góp riêng,… nên thu nhập của họ phải khác nhau.

Như mức lương của Trợ lý hiệu trưởng được Tổng Liên đoàn Lao động công bố thu nhập trên 225 triệu thì thực lãnh khoảng 195 triệu. Viên chức này có thu nhập cao bởi kiêm nhiệm 6 vị trí công việc khác nhau.

Minh An