Vì sao Hà Nội chọn IELTS để chuẩn hóa giáo viên tiếng Anh?

Xã hội - Ngày đăng : 09:08, 17/06/2020

Việt BáoSở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành một công văn về việc rà soát theo chuẩn quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn các cấp học theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.

Ngay sau khi công văn này được đưa ra đã khiến không ít giáo viên lo lắng vì thời gian rà soát chuẩn hóa giáo viên quá gấp, chỉ khoảng 10 ngày từ khi công văn được ban hành và nhiều người thắc mắc tại sao Hà Nội chọn IELTS chứ không phải chứng chỉ khác?

Liên quan đến vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa: Internet

Về lý do lựa chọn hình thức đánh giá này, Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: IELTS là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và hiện nay đang được đánh giá uy tín nhất trên thế giới. Sở lựa chọn hình thức này để hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh phát triển tốt nhất bốn kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.

Kết quả rà soát giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS được sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên.

Lớp đào tạo được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt giáo viên được thực hiện 400 tiết thực học (khóa học chuẩn để nâng 1 bậc IELTS) với giảng viên nước ngoài. Ngoài ra, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản online để tự học. Sau thời gian đào tạo, giáo viên sẽ tham dự kỳ thi IELTS với mục tiêu lên được tối thiểu 0,5 điểm. Từ năm 2020 đến năm 2025, bình quân cứ cách một năm giáo viên lại được tham gia đợt bồi dưỡng để tiếp tục nâng chuẩn.

Mục tiêu tiến tới năm 2025, toàn ngành GD&ĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học có trình độ nghe nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.

Theo lộ trình, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho toàn bộ giáo viên đã được rà soát. Việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế, trang bị kỹ năng, năng lực, rèn luyện khả năng phản xạ, đồng thời tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh cho giáo viên đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Giáo viên tham gia lớp đào tạo được hỗ trợ toàn bộ kinh phí (bao gồm cả công tác phí trong quá trình học tập bồi dưỡng), giảm thời gian giảng dạy tại trường.

Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng việc rà soát xếp lớp theo chuẩn quốc tế, Sở cho biết đã chuẩn bị, bố trí lịch kiểm tra theo các các cấp học hợp lý, bảo đảm giáo viên được rà soát đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo quy định của tổ chức khảo thí quốc tế. “Giáo viên có thể hoàn toàn yên tâm nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng sư phạm của mình sau đợt khảo sát này” - Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Đồng thời, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc rà soát và triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế trong Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 23-1-2019 của UBND TP Hà Nội, “thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên giúp nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học môn tiếng Anh, nhất là kỹ năng nghe, nói của học sinh phổ thông của Thủ đô”.

Thanh Thanh