Phúc thẩm vụ án tại BIDV: Giải tỏa kê biên đối với 1 bất động sản liên quan đến vợ chồng ông Trần Bắc Hà

Xuân Tùng (TTXVN)| 29/06/2021 22:01

Chiều 29/6, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Trung Dũng.

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe tòa phúc thẩm tuyên án, chiều 29/6. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm về hình phạt tù đối với 3 bị cáo có kháng cáo: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) 18 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của Công ty Trung Dũng) 3 năm tù.

Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận 1 phần kháng cáo về tài sản kê biên liên quan đến bất động sản tại TP Hồ Chí Minh của bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà, đã mất).

Chấp nhận 1 phần kháng cáo về kê biên tài sản

Trong phiên phúc thẩm, Tòa án triệu tập chị Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) với tư cách là người thừa kế quyền và nghĩa vụ về việc kháng cáo của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã mất).

Trình bày tại tòa, Trần Lan Phương không đồng tình với một số nội dung trong bản án sơ thẩm đề cập đến việc phong tỏa, kê biên tài sản liên quan ông Trần Bắc Hà. Trong số những tài sản mà cơ quan tố tụng xác định cùng đứng tên sở hữu của ông Trần Bắc Hà và bà Ngô Kim Lan, tại tòa phúc thẩm, chị Trần Lan Phương cho rằng, có 2 bất động sản ở số 60A, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3 và ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) là tài sản riêng của bà Lan, đề nghị Tòa không kê biên.

Trong phần tuyên án, sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, Tòa phúc thẩm cho rằng, có căn cứ để chấp nhận 1 phần kháng cáo, giải tỏa kê biên đối với 1 bất động sản. Theo đó, Tòa tuyên giải tỏa việc kê biên bất động sản tại số 60A, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp ngày 19/9/2017 cho bà Ngô Kim Lan.

Còn lại, Tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên quyết định kê biên đối với 6 bất động sản đứng tên đồng sở hữu của ông Trần Bắc Hà và bà Ngô Kim Lan và 1 bất động sản đứng tên bà Ngô Kim Lan.

Tòa phúc thẩm nhận định, các tài sản đứng tên vợ chồng ông Trần Bắc Hà và bà Lan đều hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Hầu hết các tài sản có nguồn gốc và thời điểm hình thành tài sản trước thời điểm ông Hà có hành vi sai phạm nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên, ngăn chặn giao dịch để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả của công ty Bình Hà và công ty Trung Dũng đối với số tiền 2 công ty đã gây thất thoát cho BIDV là cần thiết.

"Tuy nhiên, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm không tuyên cụ thể phần trách nhiệm của ông Hà là khó khăn cho việc thi hành án" - Tòa phúc thẩm nhận định.

Cũng theo Hội đồng phúc thẩm, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, chị Trần Lan Phương xuất trình các tài liệu xác định: Bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan, phường 7 (nay là phường Võ Thị Sáu), Quận 3, TP Hồ Chí Minh, có nguồn gốc là của bà Ngô Thị Kim Oanh (em gái bà Lan) tặng cho riêng bà Lan theo Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được công chứng, chứng thực ngày 24/9/2013. Ngày 31/7/2017, ông Trần Bắc Hà và bà Lan có Văn bản thỏa thuận về tài sản (có công chứng, chứng thực). Theo đó, ông Hà và bà Lan xác định bất động sản nêu trên là tài sản riêng của bà Lan.

Tòa phúc thẩm dẫn ra các quy định tại khoản 1, Điều 32, Luật Hôn nhân gia đình và Điều 13 Nghị định 70/2001-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, nay là khoản 1, Điều 33, Điều 43, Điều 47 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Từ đó, Tòa phúc thẩm xác định, bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh được xác định là tài sản riêng của bà Lan.

Tại Biên bản kê biên tài sản ngày 28/3/2019, bà Lan đã có ý kiến “Nhà 60A Bà Huyện Thanh Quan là tài sản riêng của bà Lan, không phải tài sản của bị can Trần Bắc Hà” và bà đề nghị xem xét lại việc kê biên. Mặt khác, theo đơn đề nghị của chị Trần Lan Phương và chị Nguyễn Uyên Yên Bình thì hiện tại chị Phương và 4 con có hộ khẩu thường trú; còn chị Bình và 3 con (vợ con của Trần Duy Tùng) đang tạm trú và thực tế sinh sống tại địa chỉ này. Mặt khác, theo chị Phương, trước khi chết, bà Lan có di nguyện bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, TP Hồ chí Minh để lại làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà nội ngoại và bà nên khi lập di chúc đối với các bất động sản, bà Lan không di chúc 7 bất động sản (6 bất động sản cùng đứng tên ông Hà, bà Lan và 1 bất động sản đứng tên cá nhân bà Lan).

Do đó, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo và giải tỏa kê biên đối với bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, ThP Hồ chí Minh là phù hợp quy định của pháp luật và hoàn cảnh thực tế của gia đình bà Lan.

Không có căn cứ giảm trừ tiền bồi thường thiệt hại

Về trách nhiệm dân sự của bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Công ty Bình Hà phải hoàn trả BIDV số tiền 1.231 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng; đồng thời buộc bị cáo Đinh Văn Dũng phải liên đới bồi thường cho BIDV 21 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, trách nhiệm bồi thường trên là có căn cứ, nên bác kháng cáo về dân sự của bị cáo Đinh Văn Dũng.

Xét kháng cáo của bị cáo Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) về phần trách nhiệm dân sự, Tòa phúc thẩm xác định, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo thừa nhận số tiền công ty đã gây thiệt hại cho BIDV và số tiền bị cáo cùng với Nguyễn Thị Thanh Sơn đã chiếm đoạt của BIDV.

"Việc bị cáo xin giảm trừ gốc và miễn lãi đối với khoản tiền công ty phải hoàn trả ngân hàng là không có căn cứ và phụ thuộc quyết định của Ngân hàng BIDV" - Tòa phúc thẩm nhận định.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của Công ty Trung Dũng), tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Ngân hàng BIDV chỉ xác nhận có cam kết của bị cáo Sơn về việc trả 1 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm, gia đình bị cáo đã nộp 100 triệu đồng và không đồng ý việc giảm trừ nợ gốc hay miễn lãi cho khoản tiền Công ty Trung Dũng đã gây thiệt hại cho công ty và số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt. Do đó, theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, kháng cáo của bị cáo Sơn không được chấp nhận.

Về diễn biến vụ án, đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền bán bò của bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) và đồng phạm, theo quy định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.

Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, bị cáo Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò, góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác.

Còn vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã thống nhất dùng thủ đoạn gian dối, mua bán số phôi thép và thép phế lòng vòng, bán tài sản bảo đảm của BIDV cho những công ty khác không đúng đối tượng và khi chưa được sự đồng ý của BIDV. Số tiền bán hàng, các bị cáo đã không chuyển về tài khoản do BIDV quản lý mà sử dụng vào mục đích cá nhân khác, chiếm đoạt của BIDV 263 tỷ đồng, dẫn đến BIDV không thu hồi được khoản vay, đến nay không có khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phúc thẩm vụ án tại BIDV: Giải tỏa kê biên đối với 1 bất động sản liên quan đến vợ chồng ông Trần Bắc Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO