Phủ vaccine Covid-19 toàn cầu - cách Tổng thống Joe Biden ‘sửa sai’ sau Afghanistan?

Phan Quân| 15/09/2021 07:50

Đẩy mạnh tài trợ vaccine Covid-19 toàn cầu sau câu chuyện Afghanistan sẽ giúp ông Joe Biden ‘sửa sai’, đồng thời hoàn thành ba mục tiêu lớn của Mỹ ở hiện tại.

Cựu Giám đốc Chính sách Nam Á và Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Jonah Blank, tin Tổng thống Joe Biden đứng trước cơ hội để bắn một mũi tên trúng ba đích: Đảm bảo an toàn cho người Mỹ, khôi phục vị thế địa chính trị của đất nước và thể hiện trách nhiệm toàn cầu.

Đó là kế hoạch tài trợ vaccine Covid-19 toàn cầu, kết hợp cùng chiến lược tiêm chủng trong nước vừa được Tổng thống Mỹ công bố ngày 9/9.

(09.10) Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về kế hoạch tiêm chủng mới tại Nhà Trắng ngày 9/9. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về kế hoạch tiêm chủng mới tại Nhà Trắng ngày 9/9. (Nguồn: Reuters)

Vì người, vì mình

Với nhiều người, Mỹ phát động chiến dịch tấn công Afghanistan năm 2001 là nhằm trả đũa thảm kịch ngày 11/9.

Song với ông Joe Biden, Lầu Năm góc hiện diện tại quốc gia Nam Á với lý do duy nhất là chống khủng bố. Dù là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày ấy hay Tổng thống Mỹ đương nhiệm 20 năm sau đó, quan điểm của ông vẫn không hề thay đổi.

Song rõ ràng, dù đồng tình hay không với lập trường rút quân của ông Joe Biden, nhiều người không thích cách Washington phó mặc số phận công dân đồng minh và Afghanistan vào tay Taliban.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Giờ đây, Mỹ đang đối mặt thách thức lớn từ dịch Covid-19. Mỗi tuần, thậm chí chỉ vài ngày, xứ cờ hoa lại chịu thương vong tương đương thảm kịch 11/9 năm nào. Ngày 14/9, Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 92.782 ca, và cũng là quốc gia có số ca tử vong trong một ngày cao nhất với 742 trường hợp.

Chừng nào phần lớn dân số thế giới chưa tiêm chủng, nước Mỹ sẽ còn phải chống đỡ làn sóng lây nhiễm từ biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn. Delta mới chỉ là biến thể thứ tư của SARS-CoV-2 và chẳng có gì chắc chắn đây là biến thể nguy hiểm cuối cùng con người sẽ phải đối mặt.

Khi ấy, một chiến dịch tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới có thể xoay chuyển tình hình.

Theo ước tính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí tiêm chủng cho toàn thế giới là 50 tỷ USD, thậm chí thấp hơn ngân sách nâng cấp hệ thống tàu lửa Amtrak của Mỹ.

Mỹ thường coi mình là một phần “không thể thiếu” của thế giới. Tuy nhiên, trước mối đe dọa lớn nhất toàn cầu trong thế kỷ XXI, Washington lại chưa hành động tương xứng.

Mỹ cam kết tài trợ 500 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer và hết tháng Tám, đã chuyển giao hơn 110 triệu liều.

Đây là một khởi đầu thuận lợi, tốt hơn nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, bao gồm Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, cam kết này chỉ cung cấp đủ vaccine cho 3% dân số trên thế giới. Hãy tưởng tượng về những lợi ích mà nước Mỹ có thể nhận được, nếu con số ấy là 100%.

Đúng, mọi thứ đều có giá của nó, song cái giá Mỹ phải trả để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu lại nằm trong tầm tay.

Theo ước tính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí tiêm chủng toàn thế giới là 50 tỷ USD, thấp hơn ngân sách nâng cấp hệ thống tàu lửa Amtrak của Mỹ. Khoản đầu tư này có thể sinh lời lên tới 9.000 tỷ USD năm 2025, phần lớn sẽ chảy về túi các quốc gia phát triển.

Song nhìn nhận một cách công bằng, tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng toàn thế giới chắc chắn cần nhiều thứ hơn chỉ là tiền. Giới chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), IMF hay Quỹ Gates đã gợi ý về lộ trình cụ thể. Phần việc của Washington là giải quyết một số rào cản tồn tại.

Vượt qua thách thức

Rào cản thứ nhất được cho là đến từ năng lực sản xuất vaccine Covid-19 hạn chế hiện nay.

Đã đến lúc Mỹ cho phép một số nhà cung cấp thuốc gốc, dù là nội địa hay nước ngoài, được sản xuất phiên bản tương tự của vaccine Covid-19 với bằng sáng chế Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hoàn toàn có thể chi tiền cho những công ty dược phẩm Mỹ để cho phép hoặc xây dựng luật nhằm thúc đẩy quá trình này.

Hiện Ấn Độ đang sản xuất và cung cấp 2/3 sản lượng vaccine Covid-19 cho thế giới. Công ty Astra Zeneca (Anh) đã cho phép Viện Nghiên cứu Huyết thanh Ấn Độ sản xuất phiên bản nội địa của vaccine Covid-19 do hãng dược này sáng chế.

Johnson & Johnson (Mỹ) có thể làm điều tương tự: Giống sản phẩm từ Astra Zeneca, vaccine của hãng chỉ cần tiêm một lần và không cần bảo quản siêu lạnh, phù hợp với các quốc gia đang phát triển hơn vaccine mRNA từ Pfizer/bioNTech hay Moderna.

Tuy nhiên, các công ty muốn sản xuất vaccine gốc cần có sự đồng ý của hãng dược phẩm Mỹ. Đây là rào cản Washington có thể tháo gỡ.

Vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson dính “phốt” liên quan đến gây đông máu ở người được tiêm chủng. (Nguồn: SOPA)
Dưới tác động của Washington, Johnson & Johnson có thể cho phép các nhà cung cấp thuốc gốc sản xuất phiên bản vaccine Covid-19 của hãng, đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine toàn cầu. (Nguồn: SOPA)

Một thách thức khác là tắc nghẽn nguồn cung cấp các nguyên liệu sản xuất vaccine Covid-19.

Trong đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn. Điều này góp phần lý giải tại sao nhiều người Mỹ lại phải đeo chiếc khẩu trang tự chế, bởi họ khó có thể mua loại có hiệu quả cao hơn như khẩu trang N95. Thực trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng còn xảy ra với cả những lọ chứa vaccine.

May thay, Washington có Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, cho phép chính quyền liên bang chỉ đạo và tài trợ chi phí để doanh nghiệp Mỹ thay đổi mục đích sản xuất, đối phó các mối đe dọa lớn.

Khi còn tại nhiệm, ông Donald Trump đã do dự khi triển khai đạo luật này.

Đổi lại, Tổng thống Joe Biden khẳng định ông sẵn sàng áp dụng nó khi cần thiết. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, ông vẫn chưa làm như vậy, khi mục tiêu cung cấp vaccine Covid-19 vẫn chủ yếu giới hạn ở nước Mỹ. Song từng đó là không đủ cho thế giới và Washington hoàn toàn có thể làm nhiều hơn thế.

Cuối cùng là câu chuyện về kiện tụng. Nhiều nhà sản xuất thuốc gốc, phần lớn ở nước ngoài, ngại đầu tư, mở rộng sản xuất vaccine do lo bị kiện bản quyền về vaccine Covid-19 và sản phẩm khác.

May mắn thay, mong muốn cải cách sai phạm dân sự của đảng Cộng hòa và ưu tiên giải quyết đại dịch Covid-19 từ đảng Dân chủ là cơ sở để hai bên bắt tay xây dựng luật, giải quyết tình trạng này.

Đó là ba trong số các thách thức đáng kể mà Washington có thể đối mặt khi phủ vaccine Covid-19 toàn cầu. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Mỹ đủ năng lực vượt qua mọi vấn đề một khi mong muốn.

Còn nhớ Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống HIV/AIDS của ông George W. Bush khởi xướng đã cứu sống hơn 20 triệu người khắp thế giới.

Kế hoạch tương tự của ông Biden, hướng tới phủ vaccine Covid-19 toàn cầu, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế, đưa Mỹ thực sự trở lại với thế giới.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phủ vaccine Covid-19 toàn cầu - cách Tổng thống Joe Biden ‘sửa sai’ sau Afghanistan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO