Phụ nữ thích quà gì?: Món quà lớn nhất là được yếu mềm

19/10/2022 07:23

Nếu được lựa chọn, tôi dám chắc sẽ không một người đàn bà nào chọn làm phụ nữ mạnh mẽ. Họ thà làm một cô nàng yếu đuối và thong dong.

Nếu chỉ vì bản thân mình, tôi dám chắc họ sẽ lập tức cởi bỏ chiếc áo khoác công sở, vứt luôn đôi giày cao gót, cứ thế chân trần chạy trên cát hoặc ngồi vẩn vơ sơn móng tay, uống trà chiều, sống một cuộc đời phù phiếm và đàn bà nhất có thể.
Nếu chỉ vì bản thân mình, tôi dám chắc họ sẽ lập tức cởi bỏ chiếc áo khoác công sở, vứt luôn đôi giày cao gót (Ảnh minh họa)

Tôi vừa quen một cô bạn nhỏ tuổi hơn mình, năm nay cô chỉ tầm 33 tuổi. Nhưng nhìn cô, không ai đoán cô trẻ như vậy vì từ vẻ ngoài, cách nói chuyện, suy nghĩ đến hành xử, cô đều chững chạc hơn tuổi của mình rất nhiều. Khoảng cách sự trưởng thành giữa cô và một người cùng tuổi hẳn phải chừng 5-6 năm.

Nhưng không phải tự dưng mà một người phụ nữ có thể trưởng thành hơn tuổi nhiều như vậy.

Cô gái ấy sinh trưởng ở miền Trung, trong một gia đình rất khó khăn. Là chị cả, cô phải tự mình trông hai em và quán xuyến việc nhà khi bố mẹ vào Sài Gòn mưu sinh. Sau vài năm, bố mẹ đưa các chị em cô vào Sài Gòn và đây là lúc cô bắt đầu dạo quanh các con hẻm nhỏ để bán hủ tíu gõ. Bằng một nỗ lực phi thường nào đó, cô học lên đến thạc sĩ, trở thành trợ lý tổng giám đốc của một ngân hàng lớn, mua đất, xây nhà và tạo dựng cuộc sống ấm êm cho cả gia đình.

Trưởng thành có cái giá của trưởng thành. Mạnh mẽ có cái giá của mạnh mẽ. Ảnh minh họa.
Trưởng thành có cái giá của trưởng thành. Mạnh mẽ có cái giá của mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Hiển nhiên, không có thành công nào không trả giá bằng nước mắt. Cái giá cô gái ấy phải trả là những ngày đi làm miệt mài đến tận 11 giờ đêm, cuối tuần cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng, sếp gọi là đi ngay. Không có thời gian dành cho bản thân đã đành, cô cũng không có thời gian dành cho hai con nhỏ, mọi chuyện phó thác cho bố mẹ và chồng.

Cô luôn tâm sự với tôi ước gì có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn, ước gì có thể dành thời gian cho các con nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ, cái giá cô đánh đổi không chỉ dừng ở đó mà cô còn bị tước đi món quà quý giá nhất của phái vốn được gọi là yếu: Sự yếu mềm.

Không riêng gì cô bạn tôi, có một vài dạng phụ nữ mà khi nghĩ đến họ, ta chỉ thấy hình ảnh của sự mạnh mẽ. Rằng họ lúc nào cũng kiên cường, một tay gánh vác, che chở cho cả gia đình. Rằng nguồn năng lượng trong họ dường như là vô tận, bất kể thức sáng đêm chăm con ốm hay miệt mài ở sở làm đến hơn 12 tiếng cũng không thể khiến họ kiệt sức. Rằng chẳng bao giờ họ than vãn, chùn bước hay mệt mỏi, họ cứ thế tiến tới như một con tàu bọc thép, chậm rãi mà vững chắc, san phẳng mọi trở ngại trên đường.

Nhưng có thật là lúc nào họ cũng mạnh mẽ thế không?

Cô bạn tôi vừa kể đã có lúc mắt long lanh ngấn nước trong phòng họp mà bảo tôi rằng: “Em cũng không hiểu em ở đây làm gì nữa”. Một cô bạn khác, là mẹ đơn thân, khi bố cô bảo rằng: “Con phải mạnh mẽ lên!”, cô đã khóc nấc trong điện thoại: “Con chán làm người mạnh mẽ lắm rồi. Con mạnh mẽ như vậy chưa đủ hay sao? Con còn phải mạnh mẽ đến bao giờ nữa?”. Nếu phải gào lên như Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao, hẳn những người phụ nữ này sẽ gào lên từ tận đáy lòng mình: “Ai cho tôi yếu đuối?”.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự mạnh mẽ là một đặc ân, nhất là với phụ nữ. Sự mạnh mẽ gần như là lựa chọn cuối cùng, khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác, không còn ai để tựa vào, cũng không còn ai để tạm “chuyển giao” những gánh nặng trên vai.

Luôn có vẻ ngoài giàu năng lượng nhưng phụ nữ mạnh mẽ cũng có những nỗi niềm riêng. Ảnh minh họa.
Luôn có vẻ ngoài giàu năng lượng nhưng phụ nữ mạnh mẽ cũng có những nỗi niềm riêng (Ảnh minh họa)

Phụ nữ mạnh mẽ thường cũng không vì bản thân họ mà vì những người xung quanh, những người họ yêu thương và có trách nhiệm chăm sóc. Nếu chỉ vì bản thân mình, tôi dám chắc họ sẽ lập tức cởi bỏ chiếc áo khoác công sở, vứt luôn đôi giày cao gót, cứ thế chân trần chạy trên cát hoặc ngồi vẩn vơ sơn móng tay, uống trà chiều, sống một cuộc đời phù phiếm và đàn bà nhất có thể.

Nếu được lựa chọn, tôi dám chắc sẽ không một người đàn bà nào chọn làm phụ nữ mạnh mẽ. Họ thà làm một cô nàng yếu đuối, có một ai đó để tựa vào, có thể khóc khi muốn, nằm nghỉ khi thấy mệt và thưởng thức một bữa ăn nhẹ nhàng, thong thả vào giữa ngày. Sự yếu đuối và thong dong ấy, đáng lẽ là đặc quyền của riêng phái yếu, thì tiếc thay lại trở thành món quà cho những người đàn bà đủ may mắn để không phải tự mình gánh vác cả giang sơn.

Vậy nên nếu có một lời chúc nào đó dành cho những người phụ nữ vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 này, tôi chỉ muốn nói rằng nếu bạn đang được may mắn tận hưởng sự yếu đuối, hãy tận hưởng! Nếu chưa, tôi hy vọng sớm thôi, bạn có thể cởi bỏ chiếc áo giáp đang khoác trên mình, dù chỉ trong chốc lát, để tận hưởng sự nhẹ nhàng, thong thả và tươi vui của cuộc đời này.

Hoặc bạn cũng có thể tự dành cho mình món quà của sự yếu đuối bằng cách mạnh mẽ ít thôi, yếu đuối nhiều hơn, khi không ổn hãy khóc, khi buồn hãy bảo với gia đình, thậm chí có thể gào lên với cả thế giới này rằng tôi đang cảm thấy yếu đuối và tôi cần được vỗ về. Đừng cố tỏ ra mạnh mẽ nữa, vì vốn dĩ chúng ta là phái yếu mà, có phải không?

Ngày 20/10, chúc cho phái yếu luôn thật yếu đuối và đáng yêu!

Cao Bảo Vy

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Phụ nữ thích quà gì?: Món quà lớn nhất là được yếu mềm
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO