Phụ huynh Mỹ “chuộng” mẹo dân gian để ngừa cảm lạnh

Kim Dung| 25/01/2022 16:42

Trung bình, mỗi người có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh 2 - 3 lần mỗi năm. Song, không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ bản chất của bệnh. Nhiều phụ huynh thường áp dụng biện pháp dân gian để phòng cảm lạnh cho trẻ.

Nhiều phụ huynh cho con uống vitamin để ngừa cảm lạnh.Nhiều phụ huynh cho con uống vitamin để ngừa cảm lạnh.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy, những “mẹo” đó có tác dụng.

70% phụ huynh tin tưởng “mẹo”

“Đừng ra ngoài với mái tóc ướt, con sẽ bị cảm lạnh đấy!”; “Uống vitamin C để ngăn tình trạng sụt sịt nhé!”; “Hãy ở nhà nhiều trong mùa lạnh!”... Rất có thể, bất kỳ ai cũng từng nghe những lời khuyên này, có thể là từ cha mẹ khi chúng ta còn nhỏ, hoặc người lớn trong gia đình.

Một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy, nhiều cha mẹ đã áp dụng các chiến lược này để giúp con họ không bị ốm. Song, thực tế, có rất ít bằng chứng cho thấy đó là những phương pháp hiệu quả.

Cuộc thăm dò ý kiến quốc gia về sức khỏe trẻ em do Bệnh viện C.S. Mott tại Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện trên hơn 1.100 phụ huynh có con từ 5 đến 12 tuổi. Kết quả cho thấy, khoảng 70% các phụ huynh đã cố gắng ngừa cảm lạnh cho con bằng cách áp dụng các mẹo dân gian. Tuy nhiên, họ áp dụng những phương pháp đó mà không dựa trên bất kỳ bằng chứng khoa học nào.

Ví dụ, khoảng 52% phụ huynh nói với con họ rằng, trẻ không nên ra ngoài với mái tóc ướt. Trong khi đó, 48% cha mẹ cho rằng, việc khuyến khích con ở trong nhà vào mùa lạnh là có lợi cho sức khoẻ.

Thực tế, hầu như không có bằng chứng khoa học nào cho thấy, những phương pháp đó thực sự giúp mọi người phòng bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn tin rằng, các “mẹo” dân gian hoặc sử dụng vitamin cũng như thực phẩm chức năng sẽ giúp trẻ ngừa cảm lạnh.

Mặt tích cực là, có 99% phụ huynh tham gia nghiên cứu cho biết thường xuyên ngừa cảm lạnh cho trẻ bằng việc giữ vệ sinh cá nhân. Thực tế, đây là một biện pháp phòng ngừa khoa học để tránh cảm lạnh. 94% yêu cầu trẻ không cho tay vào miệng hoặc mũi. 94% cha mẹ thường xuyên khuyến khích con không dùng chung đồ ăn hoặc thức uống với những người khác.

Tuy nhiên, có 51% cha mẹ cho biết đã để con uống vitamin không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng, nhằm ngừa cảm lạnh. Họ áp dụng phương pháp này ngay cả khi không có bằng chứng nào cho thấy chúng có tác dụng trong việc ngừa bệnh.


Cảm lạnh được gây ra bởi virus.

Khoa học thay vì “mẹo”

Ông Gary Freed - người đồng tổ chức cuộc khảo sát và là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện C.S. Mott giải thích: “Tin tích cực là phần lớn các phụ huynh làm theo những khuyến nghị dựa trên bằng chứng để trẻ tránh mắc hoặc lây lan cảm lạnh, cũng như các bệnh khác”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, nhiều cha mẹ cũng đang cho con sử dụng các chất bổ sung và vitamin không được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa cảm lạnh. Những sản phẩm đó đồng thời không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Phần lớn phụ huynh cho con sử dụng những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên, theo ông Freed, chưa sản phẩm nào trong số đó được chứng minh một cách độc lập là có tác dụng trong việc ngừa cảm lạnh.

Cũng theo bác sĩ Freed, vitamin C, vitamin tổng hợp hoặc các sản phẩm khác thường được quảng cáo có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Song, không có bằng chứng nào cho thấy những sản phẩm đó hiệu quả trong việc ngừa cảm lạnh ở trẻ. Ông đồng thời lưu ý rằng, các chất bổ sung và vitamin vẫn được nhiều người mua, dù không được chứng minh tác dụng.

“Hơn nữa, các biện pháp chữa bệnh theo dân gian rất có thể đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những phương pháp đó có thể được truyền miệng trước khi mọi người biết rằng, virus mới thực sự là nguyên nhân gây ra các bệnh như cảm lạnh”, chuyên gia này giải thích.

Theo ông Freed, trung bình, trẻ em trong độ tuổi đi học trải qua ba đến sáu lần cảm lạnh mỗi năm. Trong đó, một số trẻ sẽ trải qua cơn cảm lạnh kéo dài đến hai tuần. Điều đáng lo ngại khi trẻ bị cảm lạnh là hầu hết các thành viên trong gia đình sẽ bị lây bệnh.

Hiểu bản chất của bệnh

“Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rằng, đâu mới là phương pháp đã được khoa học chứng minh có hiệu quả trong việc ngừa cảm lạnh ở trẻ. Trong khi một số phương pháp rất hiệu quả trong việc ngăn trẻ em bị cảm lạnh, những phương pháp truyền miệng thường không được chứng minh là có thể tạo ra sự khác biệt”, bác sĩ Freed nhấn mạnh.

Chuyên gia cho biết, chiến lược tốt nhất để phòng chống cảm lạnh là cha mẹ tập trung vào việc giảm sự lây lan của virus gây bệnh, thông qua vệ sinh sạch sẽ, như rửa tay và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Các bác sĩ cho biết, cảm lạnh thường lây lan khi các giọt bắn từ mũi hoặc miệng của người bệnh truyền qua không khí sang người khác. Những giọt bắn này có nguy cơ lan truyền sau khi người bệnh hắt hơi, ho, hoặc khi virus bám trên các bề mặt mọi người tiếp xúc thường xuyên, như nắm cửa và đồ chơi...

Do tính chất dễ lây lan, cảm lạnh có thể gây gián đoạn hoạt động thường ngày của một gia đình khi các thành viên mắc bệnh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, trung bình, mỗi người có khả năng bị cảm lạnh khoảng 2 - 3 lần/năm. Điều đó có thể gây thiệt hại kinh tế đối với nhiều gia đình cũng như quốc gia. Hệ thống Y tế của Trường Đại học Michigan ước tính rằng, cảm lạnh gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Đây là khoản chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp do người bệnh bỏ lỡ công việc do cảm lạnh. Để so sánh, bệnh cúm ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 10,4 tỷ USD mỗi năm.

Để ngừa cảm lạnh một cách khoa học, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.

Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Ngoài ra, ngủ đủ giấc và tập luyện thường xuyên là những yếu tố quan trọng giảm nguy cơ mắc cảm lạnh. Phụ huynh cũng có thể cân nhắc đến việc để trẻ đeo khẩu trang, nhằm ngừa cảm lạnh.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh Mỹ “chuộng” mẹo dân gian để ngừa cảm lạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO