‘Phía Tây không có gì lạ’: Nỗi đau chiến tranh sâu hoắm

An Nhiên| 06/11/2022 06:06

Bộ phim “Phía Tây không có gì lạ” khiến người xem nổi da gà và ớn lạnh khi phải chứng kiến nỗi đau của những người lính: sâu hoắm và không thể chữa lành.

*Cảnh báo: Bài viết tiết lộ nội dung phim

Bộ phim Phía Tây không có gì lạ (tiếng Đức: Im Westen Nights Neues) đang được phát sóng trên Netflix, nằm trong Top 10 phim tại Việt Nam tuần này.

ptkcgl-vb1.jpeg
Paul phấn khích gia nhập quân đội vì lý tưởng sống

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Enrich Maria Remarque, xuất bản vào năm 1929. Một năm sau đó, tác phẩm này được đạo diễn Lewis Milestone dựng thành phim và đoạt giải Oscar (Đạo diễn xuất sắc và Cảnh quay xuất sắc). Năm 1979, tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình.

Netflix sản xuất và công chiếu vào năm 2022.

ptkcgl-vb8.jpeg
Anh và bạn bè ở trường háo hức ra chiến trường

Tác phẩm gốc có đề tài phản chiến, lấy bối cảnh Thế chiến thứ nhất, kể về chàng thanh niên tên Paul Băumer 17 tuổi cùng nhóm bạn háo hức tham gia vào quân đội Đế quốc Đức theo lời kêu gọi của giáo sư Kantorek. Paul giả chữ ký của mẹ để được ra trận, để có được vinh quang của một lớp thanh niên may mắn được sinh ra vào đúng thời đại như lời thuyết giáo của giáo sư.

Paul và nhóm bạn tham gia mặt trận phía Tây, khi đó quân đội Đức đang giao chiến với Pháp và giành nhiều lợi thế. Các chàng trai trẻ mang theo niềm phấn khích ra trận nhưng rồi khi bom đạn rơi, những người lính bị thương nằm la liệt và cả xác chết nằm lăn lóc ở chiến trường, họ bắt đầu run sợ.

ptkcgl-vb10.jpeg
Sự u ám, lạnh lẽo của chiến trường...
ptkcgl-vb7.jpeg
... đã làm tê liệt Paul

Nhưng họ không có đường lui. Các sĩ quan bắt họ cầm súng hướng về kẻ thù hoặc thu gom xác chết. Nơi chiến hào ngập nước, các chàng trai trẻ đối mặt với thực tế nghiệt ngã, có người đã sợ hãi và muốn được quay về nhà, bởi họ sợ chết.

Ở chiến trường, họ chỉ có lựa chọn: giết hoặc bị giết. Nhưng Paul lại thống khổ hơn khi phải chứng kiến đồng đội thân cận lần lượt bỏ mạng.

Và trong cơn mưa bom đạn, Paul như một phản xạ vô thức đã giết người lính bên kia chiến tuyến để anh được sống. Nhưng ngay sau đó, anh thất thần nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh. Chứng kiến người lính kia hấp hối, Paul tìm cách giúp anh ta kéo dài sự sống trong vô ích. Và anh phát hiện chàng lính kia đã có vợ con trong giấy tờ mang theo bên người, Paul thẫn thờ nhận ra sự man rợ của anh.

ptkcgl-vb3.jpeg
Phim có những chuyển cảnh khá tinh tế

“Ít ra họ bình yên – khi đã chết”, Paul đau đớn nói với Kat, một trung uý rất thân thiết với anh. Kat, một kẻ dày dạn kinh nghiệm nơi chiến trường dù không biết chữ, đã khuyên chàng lính trẻ: “Ta còn sống. Mọi thứ ở đây như một cơn sốt. Không ai muốn nhưng đột nhiên nó đến. Ta không muốn. Người khác không muốn. Vậy mà ta ở đây. Nửa thế giới đang ở đây. Và Chúa luôn dõi theo khi ta tàn sát lẫn nhau. Ta là đôi ủng với súng trường”.

ptkcgl-vb4.jpeg
Paul được Kat giúp đỡ trên chiến trường

Và khi chứng kiến đồng đội lần lượt bỏ mạng, Paul chán ghét tất thảy. Khi nghe tin sắp đình chiến, anh không tỏ ra vui mừng nhưng cũng không thất vọng khi Đại tướng Friedrichs muốn họ quay lại chiến trường để chiến đấu.

Paul cay đắng nhận ra khi mẹ anh phản đối con trai gia nhập quân đội bởi “cuộc chiến không dành cho con”, nhưng anh đã cố cãi lời bà chỉ vì muốn chứng minh điều ngược lại. Nhưng khi nhận ra mẹ anh đã đúng thế nào, anh không có quyền được quay lại.

ptkcgl-vb2.jpeg
Vẻ mặt đờ đẫn của Paul khi nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh

Rồi cuối cùng Paul cũng ngã xuống, nhưng gương mặt ấy bình thản biết bao, dường như anh chấp nhận và chờ đón cái chết của bản thân để kết thúc sự vô nghĩa, chán ghét mà chiến tranh mang đến. Và cuối phim, người ta đưa ra số liệu: Chiến sự vào tháng 10/1914, mặt trận phía Tây bị kèm kẹp trong hầm hào. Vào cuối cuộc chiến 11/1918, tuyến tiền tuyến gần như không di chuyển. Hơn 3 triệu binh sĩ đã tử trận ở đây. Hơn 17 triệu người chết trong Thế chiến thứ 1.

Màu xám bao trùm Phía Tây không có gì lạ như phơi bày sự u ám, lạnh lẽo và chết chóc của chiến tranh. Sự ngột ngạt của chiến trường không khác gì cuộc thương lượng của Đức – Pháp, cũng căng thẳng, tù túng. Ngay cả khi cuộc giao tranh chấm dứt, bom đạn không còn rơi nhưng phía Tây không có sự yên bình.

ptkcgl-vb9.jpeg
ptkcgl-vb5.jpg
Chiến tranh lấy đi toàn bộ con người Paul, chứ không chỉ mạng sống

Những người lính khi nghe tin đình chiến, họ biết sắp trở về nhà, sắp được gặp gia đình. Nhưng liệu đó có phải tin vui? Tjaden Stackfleet đã chết bên cạnh Paul bởi anh không muốn làm kẻ tàn phế khi trở về nhà.

Nỗi sợ hãi cái chết của những chàng lính trẻ được nguôi ngoai phần nào khi họ bắt gặp các cô gái Pháp, họ mang theo hương thơm của phụ nữ trên chiếc quần lót lấy được rồi chuyền tay nhau mỗi đêm và cười giòn tan. Đó cũng là niềm hạnh phúc hiếm hoi các chàng trai có được. Những mơ mộng ấy dù thoáng qua, cũng giúp họ nếm được chút gia vị của tình yêu.

Bối cảnh phim phần lớn ở các chiến hào và những cánh đồng hoặc trên bàn đàm phán nhưng tất cả đều có màu sắc lạnh lẽo, khơi gợi sự tàn khốc của chiến tranh. Dựng phim là một điểm cộng khi thường chuyển cảnh một cách đột ngột, khó đoán và lồng ghép ẩn ý đầy tinh tế.

Trên trang IMDb, phim được chấm 7.9 điểm còn trên Rotten Tomatoes, bộ phim nhận được 93%.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Phía Tây không có gì lạ’: Nỗi đau chiến tranh sâu hoắm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO