Phát huy giá trị, khơi dậy tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững hơn

28/10/2021 12:57

Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng, đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam học cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và hậu dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi dự khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI, sáng 28/10, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.

Phó Thủ tướng khẳng định những đóng góp quan trọng từ kết quả nghiên cứu Việt Nam học, các hội thảo quốc tế Việt Nam học rất đáng trân trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.

Các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam như công trình nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, biên soạn các bộ Bách khoa thư, Quốc sử, Quốc chí... đã và đang được triển khai trong những năm gần đây, cũng cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu Việt Nam học với nghiên cứu khoa học của Việt Nam nói chung.

Các nhà nghiên cứu về Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về các kết quả nghiên cứu đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam, vào tăng cường tình đoàn kết, chung tay xây dựng khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động rất sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới; đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Thế giới hôm nay trở nên rất khác so với trước khi đại dịch xuất hiện. Vaccine ngừa COVID-19 có thể được coi là vũ khí quan trọng để đẩy lùi đại dịch, nhưng ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chúng ta cũng không thể quay trở lại như trước đây.

Tất cả các quốc gia, nền kinh tế đều phải chung tay vượt qua đại dịch, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Thế giới hậu COVID-19 đòi hỏi phải có những cách thức vận hành mới. Nền kinh tế toàn cầu sẽ được tái cơ cấu mạnh mẽ. Xu hướng đa cực sẽ tiếp tục trở nên sâu sắc hơn với yếu tố vaccine và năng lực kiểm soát dịch bệnh. Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và các nguồn lực phòng, chống dịch sẽ làm gia tăng khoảng cách và cả nhận thức chung trong nhiều vấn đề quốc tế.

Ở chiều hướng tích cực, các thách thức về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu sẽ được cải thiện một phần nhờ sự xuất hiện những nhận thức, quan niệm mới về giá trị sống, về nền kinh tế xanh, về sự phát triển bền vững hay tiến trình chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

“Nhưng tất cả không thể thay đổi được bản chất là các đại dịch là ‘kẻ thù’ chung của nhân loại, hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để ‘kẻ thù’ ngày mai không thể gây ra tổn thất lớn, nhiều như hôm nay, hôm qua. Đây không chỉ là đầu bài của khoa học về y tế, về sức khoẻ, hay khoa học công nghệ, mà của cả nền khoa học nói chung”, Phó Thủ tướng nói.

Các kỳ hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn nhất quán mục tiêu vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của cả khu vực và thế giới. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ở Việt Nam, tới hôm nay, đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và tiếp tục tăng trưởng. Những kết quả trong cuộc chiến chống COVID-19 có được từ một hệ thống chính trị ổn định và vì dân; từ sự đồng lòng, chung sức của toàn dân quyết tâm vượt qua đại dịch.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp khắp thế giới, nhận thức rõ những nguy cơ và khả năng thực tế của quốc gia, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo toàn dân tổ chức phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.

Phó Thủ tướng tin tưởng: “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song Việt Nam cũng như thế giới sẽ đẩy lùi đại dịch và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục phát triển năng động và ngày càng bền vững”.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Đặc biệt yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung của “nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong các cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức đã và đang diễn ra ở rất nhiều nơi.

Bên cạnh lĩnh vực văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và hậu dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu. Qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các nhà khoa học, trưởng Tiểu ban trong Hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, đã có những cống hiến khoa học rất quan trọng, ý nghĩa trong nghiên cứu về Việt Nam.

Các hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là cơ hội quý báu để tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác khu vực và quốc tế; cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công, cùng nhau giải quyết những vấn đề chung của đất nước và nhân loại và góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc.

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Các báo cáo thể hiện trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,…

Bên lề hội thảo còn có Diễn đàn khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng” nhằm đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như những thành tựu đạt được trong giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam học hiện nay.

Kể từ lần đầu tổ chức vào năm 1998, các kỳ hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn nhất quán mục tiêu nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của cả khu vực và thế giới.

Đình Nam

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Phát huy giá trị, khơi dậy tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững hơn
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO