Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống

Hoàng Giang (Báo Quảng Ninh)| 24/08/2021 08:48

Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, nhằm đáp ứng sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng chính đáng của nhân dân. Qua đó, cũng góp phần thực hiện nếp sống văn minh theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước.

Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống - 1

Lãnh đạo UBND phường Trà Cổ (TP Móng Cái) đánh trống khai hội đình Trà Cổ năm 2021.

Vào dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch hằng năm, người dân phường Trà Cổ (TP Móng Cái) nói riêng và du khách thập phương lại náo nức hướng về lễ hội đình Trà Cổ - một trong những Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh. Sự đặc sắc của lễ hội này đến từ nét văn hóa truyền thống đậm nét của vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, cũng là vùng biên giới với ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vững vàng qua nhiều thế hệ.

Đến nay, mái đình cổ vẫn được bảo tồn với nhiều hiện vật có giá trị được lưu giữ. Từ các nghi lễ truyền thống trang trọng cho tới phần hội được duy trì tổ chức theo đúng lệ xưa, như rước kiệu nghênh thần, thi "Ông Voi"... trở thành điểm nhấn của cả mùa lễ hội đình.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội đình Trà Cổ, những năm qua, TP Móng Cái đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng giá trị di tích, khẳng định những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu của đình Trà Cổ trong nhân dân và du khách; tu bổ, tôn tạo đình và các công trình phụ trợ.

Đặc biệt, siết chặt quản lý các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, không để xuất hiện những hiện tượng thiếu lành mạnh (cờ bạc, cá cược, nâng giá dịch vụ tùy tiện, chèo kéo bói toán mê tín dị đoan...) làm ảnh hưởng tới bản sắc của tín ngưỡng lâu đời. Nhờ đó, lễ hội đình Trà Cổ hằng năm được diễn ra an toàn, bảo đảm nền tảng truyền thống trong bối cảnh xã hội đương đại, nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và du khách.

Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống - 2

Lễ rước kiệu nghênh thần tại lễ hội đình Trà Cổ năm 2021.

Cùng với lễ hội đình Trà Cổ, toàn tỉnh hiện có tới gần 360 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 6 di sản cấp quốc gia (lễ hội Tiên Công, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội truyền thống đình Trà Cổ, lễ hội truyền thống đình Quan Lạn, hát nhà tơ - hát múa cửa đình và hát then) cùng 76 lễ hội dân gian khác. Mỗi lễ hội truyền thống được tổ chức là dịp để nâng cao, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của nhân dân tại địa phương. Bởi vừa có văn hóa tín ngưỡng (những nghi thức, nghi lễ cúng kiếng, bái vọng...), vừa có những hoạt động gặp gỡ, giao lưu, vui chơi giải trí, văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao giúp các gia đình, làng xóm thêm vui tươi, gắn kết.

Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống - 3

Chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử tại Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (TX Quảng Yên) năm 2021. Ảnh: Phan Hằng

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội luôn tiềm ẩn những tình trạng biến tướng, mất đi những giá trị truyền thống. Do đó, quản lý nhà nước có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo các lễ hội truyền thống luôn phát huy được giá trị văn hóa. Những năm qua, UBND tỉnh giao Sở VH&TT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm; ngăn chặn hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu manh, kinh doanh văn hoá phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và ban tổ chức lễ hội trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn theo đúng kế hoạch và chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từng hoạt động trong khuôn khổ lễ hội phải đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá dân tộc, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, giao Sở VH&TT chủ trì tham mưu xây dựng Đề án, đặt mục tiêu là đảm bảo sức sống của di sản, lễ hội, bao gồm việc tư liệu hóa, số hóa, truyền dạy và thực hành nhằm bảo tồn lễ hội, đồng thời lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh...

Ngày 29/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Về tổ chức lễ hội, Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam…

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO