Phát hiện mình ung thư khi mang thai có nguy hiểm?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 04/05/2022 15:03

Đang trong quá trình mang thai, một số sản phụ phát hiện mình mắc phải ung thư, điều này có ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé không?

ung-thu-co-tu-cung-khi-dang-mang-thai.jpeg
Phụ nữ bị ung thư khi mang thai nên bình tĩnh điều trị và lắng nghe ý kiến bác sĩ - Ảnh: Internet

 “Ung thư ập đến quá nhanh”

Tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt – Pháp – châu Á Thái Bình Dương, do Bệnh viện Từ Dũ và Khoa Y thuộc Đại học Paris Descartes (Pháp) tổ chức tại TP HCM đã đưa ra số liệu rằng các nghiên cứu cho thấy ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai.

Các khảo sát cho thấy cứ 10.000 thai phụ thì có 1 đến 10 người bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung trong thai kỳ; trong khi đó ung thư vú được xác định chiếm khoảng 39% các ca thai phụ bị ung thư.

Mang bầu được 3 tháng rưỡi chị P.Q. (quận 9 cũ) đi khám thai phát hiện mình có một khối u nang buồng trứng phải và bác sĩ yêu cầu chị Q. nhập viện để điều trị.

Giữ bình tĩnh chị Q. đến nhập viện tại TP.HCM, do phát hiện sớm nên chị được phẫu thuật cắt buồng trứng phải thành công nhưng không may mắn thay kết quả giải phẫu bệnh lại là “ung thư buồng trứng”. Chị lại tiếp tục chiến đấu với ung thư và cả việc nuôi con nhỏ đang mang trong bụng.

Khối u tiếp tục tái phát to dần tuy mang bầu một đứa nhưng chị Q. cứ nghĩ mình mang thai hai đứa trẻ. Cuộc phẫu thuật tiếp tục được tạm hoãn vì chị Q. quyết tâm giữ con mình lại, bé chào đời chị mới tiếp tục điều trị. Nhờ vào sự kiên trì, cố gắng cuối cùng chị Q. cũng hạ sinh an toàn, là một 1 bé trai cân nặng 2500gram trong khi chị phải gánh khối u tái phát trong thai kì.

Trải qua được cửa tử thần thứ nhất, chị Q. phải tiếp tục chiến đấu với ung thư mà ngay cả đôi lúc bản thân chị nghĩ mình sẽ không còn cơ hội sống. Nhờ vào động lực là gia đình và nghị lực phi thường chị Q. đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật trong vòng 5 tháng để bóc tách thành công khối bướu to trên 20cm đã di căn đến vùng xương chậu.

Trong quá trình điều trị, theo chị Q. ngoài việc phải dựa vào nghị lực của chính bản thân mình trong suốt quá trình điều chị ung thư phải có niềm tin đặc biệt vào các y bác sĩ, sau đó phải giữ cho mình một tâm lý ổn định, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho chính bản thân mình để không ảnh hưởng đến cháu bé.

luu-y-khi-mang-thai-thang-dau-01.jpeg
Khi phát hiện mình bị ung thư phụ nữ nên cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi con - Ảnh: Internet

Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sĩ

Lời khuyên chung của các bác sĩ là thai phụ phải thật bình tĩnh sau khi nhận được "tin dữ" là mình bị ung thư. Hãy bàn bạc kỹ lưỡng với bác sĩ, vì bác sĩ sẽ tìm mọi cách để bạn giữ con, hạn chế độc tính lên thai nhi khi điều trị và bảo toàn tính mạng của mẹ.

Trong tình huống bệnh quá nặng, bắt buộc điều trị ngay hoặc cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ để điều trị, không nên né tránh bởi nếu mẹ bị đánh bại ở căn bệnh thì con cũng nguy.

GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết tỉ lệ phụ nữ mắc ung thư trong thai kì rất hiếm gặp. Theo số liệu trên thế giới thì cứ 3.000 người mang thai thì chỉ có 1 người mắc ung thư trong thai kì. Những loại ung thư thường mắc chủ yếu ở những phụ nữ có thai như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư hạch...

Theo những nghiên cứu lớn từ trước đến nay người ta thấy rằng khi mắc ung thư trong thai kì hình như thai nhi không ảnh hưởng tới ung thư của người mẹ.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm khi mang thai cơ thể người phụ nữ xảy ra nhiều thay đổi dẫn đến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là những thay đổi do mang thai tạo nên như ngực to dần, chân tay phù… Do vậy việc phát hiện ra ung thư gặp nhiều khó khăn và thường phát hiện ở giai đoạn không sớm.

Khi phát hiện mình bị ung thư trong thai kì điều quan trọng nhất là người mẹ nên giữ bình tĩnh lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa. Tùy từng giai đoạn bệnh sẽ có phác đồ điều trị tuy nhiên khả năng giữ tính mạng cho cả mẹ và con luôn luôn cao.

Về phần tâm lý đa phần phụ nữ thường có tâm lý “hoảng sợ quá đáng” điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Tất cả những gì mẹ làm đều ảnh hưởng đến thai nhi chính vì vậy không được hoảng sợ và nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

Sau đó mẹ nên cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi con. Đặc biệt là phải ngủ đủ tối đa là 7 tiếng/ngày, chú ý tập thể dục vận động những môn thể thao nhẹ nhàng và phải giữ cho tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ. “Ăn cho lành, ngủ cho đủ, tập cho đều và sống cho vui”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết khi người phụ nữ mang thai bị ung thư thì tinh thần hoảng loạn, hoang mang lo sợ, sợ chết, sợ chồng bỏ, sợ gia đình xa lánh, sợ con không giữ được... làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể làm bệnh diễn tiến nặng nề hơn và ảnh hưởng đến bào thai làm thai suy, sẩy thai, sanh non..

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống còn của phụ nữ mang thai bị ung thư cũng tương tự như những phụ nữ không mang thai mắc bệnh tương tự. Hiện nay tỷ lệ thai sống ngày càng tăng do những tiến bộ của y học. Việc điều trị ung thư trong thai kỳ là khả thi và nên được tiến hành với một sự thận trọng nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và thai.

Các phác đồ điều trị không thể áp dụng triệt để trên bệnh nhân mang thai vì ảnh hưởng đến bào thai như hoá trị, xạ trị ngay cả phẫu trị. Vì vậy không kìm hãm tốc độ phát triển của tế bào ung thư trong thai kỳ. Người mẹ phải trao đổi chi tiết với bác sĩ về bệnh của mình, tránh tình trạng mơ hồ về tiên lượng và phương pháp điều trị dẫn đến lo lắng không cần thiết.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo nên đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, đặc biệt tầm soát những bệnh lý ung thư phụ khoa như ung thư vú, ung thư phụ khoa. Nếu phát hiện có bệnh lý liên quan đến phụ khoa cần điều trị tốt trước khi mang thai. Nếu bệnh lý ác tính ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì phải tham khảo các phương pháp tích trữ trứng để bảo vệ khả năng sinh sản.

Việc khám sức khỏe định kỳ cũng như khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Phụ nữ nên đi tầm soát các bệnh ung thư thường gặp của giới nữ trong độ tuổi sinh sản như ung thư vú, ung thư cổ tử cung…đồng thời với việc duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh và tập luyện đều đặn để luôn có sức khỏe tốt, ngừa các bệnh lý ung thư. Luôn nhớ đi khám tại các trung tâm y tế có uy tín để được tư vấn đúng đắn nhất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện mình ung thư khi mang thai có nguy hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO