Xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Vì văn bản Bộ Công Thương chúng tôi phải hầu tòa

14/04/2021 19:00

Bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên cho rằng vì văn bản của Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục dự án nên hôm nay các bị cáo mới phải đứng trước toà.

Sáng 14/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn đối với 19 bị cáo cùng những người tham gia tố tụng khác trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Trong phần xét hỏi sáng nay, khi luật sư hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc giới thiệu nhà thầu VINAINCON, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, văn bản của Bộ gửi đến TISCO không chỉ giới thiệu VINAINCON mà còn thúc ép tiến độ thực hiện dự án. "Đó chỉ là văn bản giới thiệu, còn quyền quyết định là ở TISCO, VNS", đại diện Bộ Công Thương đáp.

Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đặng Văn Tập (cựu Phó giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO) khai rằng, đơn vị này nhận được thông báo của Thứ tưởng Bộ Công Thương từ chủ đầu tư và không nói đến việc dừng dự án.

"Chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này nên chúng tôi mới phải đứng trước toà ngày hôm nay", bị cáo Tập trình bày.

Xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Vì văn bản Bộ Công Thương chúng tôi phải hầu tòa - 1

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo ông Tập, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tiếp tục dự án, TISCO phải ký hợp đồng với nhà thầu VINAINCON. Một thời gian sau, VINAINCON thực hiện yếu kém nên TISCO có văn bản gửi nhiều nơi, trong đó có Bộ Công Thương. Tuy nhiên, VINAINCON cũng chỉ thi công một số hạng mục rồi dừng.

Khi VINAINCON không thực hiện hợp đồng, từ tháng 3/2010, TISCO có văn bản gửi lên Bộ Công Thương và sau 12 tháng mới có thêm nhà thầu phụ. "Việc lựa chọn các nhà thầu phụ là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công", bị cáo Tập cho hay.

Theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 do Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.

Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá.

Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.

Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không đổi giá trị) sang hợp đồng theo đơn giá (giá hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.

Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay gây thiệt hại 830 tỷ đồng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Vì văn bản Bộ Công Thương chúng tôi phải hầu tòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO