Xử phạt người không đeo khẩu trang khi ngồi trong xe ô tô có đúng luật?

Minh An (t/h)| 07/06/2021 16:48

Việt BáoVừa quan trên mạng xã hội xuất hiện clip một người đi ô tô bị ra hiệu xuống xe và lập biên bản vì ngồi trong xe ô tô không đeo khẩu trang.

Clip này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đa số cho rằng ngồi trong ô tô là không gian riêng nên việc xử phạt đeo khẩu trang là không hợp lý.

Vậy, cụ thể Luật quy định về các biện pháp phòng chống dịch và chế tài cho người vi phạm thế nào? Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì các biện pháp bảo vệ cá nhân được xem là một trong các biện pháp chống dịch, cụ thể điểm a khoản 1 Điều 51 Luật này quy định người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân là trang bị bảo vệ cá nhân.

Khoản 1 Điều 7 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Điều 8 Luật này nghiêm cấm hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

“Hiện nay Ban chỉ đạo chống dịch đã quy định mọi người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng tránh việc lây lan bệnh truyền nhiễm. Do đó hành vi không thực hiện, không chấp hành chỉ đạo của ban chỉ đạo chống dịch là hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Trần Thị Thanh Lam nói.

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà có thể xử phạt vi phạm hành chính, hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm với hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể tại điểm a, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (Trước đây Nghị định 176/2013/NĐ-CP có mức phạt với hành vi này là từ 100.000-300.000 đồng).

Ngồi trong xe cá nhân có bắt buộc đeo khẩu trang?

Trên cơ sở quy định chung này thì từng địa phương sẽ có những hướng dẫn phòng chống dịch và quy định xử phạt hành vi vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể với tình hình dịch bệnh cụ thể. Hiện nay tại một số địa phương có dịch Covid-19 đều ban hành các quy định cấm tụ tập đông người hoặc ra đường phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, những nơi đông người.

Xử phạt người không đeo khẩu trang khi ngồi trong xe ô tô có đúng luật?-1
Ảnh minh họa

Thậm chí có một số địa phương tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh thực tế mà có thể ban hành các thông báo tạm dừng một số hoạt động dịch vụ hoặc cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng.

Do đó, nếu phương tiện xe di chuyển qua vùng có dịch thì người trên xe phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch của địa phương đó, trong đó có việc đeo khẩu trang. Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương mà các địa phương sẽ quy định phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc khi tiếp xúc gần với người khác.

Thực tế thì nơi công cộng có thể hiểu là những nơi có nhiều người qua lại, là không gian công cộng mà người dân có thể tu họp, như siêu thị, chợ, công viên, đường phố, sân vận động, rạp chiếu phim,…Với những nơi này thì người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Còn đối với không gian trong ô tô cá nhân, nếu trên xe có từ 02 người trở lên; hoặc trên xe chỉ có một người nhưng đó là xe taxi, xe vận chuyển khách nơi bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người hoặc khi mở cửa xe ô tô để tiếp xúc với người khác thì cũng phải đeo khẩu trang. Chỉ trường hợp khi trên xe ô tô chỉ có một người là người lái xe, không kéo kính xe lên và không mở trần xe và xe đó không phải là xe vận chuyển khách thì có thể không cần phải đeo khẩu trang”, Luật sư Trần Thị Thanh Lam nói.

Tuy nhiên tùy từng phương án, tính chất chống dịch của từng địa bàn mà quy định về việc đeo khẩu trang với người ngồi trên xe ô tô khi không chở người khác.

Với những địa phương đang là ổ dịch, tâm dịch thì có địa phương quy định phải đeo khẩu trang trong mọi trường hợp khi đã ra khỏi nhà, tham gia giao thông, nghĩa là kể cả trường hợp khi chỉ có một mình ngồi trên xe ô tô cá nhân chứ không phải di chuyển bằng phương tiện công cộng hay di chuyển bằng dịch vụ vận chuyển đông người thì cũng phải đeo khẩu trang.

Có thể hiểu mục đích đeo khẩu trang là để không bắn giọt bắn vào người khác. Nếu trong ô tô có hơn 01 người hoặc xe dùng để vận chuyển khách thì việc đeo khẩu trang là cần thiết để bảo vệ những người xung quanh. Tuy nhiên trong trường hợp trên xe ô tô chỉ có một người, không phải xe vận chuyển khách, mà cửa xe đã đóng kín và không mở trần xe thì không cần thiết phải đeo khẩu trang. “Chỉ với vùng mà dịch bệnh phức tạp và nguy cơ có thể lây nhiễm qua đường không khí thì nếu ngồi trong xe một mình mà mở cửa xe thì vẫn phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Việc xử phạt hành vi không đeo khẩu trang khi chỉ có một người trên xe ô tô cần phải xét theo các trường hợp cụ thể và yêu cầu cụ thể của từng địa phương, tránh trường hợp xử phạt một cách máy móc”, luật sư Lam nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt người không đeo khẩu trang khi ngồi trong xe ô tô có đúng luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO