Phạm Xuân Ẩn – Một người Việt trầm lặng

First News| 29/04/2022 11:00

Xứ Đông Pháp - tên gọi của bán đảo Đông Dương thời Pháp thuộc vẫn do toàn quyền Jean Decoux cai trị nhưng quân Nhật đã có mặt khắp nơi. Cậu bé Phạm Xuân Ẩn cũng như những đứa trẻ khác thời đó trong các buổi chào cờ ba sắc trước chân dung phóng to người đứng đầu chính phủ Vichy phải cất cao giọng hát: “Thưa Thống chế! Có chúng tôi!”.

Năm 1945, ở tuổi 18, Ẩn chứng kiến những sự kiện rung chuyển thời cuộc Đông Dương: quân đội Nhật Bản tước vũ khí các trại quân Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thuộc địa. Lính Pháp bị bắt làm tù binh, thường dân Pháp bị làm nhục. Ngày 2 tháng Chín, cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập trước hàng vạn người ở quảng trường Ba Đình.

mot-nguoi-viet-tram-lang.jpg

Đối với một thanh niên mới lớn, thật khó có thể tưởng tượng một bầu không khí nào đảo lộn hơn thế! Các ông chủ Pháp bị nhốt vào trại giam hay ở nơi công cộng. Trật tự được người Pháp duy trì một cách giả tạo, phút chốc sụp đổ tan tành. Cử chỉ hung hãn vô kỷ luật của lính Nhật Bản chỉ gây nên sự ngờ vực của dân chúng đối với hứa hẹn trao trả độc lập. Việc trưng thu thóc đã gây nên nạn đói ở miền Bắc. Trên ghế nhà trường, người ta chỉ nói đến chính trị thay vì lắng nghe lời thầy giáo giảng bài.

Tuổi thơ của Phạm Xuân Ẩn, ngay từ đầu đã khác thường. Ông sinh tháng Chín năm 1927 tại “nhà thương điên” Biên Hòa. Vì ở cái thị trấn nhỏ bé nơi cư trú của cha mẹ ông thời đó chỉ có mỗi một bệnh xá đặt tại cơ sở chăm sóc người bệnh tâm thần là có phòng hộ sinh. Như một linh tính, ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Ẩn, có nghĩa là ẩn giấu, “bí ẩn”. Ông ra đời ba năm trước khi Đảng Cộng sản thành lập trong bí mật, sự kiện đánh dấu một trong những giai đoạn quyết định trong việc thức tỉnh tinh thần dân tộc ở Việt Nam. Tuy gia đình không sung túc gì nhưng cũng cố cho con một nền giáo dục vững chắc.

bo-sach-30.4.jpg

Lớn lên, ông đã trở thành một chiến sĩ cách mạng. Trong lúc những sự kiện trọng đại làm rung chuyển Việt Nam, Ẩn tiếp cận với thực tế của một đất nước vừa ra khỏi 85 năm thuộc địa của Pháp. Ông đã trải qua cuộc sống khổ cực của người nông dân, trong đó 80% là thành phần thất học, đã tận mắt chứng kiến thái độ ngạo mạn của những đứa trẻ con cái thực dân Pháp và sự bất công xã hội đối với người Việt Nam. Nhưng ông cũng biết rõ cái “vỏ kén lớn” của gia đình Việt Nam. Mỗi khi nghĩ đến nó, ông nhắc đến những “nghịch lý” - những điều trái ngược đã hình thành nên nhân cách mình. Như ông nói, điều này về sau đã giúp ông kết hợp nghề làm báo với tình báo không khó khăn lắm. Trong khi phải sống trong hai lĩnh vực đối chọi nhau như thế, ông sẽ làm cho công việc tiến triển dễ dàng hơn trong hai thế giới khác nhau.

Ông không thấy vất vả khi phải làm chủ cuộc rèn luyện này. Đột ngột chuyển từ văn phòng nơi các nhà báo nước ngoài, thường trẻ tuổi, vừa ăn nói vui đùa thả cửa vừa trao đổi tin tức và những lập luận trừu tượng, đến một lĩnh vực hoạt động trong bóng tối mà một bước đi sai, một lời nói quá có thể mất mạng như chơi. Nơi đây, ông phải phân tích, tổng hợp các thông tin thu lượm được trước khi đưa ra một nhận định khái quát hoặc đề xuất một chủ trương đối phó.

vietbao.jpg

Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động bí mật cho đến ngày chiến thắng vì ông có nhiều cách đề phòng tối đa. Phạm Xuân Ẩn đã đạt tới mục đích của ông: người nước ngoài đã mất hết mọi quyền lực. Công việc của ông, nhất là trong mười lăm năm cuối cùng đã hoàn toàn thắng lợi. Ba mươi năm sau, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế phô-tơi trong phòng khách nhà mình, ông nói về công việc của bản thân với một giọng đầy chiêm nghiệm: “Tôi làm việc một mình, không những thu thập tài liệu, bí mật cũng như công khai, mà tôi còn phải phân tích chúng. Áp lực của Hà Nội là lớn vì cấp trên muốn bảo đảm đó phải là những tài liệu xác thực. Cung cấp cho họ chứng cứ vừa khó lại vừa nguy hiểm. Ba trăm trang tài liệu gói gọn trong mười cuộn phim phải chụp, in tráng và làm sao gửi được đến nơi nhận. Thực sự là chúng tôi thiếu điệp viên”.

Chắc chắn ông không phải chỉ là “mắt xích đơn giản”. Ông làm việc một mình, không có lưới che chắn, trong một thế giới không được cấp trên biết đến. Ông phải tự mình tổ chức một hệ thống bảo vệ, cung cấp tin và đối thoại với ông. Ngay cả với bạn bè gần gũi nhất, ông cũng phải hành động hết sức thận trọng, lượm lặt những nhận xét của họ, nhờ vào sự thông minh của họ.

Ông tổ chức lưới của ông như thế nào để có thể đột nhập vào các tài liệu tuyệt mật, dù là kế hoạch tác chiến hay hỏi cung tù binh? Về cách thu thập tài liệu thực tế, ông không bao giờ nói đến, sợ rằng - theo cách ông nói - có thể gây nguy hiểm cho tính mệnh người cung cấp ngay cả đến tận bây giờ. Ông đã từ chối nhiều giao thông viên do cấp trên đề nghị để chọn một phụ nữ can đảm mà ông khâm phục vô bờ bến. Ngoài mẹ và người vợ ông cưới năm 1962, người nữ giao liên gan dạ ấy là người duy nhất có thể gặp ông.

Trích sách Một người Việt trầm lặng.

Mua sách tại đây: https://bit.ly/motnguoiviettramlang-fhs

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phạm Xuân Ẩn – Một người Việt trầm lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO