Phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự

16/08/2022 16:32

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu đặt ra của Luật Phòng thủ dân sự khi được ban hành là "phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự mà các luật chuyên ngành chưa có quy định".

Phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mạnh yêu cầu đặt ra của luật này khi được ban hành là phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự mà các luật chuyên ngành chưa có quy định - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 16/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Việc xây dựng đạo luật về PTDS là rất cần thiết

TIN LIÊN QUAN
  • Chương trình Công tác của BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia đến năm 2025

    Chương trình Công tác của BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia đến năm 2025

  • Đề xuất xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

    Đề xuất xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

  • Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

    Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

  • Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

    Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòngcho biết phòng thủ dân sự (PTDS) là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân (Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018).

Phòng thủ dân sự bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm qua, công tác PTDS từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Cụ thể hóa quy định về PTDS trong Luật Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2/1/2019 về phòng thủ dân sự. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động PTDS thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về PTDS, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ việc xây dựng đạo luật về PTDS là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hơn về hoạt động PTDS.

Việc xây dựng đạo luật về PTDS nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật, bao quát các quy định pháp lý về PTDS nâng thành một đạo luật để áp dụng thống nhất. Thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra…

"Việc xây dựng Luật PTDS của Việt Nam đã chín muồi và rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu.

Dự thảo Luật PTDS hiện được bố cục thành 7 chương, 75 điều quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự  - Ảnh 2.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định việc xây dựng Luật PTDS của Việt Nam đã chín muồi và rất cần thiết - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới khẳng định Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng PTDS là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng do liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, với sự tham gia của mọi người dân.

Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của tình hình thế giới, khu vực thì việc ban hành luật này là cần thiết. Tuy nhiên, ông Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ các căn cứ và làm rõ thêm về sự cần thiết phải ban hành Luật PTDS.

Thường trực UBQPAN cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã cơ bản bao quát các nội dung PTDS, nhưng đề nghị cần bám sát quy định PTDS tại Điều 13 Luật Quốc phòng

Có ý kiến cho rằng, luật này chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng trở lên, vì các trường hợp thông thường đã có các luật chuyên ngành quy định; ý kiến khác đề nghị sửa tên Luật là "Luật Phòng vệ dân sự", vì "phòng thủ" gắn với chiến tranh, quân sự hoặc sửa thành "Luật Phòng, chống thảm họa, sự cố do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và PTDS".

Thường trực UBQPAN cho rằng việc xác định phạm vi điều chỉnh rất quan trọng, nên đề nghị nghiên cứu, làm rõ để xây dựng PTDS là một bộ phận của phòng thủ đất nước, không chồng lấn sang phạm vi của các luật chuyên ngành.

Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực UBQPAN nhấn mạnh, hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định.

"Thường trực UBQPAN tán thành việc xây dựng Luật và nhận thấy dự án Luật có phạm vi nội dung liên quan đến nhiều luật, pháp lệnh, bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ thêm các ý kiến tham gia, trong đó cần phải làm rõ được phạm vi điều chỉnh và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp hoàn chỉnh dự án Luật, trình UBQPAN thẩm tra chính thức, báo cáo UBTVQH và Quốc hội", ông Lê Tấn Tới phát biểu.

Phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự  - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng luật được xây dựng phải khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về PTDS.

Việc xây dựng luật cần hết sức quan tâm tới tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về PTDS đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp, đồng thời bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về PTDS đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động PTDS của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các ý kiến thảo luận khẳng định dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan nhưng còn có nhiều nội dung chưa thống nhất với các luật chuyên ngành. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, luật hóa những quy định đang thực hiện ổn định cũng như rà soát các điều ước quốc tế có liên quan, làm rõ những điều ước áp dụng trực tiếp hoặc cần luật hóa.

Nhấn mạnh nội dung dự thảo Luật rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có các luật khác điều chỉnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm về PTDS và cần tiếp tục rà soát kỹ, làm rõ hơn giới hạn phạm vi của luật; xác định rõ các "điểm trống" pháp lý để xây dựng các quy định phù hợp, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng khái niệm về PTDS đã được nêu trong Luật Quốc phòng, song "với một dự luật khó như thế này, có sự liên quan, giao thoa với rất nhiều luật chuyên ngành khác thì khái niệm PTDS vẫn phải được giải thích cụ thể ngay trong luật".

Đồng quan điểm về việc cần làm rõ khái niệm, nội hàm về PTDS, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan chủ trì chú ý đến tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của dự án Luật PTDS trong hệ thống pháp luật nói chung, cùng với đó, làm rõ hơn giới hạn phạm vi của Luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đặt ra của Luật này khi được ban hành là phải lấp được các khoảng trống pháp lý về PTDS mà các luật chuyên ngành chưa có quy định.

Nguyễn Hoàng


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Phải lấp được các khoảng trống pháp lý về phòng thủ dân sự
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO