Ông bà bênh chằm chặp, con coi lời mẹ dạy như 'gió lùa qua tai'

Tuệ Nhi| 17/02/2023 17:01

Chị Thiện bực mình mắng con thì ông bà lại bênh chằm chặp và lấy bánh ngọt để dỗ dành cháu. Cuối cùng, người lớn tranh luận nảy lửa còn Cún thì cười đùa ăn bánh đầy khoái chí.

Ông bà bênh cháu chằm chặp mặc kệ đúng sai

Theo lời chị Thiện (32 tuổi, Hà Tĩnh), do ông bà quá nuông chiều nên Cún (tên ở nhà của con trai chị Thiện) trở nên vòi vĩnh và "cứng đầu", khó bảo. Mọi việc bắt đầu vào kỳ nghỉ hè, khi chị gửi con cho ông bà nội để đi làm.

Công việc bận rộn khiến chị phải rời khỏi nhà vào tờ mờ sáng và trở về khi đèn đường đã tỏ. Bởi thế, hầu như chuyện ăn uống và sinh hoạt của cậu con trai 7 tuổi đều do ông bà phụ trách. Lúc chị về nhà thì con đã say giấc.

Chị khá sốc trong một lần tan làm sớm, chứng kiến cảnh con trai "dán mắt" vào tivi còn ông bà thì thay nhau đút cơm, mặc dù trước đó, cậu bé đã có thể tự lập chuyện ăn uống. Khó chịu trong lòng, chị gọi con ra và phạt úp mặt vào tường.

Ông bà bênh chằm chặp, con coi lời mẹ dạy như gió lùa qua tai - 1

Ông bà thường đưa ra lý luận này khi can thiệp vào cách dạy con của vợ chồng trẻ (Ảnh thiết kế: Tuệ Nhi).

Thế nhưng cậu bé không tỏ ra biết lỗi mà còn mách ngược với ông bà. Thấy cháu khóc rấm rứt, ông bà xót xa và quát tháo ầm lên, trách mẹ cháu quá cay nghiệt. Được đà có người bênh, Cún chạy thẳng sang phòng ông bà và tiếp tục nằm xem tivi.

Chị kể tiếp, những ngày sau đó, mỗi khi chị có ý định "dạy dỗ" con thì ông bà gạt phắt với lý do "trẻ con có biết gì đâu mà mắng nó nặng lời". Cún thản nhiên bỏ ngoài tai những lời nói của mẹ mà gào lên: "Mẹ mà đánh là con mách ông bà nội đấy". Nghe cậu con trai thách thức, chị càng "điên tiết" hơn khiến nhà cửa ầm ĩ như "ong vỡ tổ".

Ông bà đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu của thằng bé chỉ qua nét mặt và ánh mắt khiến người mẹ trẻ ngán ngẩm. Có lần, Cún nằm lăn lóc ăn vạ giữa sân vào giờ ngủ trưa chỉ vì bị mẹ cấm ăn kẹo.

Chị Thiện bực mình mắng con thì ông bà lại bênh chằm chặp và lấy bánh ngọt để dỗ dành cháu. Cuối cùng, người lớn tranh luận nảy lửa còn Cún thì cười đùa ăn bánh đầy khoái chí. Ông bà cho rằng chị đang bắt nạt con, nhưng thử hỏi mẹ không thương con thì ai thương?

Mẹ chồng chị Thiện bênh cháu bất kể đúng hay sai. Khi Cún tranh giành đồ chơi và bị cậu bé hàng xóm xô ngã thì ngay lập tức bà sửng cồ lên mắng té tát dù người sai là cháu mình. Chuyện này khiến chị ngượng "chín" mặt với hàng xóm. Từ đó, cậu bé kia cũng chẳng bao giờ sang chơi với Cún nữa.

Người mẹ khổ sở kể, chị chỉ cần con là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết cách cư xử chứ chưa hề đặt nặng chuyện con phải học tập giỏi giang. Thế nhưng, kể từ khi ở với ông bà nội và được nuông chiều, cậu bé để lời mẹ nói như "gió lùa qua tai".

Khi vợ chồng chị bàn chuyện không để bé ở với ông bà nữa thì nhận được một tràng đạo lý: "Ngày xưa chúng tôi nuôi chồng chị cũng như thế mà giờ vẫn thành người đấy thôi. Nuôi con hiện đại gì, bày vẽ thì có". Nhưng rồi anh chị vẫn cương quyết đưa con về nhà để dạy lại, ông bà đành phải xuôi theo.

Sau đó, chị nghỉ việc, dành thời gian khéo léo dạy bảo để Cún hiểu rằng bố mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con.

Giờ bé Cún đã lên lớp 4 nhưng câu chuyện năm con 7 tuổi vẫn khiến chị Thiện rùng mình khi nhớ lại.

"Dù rằng con vẫn chưa quên cảm giác được nuông chiều quá đà nhưng cũng không dám cãi lời mẹ như "chém chả" nữa. Con chỉ có một cuộc đời, thế nên bố mẹ đừng chỉ mải kiếm tiền, không có thời gian gần gũi con, tạo ra khoảng cách giữa mình và con cái. May mắn là sự nhẫn nại của tôi có kết quả, nếu không có lẽ tôi sẽ hối hận mãi", vị phụ huynh trẻ nói.

Cần thấu hiểu tâm lý con cái và dung hòa quan điểm giữa các thế hệ

Ông bà bênh chằm chặp, con coi lời mẹ dạy như gió lùa qua tai - 2
Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh (Ảnh: NVCC)

Bàn về vấn đề thấu hiểu tâm lý con trẻ để giáo dục con đúng hướng, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh cho rằng, trong mối quan hệ giữa gia đình 3 thế hệ luôn có những khác biệt về quan điểm và suy nghĩ trong các hoạt động sống dẫn đến những mâu thuẫn.

Theo đó, một đứa trẻ hình thành hành vi ngỗ ngược, khó bảo thì có nhiều yếu tố tác động. Hầu hết trẻ em sẽ có tính cách hồn nhiên và nhiều nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới, vậy nên trẻ có tính cách hiếu động là điều dễ hiểu.

Bố mẹ sẽ là người hướng dẫn con các quy tắc để điều chỉnh hành vi đúng mực. Trong quá trình rèn giũa trẻ, ông bà cũng muốn đưa ra những quan điểm nuôi dạy và vô tình nó lại không thuận chiều với bố mẹ.

Các bậc phụ huynh cần điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân khi tương tác với ông bà và con cái. Đối với ông bà thì cần thỏa thuận trước những nguyên tắc bố mẹ sẽ dạy con trong cuộc sống và kêu gọi sự hỗ trợ của ông bà để cùng hướng dẫn trẻ.

Khi trẻ mắc sai lầm, bố mẹ cần bình tĩnh và phân tích điều gì phù hợp và chưa phù hợp để trẻ xây dựng được các nét tính cách lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, để trẻ không cảm thấy cứng nhắc thì bố mẹ cũng cần tạo cho trẻ hứng thú khám phá và trải nghiệm nhiều hoạt động. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm việc nhà giống như một cách để trẻ vui chơi và học hỏi được nhiều thứ mới mẻ.

Ví dụ, mẹ cùng con nấu những món ăn mới, bố cùng con sửa chữa các vật dụng trong nhà. Điều này làm tăng tính gắn kết giữa bố mẹ và con cái, trẻ cũng sẽ bắt đầu xây dựng ý thức trách nhiệm trong gia đình.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ong-ba-benh-cham-chap-con-coi-loi-me-day-nhu-gio-lua-qua-tai-20230212011150043.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ong-ba-benh-cham-chap-con-coi-loi-me-day-nhu-gio-lua-qua-tai-20230212011150043.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ông bà bênh chằm chặp, con coi lời mẹ dạy như 'gió lùa qua tai'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO