Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone

06/09/2020 09:42

Tại sao phải tuyệt vọng đến mức tích trữ cả chip chưa hoàn thiện, khi mà chỉ vài tháng nữa thôi, P50 sẽ bị tất cả các đối thủ "nghiền nát" về hiệu năng?

Ngày 14/9 sắp tới sẽ đánh dấu một cột mốc đặc biệt của Huawei: lệnh cấm được tổng thống Mỹ ban bố vào tháng 8 sẽ chính thức có hiệu lực. Sau ngày này, tất cả các đối tác gia công hay cung ứng chip cho Huawei đều sẽ phải xin phép chính quyền Trump trước khi được bán sản phẩm cho gã khổng lồ smartphone Trung Quốc. Do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và do bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, chắc chắn Huawei sẽ không thể mua chip từ TSMC, MediaTek hay bất kỳ một công ty bán dẫn nào khác trong khoảng thời gian từ giờ đến cuối năm.

Theo đúng như dự đoán của CEO, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã đưa ra vào năm ngoái - sau khi Huawei mất quyền sử dụng Android của Google, Huawei giờ đã rơi vào chế độ "sinh tồn". Các nguồn tin từ ngành sản xuất chip cho biết gã khổng lồ smartphone Trung Quốc hiện đang nỗ lực hết sức để tích trữ càng nhiều chip càng tốt - từ chip 5G, Wi-Fi, chip vô tuyến cho đến chip điều khiển màn hình. Huawei thậm chí còn mua luôn cả các "mâm" chip (vừa chế tạo từ silicon, chưa bóc tách) để gia tăng tối đa số lượng tích trữ trước khi mất quyền mua bán dẫn.

Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone - Ảnh 1.

Huawei tuyệt vọng tới mức phải mua cả chip còn đang "trên mâm", tức là vừa mới sản xuất và chưa được kiểm tra thử nghiệm.

Ông đồng Ming Chi-Kuo, một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của giới phân tích thị trường, mới đây đã đưa ra nhận định rằng Huawei có thể sẽ phải ngừng kinh doanh smartphone. Và xét tới tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" vào lúc này, thực sự là Huawei nên khai tử mảng smartphone càng sớm càng tốt.

Cái giá của ngôi đầu

Theo số liệu từ Counterpoint, trong quý 2 vừa qua Huawei đã chính thức vượt mặt Samsung để giành lấy vị trí số 1 thế giới. Lý do trực tiếp dẫn đến cuộc lật ngôi này là do tương quan thay đổi giữa thị trường Trung Quốc và phần còn lại của thế giới: ngay sau khi trở thành mục tiêu của chính quyền Mỹ vào năm ngoái, Huawei cũng nhanh chóng vươn lên nghiền nát các đối thủ tại thị trường quê nhà. Vị thế áp đảo này được duy trì đến quý 2 vừa qua, khi Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tiên hồi phục từ Covid-19. Trong cùng một quý, các thị trường trọng yếu của Samsung như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng smartphone Galaxy bị suy giảm tới gần 30% Covid-19 trong khi smartphone Huawei/Honor được giữ vững nhờ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Nhưng vị trí số 1 của Huawei không chỉ đến từ lòng yêu nước của người Hoa. Theo một báo cáo của Nikkei, Huawei đã thực hiện rất nhiều biện pháp mạnh tay để đánh bại cả Apple lẫn các "đồng hương". Các cửa hàng bán lẻ sẵn sàng nhận thu mua điện thoại từ bất kỳ thương hiệu nào khác để đổi sang Huawei. Các chương trình khuyến mại cho điện thoại Huawei đôi khi có giá trị lên tới hàng trăm USD. Kết quả là, quý 2 vừa qua, Huawei chiếm đến gần một nửa thị trường Trung Quốc (47%).

Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone - Ảnh 2.

Huawei đã phải thực hiện nhiều biện pháp khuyến mại mạnh tay để giữ được thị phần.

Càng ngày, việc duy trì các biện pháp khuyến mại này sẽ càng trở nên khó khăn hơn: Huawei đang phải vung tiền tích trữ chip và cũng đang phải đầu tư cho các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ (HMS thay thế Google trên Android, hệ điều hành Harmony, các công nghệ chip của riêng…). Không sớm thì muộn, các chương trình khuyến mại sẽ buộc phải cắt giảm quy mô, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến doanh số điện thoại bán ra.

Cố gắng để làm gì?

Quan trọng hơn, Huawei thực sự không có nhiều lý do để cố gắng bám trụ thị trường smartphone. Việc hãng này tuyệt vọng đến mức phải mua cả mâm chip tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về chất lượng. Chip Kirin cũng đã thường xuyên tụt hậu về hiệu năng so với Snapdragon hay Exynos - tình trạng tuyệt vọng như hiện nay sẽ càng khiến cho khoảng cách giữa smartphone Huawei hay smartphone Samsung, Xiaomi càng ngày càng gia tăng.

Theo thừa nhận của chính các nhà lãnh đạo công ty, Huawei thậm chí còn chỉ đủ sản lượng Kirin để sử dụng cho Mate 40 sắp tới. Nếu có cố gắng ra mắt P50 vào năm sau, việc gã khổng lồ Trung Quốc phải chuyển sang sử dụng chip MediaTek hay chip SMIC là gần như tất yếu. Cùng lúc, Galaxy S21 hay Mi 11 vẫn sẽ được trang bị Snapdragon 875, vẫn sẽ được sản xuất trên những dây chuyền tân tiến nhất. Khoảng cách sẽ là quá lớn, và Huawei thực chất sẽ đâm đầu vào một cuộc đua nắm chắc phần thua. Kịch bản tất yếu là các thị trường quốc tế, vốn chỉ còn chiếm 29% trong doanh số của Huawei, sẽ còn thu hẹp hơn.

Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone - Ảnh 3.

Không còn quyền sử dụng chip hay dây chuyền có công nghệ Mỹ, sớm hay muộn smartphone Huawei cũng sẽ bị chính các đối thủ "đồng hương" bỏ xa về hiệu năng.

Dĩ nhiên, Huawei vẫn còn thị trường Trung Quốc, nơi đã đóng góp 71% doanh số của hãng này trong quý 2 vừa qua. Nhưng ngay cả cuộc chiến sân nhà cũng sẽ trở nên khó khăn gấp bội, vì Xiaomi, OPPO và Vivo vẫn sẽ có quyền tiếp cận những con chip mới nhất, mạnh nhất từ nước Mỹ. Chừng nào lệnh cấm của nước Mỹ vẫn chưa được gỡ bỏ, cuộc chiến của Huawei tại Trung Quốc vẫn sẽ mang cùng một bản chất với cuộc chiến của hãng này tại châu Âu hay Đông Nam Á: thất bại chỉ là vấn đề thời gian. Khi khoảng cách giữa Huawei và các đồng hương/đối thủ vượt quá giới hạn chịu đựng của người dùng, doanh số Huawei/Honor sẽ dần dần bốc hơi.

Vẫn còn có 5G

Con đường sinh tồn duy nhất giờ thuộc về mảng kinh doanh còn lại của Huawei, cũng là mảng kinh doanh đã đưa gã khổng lồ Trung Quốc lên bản đồ thế giới. Trong khi nhiều quốc gia đã tiến hành loại bỏ Huawei ra khỏi hạ tầng 5G, Trung Quốc và một số đồng minh vẫn sẽ lựa chọn thiết bị mạng của Hoa Vỹ cho thế hệ kết nối mới. Do yêu cầu về chip trên thiết bị mạng không ngặt nghèo như chip trên smartphone, mảng kinh doanh này vẫn còn khả năng sống sót trong lúc Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách tạo ra những con chip của riêng mình.

Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone - Ảnh 4.

Huawei: sao không từ bỏ luôn mà cứ nỗ lực trì hoãn thất bại để làm gì?

Ngược lại, mảng kinh doanh di động không có được cơ hội ấy. Mất quyền tiếp cận những con chip mới nhất của Mỹ và thậm chí là mất luôn quyền sử dụng các dây chuyền silicon tân tiến trên thế giới, smartphone Huawei sớm hay muộn cũng sẽ bị chính các đồng hương Trung Quốc bỏ xa. Khi ấy, người dùng Trung Quốc dù có trung thành đến mấy rồi cũng sẽ phải từ bỏ Huawei mà thôi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ở tình cảnh khốn khổ như hiện nay, có lẽ Huawei nên chủ động sớm từ bỏ thị trường smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO