Nữ sinh Hà Nội bật khóc kể về áp lực học tập: Làm sao vượt qua 'điểm sôi' cảm xúc?

18/05/2022 11:14

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc học trực tuyến kéo dài, khi quay trở lại trường học nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý nhưng chưa biết làm sao để vượt qua.

Chia sẻ về những áp lực của mình trong quá trình học tập, em Nguyễn D.K. - học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trương Tộ (Hà Nội) cho hay: “Năm 2017 khi em và mẹ sang Đức tìm kiếm môi trường học tập mới, em nghĩ sang đó có môi trường tốt nhưng sau đó em và mẹ gặp khó khăn về ngôn ngữ mới, môi trường không có người thân.

Khi đó em cũng không nhận được sự quan tâm từ mẹ. Sau 3 năm không tìm kiếm được mục tiêu, năm 2020 gia đình em quyết định về Việt Nam.

Khi về nước và quay lại trường học ở Việt Nam, suy nghĩ của em khác với các bạn trong lớp vì em và các bạn chênh lệch 2 tuổi, em bị cô lập và cũng không tham gia các hoạt động của nhà trường.

Lúc này giữa em và mẹ cũng không có tiếng nói chung, em cảm giác mẹ không hiểu mình và việc học với em thực sự là áp lực lớn.

Sau đó, em tìm giáo viên chủ nhiệm tâm sự và nói những gì em suy nghĩ. Cũng may sau đó em nhận được lời khuyên của cô về cách thích nghi với môi trường học tập ở đây. Bây giờ thì em có thể chơi được với bạn cùng lớp ít hơn 2 tuổi. Em cũng tương tác với mẹ nhiều hơn, em và mẹ không còn rào cản, thân thiết, hiểu nhau hơn.

Đặc biệt, với bạn bè, em rất vui vì được mọi người thấu hiểu hoàn cảnh của em, giúp em học tập tốt hơn”.

Nữ sinh Hà Nội bật khóc kể về áp lực học tập: Làm sao vượt qua 'điểm sôi' cảm xúc?
Em Nguyễn Duy Khánh chia sẻ câu chuyện về áp lực học tập của mình

Còn em Đ.X.T. - học sinh lớp 7A11 trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) cho biết áp lực của em đến từ 1 lần bị điểm 2 môn Lịch sử vì em không ghi chép bài đầy đủ.

“Em còn nhớ mãi hôm đó cô cho em điểm 2, tất nhiên lỗi đến từ em vì em không ghi chép bài, em không làm bài tập. Sau đó, em nói với cô rằng em không chép bài phần đó vì phần đó em hiểu rồi. Thế nhưng, cô nói với em là “anh về đi, không cần học, tôi bảo lãnh cho anh đi thi”.

Lời nói của cô khiến em hụt hẫng, tổn thương vì ý em là em hiểu phần đó thôi chứ không phải em đã hiểu hết và không cần học tập, cứ thế đi thi. Từ sau việc đó, việc học với em như một cực hình vì cảm giác cô giáo không hiểu mình, em có cảm giác là mình không thích đến trường”, T. nói.

Nữ sinh Hà Nội bật khóc kể về áp lực học tập: Làm sao vượt qua 'điểm sôi' cảm xúc?
Học sinh bật khóc khi kể về áp lực tâm lý đã trải qua.

Bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sau khi lắng nghe câu chuyện của các học sinh, tôi thấy mừng vì các em tìm được giải pháp để giải tỏa tâm lý của mình thay vì chọn cách tự làm hại bản thân. Thực ra, ở tuổi này, mong muốn của các em là có sự thấu hiểu từ cha mẹ, thầy cô và bạn bè.

Đôi khi việc chia sẻ là khó khăn nhưng tôi nghĩ rằng các em đừng ngần ngại chia sẻ vì chỉ chia sẻ mọi người mới thấu hiểu và giúp đỡ được các em, giúp các bên hiểu nhau hơn để điều chỉnh hành vi cũng như cảm xúc của bản thân”.

Chia sẻ tại diễn đàn “Điều em muốn nói” do Hội đồng đội Trung ương phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, có những học sinh tức giận và tự cho mình quyền thể hiện điều đó. Tuy nhiên, các em cảm thấy tức giận không có nghĩa là các em được hành động tức giận.

“Một thực tế hiện nay là nhiều học sinh bị mất kết nối với những người xung quanh. Vết thương tâm lý cũng giống như vết thương ở tay chân, chúng ta phải mở băng, lau vết thương có thể hơi đau nhưng nhanh lành. Vết thương trong lòng cũng nên được ứng xử như vết thương ngoài da.

Các học sinh hãy chia sẻ với những ai mà mình cảm thấy tin tưởng, đừng để những áp lực tâm lý, những vết thương lòng trở nên trầm trọng”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cũng theo chuyên gia này thì có những bạn nói bố mẹ bận, không lắng nghe mình nhưng đổi lại tại sao mình không chọn khoảng thời gian bố mẹ đỡ bận; hoặc vấn đề khó nói trực tiếp thì có thể nhắn tin, viết email cho bố mẹ?

“Ngoài bố mẹ, khi gặp áp lực tâm lý, học sinh có thể chia sẻ với các thầy cô, người thân trong gia đình, người bạn thân nhất... Các em hãy nhớ rằng mình có thể chia sẻ với nhiều người. Ví dụ các em chia sẻ câu chuyện của mình với 5 người thì có 1-2 người bận còn lại chắc chắn sẽ có người sẵn sàng lắng nghe.

Cảm xúc của chúng ta có thể lúc này rất vui nhưng chỉ một lúc sau đó lại bình thường. Cảm xúc đau khổ cũng thế. Bạn nào nói có ý tưởng cắt tay, làm đau bản thân là lúc cảm xúc rơi vào tuyêt vọng, đó cũng chỉ là nhất thời. Chúng ta hãy làm chủ cảm xúc, vượt qua giai đoạn điểm sôi của cảm xúc.

Ví dụ có bạn phải trải qua cảm giác người khác bình luận xấu xí về mình. Vậy phản ứng với những bạn bắt nạt thế nào cho đúng? Thường thì tôi thấy các em dùng lời lẽ không thân thiện công kích hay né tránh nhưng hai cách này đều không phù hợp.

Nếu bị công kích qua mạng thì các em không nên phản hồi mà lưu lại bằng chứng, chụp màn hình, có thể tìm các cách thức chặn, báo cho người xung quanh về thông điệp của sự bắt nạt.

Việc chia sẻ với những người quan tâm mình để các em không rơi vào tình huống tiếp tục nhận lời chỉ trích hay thiếu thân thiện của các bạn”, TS Trần Thành Nam lưu ý.

Hoàng Thanh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh Hà Nội bật khóc kể về áp lực học tập: Làm sao vượt qua 'điểm sôi' cảm xúc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO