Nông sản Miền Tây chật vật tìm nơi tiêu thụ

Võ Thanh Bình| 29/07/2021 15:06

Nông sản Miền Tây đang vào mùa, tuy nhiên bài toán đầu ra vẫn rất khó khăn trong bối cảnh COVID-19 làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng và khâu vận chuyển.

Nghịch lý này đang khiến cho nông dân lao vào cảnh khó vì không chỉ rau củ quả, mặt hàng trái cây như nhãn, chôm chôm... cũng bị chung tình trạng rớt giá mạnh, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng.

Nhiều tỉnh Miền Tây lên phương án giải cứu nông sản


Theo Báo Đồng Tháp, UBND huyện Lấp Vò vừa có văn bản công bố đường dây nóng Tổ tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.

Đồng Tháp
hiện có 16 doanh nghiệp cùng các siêu thị Big C, Vinmart... liên kết tiêu thụ với 13 hợp tác xã, 5 Tổ hợp tác.

nong-san-mien-tay-chat-vat-tim-noi-tieu-thu-1.jpg
Đồng Tháp hướng đến mô hình nông nghiệp bền vững. Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Thông tin từ Báo Ấp Bắc, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, vừa góp phần tiêu thụ tốt nông sản địa phương, vừa giúp người dân tiếp cận nguồn thực phẩm rau củ quả trong thời gian giãn cách xã hội.

Hiện khả năng cung ứng các mặt hàng nông sản sẽ vượt với dung lượng cầu tại TP.HCM, nhất là các mặt hàng thủy hải sản và trái cây. Riêng nhóm rau, củ hiện đã thừa mặt hàng dưa leo.

Được biết, sản lượng rau màu tỉnh Tiền Giang dự kiến thu hoạch trong tháng 7/2021 khoảng 62.000 tấn. Từ đầu tháng 7 đến nay đã cho thu hoạch và tiêu thụ khoảng 39.598 tấn, sản lượng còn lại trong tháng khoảng 22.402 tấn. Dự kiến trong tháng 8/2021, Tiền Giang tiếp tục thu hoạch khoảng 60.000 tấn rau các loại.

Vấn đề tiêu thụ nông sản cũng là bài toán đang được Vĩnh Long lên kế hoạch giải cứu. Theo Báo Vĩnh Long, Sở Công thương tỉnh cho biết sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và UBND các Huyện - Thị xã - Thành phố nắm sát tình hình sản xuất nông sản của các địa phương, cập nhật thông tin về diện tích, sản lượng, thời điểm thu hoạch... để có kế hoạch thu gom, phân phối tiêu thụ phù hợp.

nong-san-mien-tay-chat-vat-tim-noi-tieu-thu-thumb.jpg
Khoai lang Bình Tân - Vĩnh Long có giá chỉ vài ngàn đồng/kg. Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Trong kế hoạch này, Sở Công thương sẽ liên kết với Sở Công thương các Tỉnh - Thành phố, đặc biệt là TP.HCM và TP. Cần Thơ để kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh thông qua luồng xanh.

Cùng với đó, Sở Công thương cũng phối hợp Viettel Post, Bưu điện hỗ trợ, củng cố các hệ thống thu mua tại chỗ như các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong thu gom, tiêu thụ nông sản, giải quyết đầu ra cho nông dân và thương lái, vận chuyển và phân phối ổn định vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo kênh phân phối, tiêu thụ cho các vùng, thị trường tiêu thụ.

Báo Sóc Trăng
dẫn lời Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc kêu gọi doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản đã giải quyết phần nào sản lượng hàng nông sản.

nong-san-mien-tay-chat-vat-tim-noi-tieu-thu-2.jpg
Rau củ quả như dưa leo đang thừa nguồn cung rất nhiều. Ảnh: Báo Hậu Giang.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các ban ngành liên quan hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đề nghị các xây dựng các phương án trong thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ lúa Hè - Thu, rà soát, thống kê cập nhật sản lượng nông sản, thủy sản để thuận lợi điều tiết tiêu thụ tại địa phương, trong và ngoài tỉnh.

Theo Báo Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã lên phương án tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19.

Ngành nông nghiệp tỉnh ước tính đến cuối tháng 7, nông dân trong tỉnh sẽ cung ứng khoảng 158.000 tấn lúa, trong đó nhu cầu cung cấp tiêu dùng của tỉnh khoảng 4.000 tấn lúa nên còn đến 154.000 tấn sẽ kết nối tiêu thụ và cung ứng cho các địa phương khác.

Sang tháng 8 tới, nguồn cung lúa của tỉnh có thể đạt 256.000 tấn, nhu cầu trong tỉnh chỉ tiêu thụ khoảng 12.000 tấn, còn thừa đến 244.000 tấn.

Tại Bến Tre, Báo Đồng Khởi dẫn thông tin từ Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Bé Sáu, để đảm bảo kết nối, phải có sản lượng và đầu mối cụ thể và số liệu nông sản cần giải tỏa. Trong đó, ưu tiên loại nông sản nào cần tiêu thụ ngay, những sản phẩm nào còn neo được.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, nhãn xuồng cơm vàng là mặt hàng đang có sản lượng nhiều nhất, với khoảng 2 ngàn tấn cần tiêu thụ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, hiện trái cây, dừa và thủy hải sản thì tiêu thụ chủ yếu ngoài tỉnh, trong tỉnh chỉ một phần nào. Về giá cả, phải có sự can thiệp của Nhà nước để thống nhất một giá sau khi cân nhắc giữa giá bình quân và giá thị trường.

nong-san-mien-tay-chat-vat-tim-noi-tieu-thu-3.jpg
Bến Tre huy động lực lượng Đoàn thể tham gia giải cứu nông sản của tỉnh. Ảnh: Báo Đồng Khởi.

“Trước mắt, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ kênh tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh. Sau khi nắm chính xác sản lượng hàng hóa, Sở Công Thương chủ trì việc phối hợp với các Huyện để kết nối với thương lái tiêu thụ hàng nông sản ra ngoài tỉnh, bán trên sàn thương mại điện tử. Giải pháp sau cùng là kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trên toàn quốc như vải thiều của Bắc Giang đã làm”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra ở các tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo nhiệm vụ, Tổ công tác sẽ phối hợp với các tỉnh, thành và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản, xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Miền Tây chật vật tìm nơi tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO