Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác

20/08/2022 02:00

Cụ Muối vào làng phong Quy Hòa (Bình Định) từ năm 13 tuổi, rồi lập gia đình và có con, đến nay, trong căn nhà nhỏ của cụ là 4 thế hệ cùng chung sống.

Trên con đường vào làng, chúng tôi vô tình gặp một cụ già ngồi trước cửa nhà, đôi mắt xa xăm những nỗi niềm quá khứ. Bàn tay, chân của cụ đã co rúm và bị bào mòn qua thời gian bởi căn bệnh phong quái ác.

Một căn bệnh, bốn thế hệ cùng mắc

Cô bé Nguyễn Thị Muối vào làng phong năm 1950. Lúc ấy, cô mới 13 tuổi. Đến nay, cô bé ngày xưa đó đã trở thành bà cụ 85 tuổi. Nhưng như có phép màu, mặc dù cơ thể bị hành hạ bởi căn bệnh phong quái ác, đến giờ, cụ vẫn đi lại được và nói chuyện minh mẫn.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 1

Cụ Muối ngồi trước căn nhà cấp bốn đơn sơ.

Chồng cụ đã mất cách đây 2 năm. Hai cụ nên duyên khi đều mang trong mình căn bệnh phong quái ác, nhưng họ đến với nhau bằng hai trái tim lành lặn.

Tôi vào làng phong từ thời các Sơ đi xin từng củ mì và lát khoai về nấu cho người bệnh, giờ đã 85 tuổi rồi, tôi vẫn ở đây. Khi tôi và ông ấy về ở với nhau, chúng tôi được các Sơ cho ở nhờ một khoảnh đất nhỏ để cất căn nhà mái lá dừa và gỗ cây dương.

Lúc ấy, người bị phong rất nhiều. Họ ở trong những căn mái lá lụp sụp san sát nhau do các Sơ quản lý. Hằng ngày, người lành lặn ra biển bắt cá, người bệnh nặng thì sống nhờ quà từ thiện các Sơ đi xin. Sau giải phóng, các Sơ bàn giao lại nơi này cho cách mạng. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng tôi mới có căn nhà xây như bây giờ”, cụ Muối chia sẻ.

Cụ Muối và chồng có 6 người con, 5 con trai và 1 gái. Họ đều có mầm bệnh phong trong người, nhưng quái ác thay, hai cụ lần lượt mất 4 con trai không phải vì căn bệnh đó, mà do thiếu ăn, bệnh tật.

Còn lại hai con - chú Nguyễn Văn Đây (60 tuổi) hiện sống cùng cụ và cô Nguyễn Thị Phượng (48 tuổi) đã lập gia đình, sống cùng chồng cũng tại làng phong và không thoát khỏi căn bệnh quái ác này.

Tôi cũng lấy vợ tại chính làng phong này. Chúng tôi chỉ dám sinh một con, chuyện tương lai nào ai biết được sẽ ra sao khi hằng ngày nơm nớp nỗi lo bệnh tật”, chú Nguyễn Văn Đây chia sẻ như thế và căn bệnh vẫn đeo đẳng người con trai độc nhất ấy.

Chú Đây kể, cách đây 4 năm, vợ rời hai cha con ra đi mãi mãi. Hằng ngày, chú kiếm cá ngoài biển, phụ hồ trong làng… để kiếm thêm thu nhập nuôi con.

Con trai của chú lớn lên, lập gia đình. Hai vợ chồng họ không chịu nổi cảnh sống trong ngôi nhà chật hẹp với bốn thế hệ như thế nên quyết tâm đi lập nghiệp nơi xa, để lại cho chú đứa cháu nội 17 tuổi ngoài bệnh phong còn bị bại não bẩm sinh.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 2

Đứa cháu bệnh tật là nỗi lo của cụ và ông nội.

Căn nhà cấp bốn đơn sơ là nơi 4 thế hệ từng trú ngụ, chứng kiến bao niềm vui, nỗi buồn, hiện chỉ còn cụ Muối, chú Đây và đứa cháu trai không thể gọi một tiếng “cụ ơi”, “ông nội ơi”. Những điều người cháu này có thể làm được là ăn uống, phá phách và nắm chặt tay ông bà khi có người lạ đến nhà.

17 năm tui chăm cháu khi vợ chồng con trai đi làm xa. Cháu nó phá lắm, toàn đi đập phá đồ nhà người khác trong làng. Cũng may, hàng xóm hiểu nên không ai trách cứ. Tôi đã 60 tuổi nhưng hằng ngày vẫn chạy theo nó canh chừng, ngoài ăn và la lên những tiếng ớ, ớ, cháu không làm được gì cả. Giờ đây, đến đời cháu lại bị như thế, liệu tôi có dám tin vào số phận, đây là đời thứ tư rồi”, chú Đây nghẹn ngào chia sẻ. Ngồi bên cạnh, cụ Muối vội vã lau những giọt nước mắt thi nhau cháy trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 3

Căn nhà nhỏ của cụ Muối, nơi bốn thế hệ mắc bệnh chung sống.

Nỗi đau khôn cùng từ sự kỳ thị

Cụ Muối cho biết, làng phong có nhiều người vào chữa trị và nên duyên vợ chồng. Họ sinh con đẻ cái và được tạo điều kiện cất nhà sinh sống.

Nhưng rồi, những đứa trẻ ở làng lớn lên, đi học cũng tìm cách tách khỏi làng, họa hoằn lắm mới quay trở lại thăm hỏi. Vì dù bệnh phong đã được chữa khỏi, dù kỳ thị xã hội đã vơi bớt, nhưng cái “gốc” làng phong vẫn như một rào cản cho bọn trẻ tự tin hòa nhập, thành đạt sau này”, cụ Muối ngậm ngùi.

Trong quá khứ, khi nền y học chưa phát triển, hiểu biết về bệnh phong của người dân còn hạn chế, bệnh cũng từng được coi là nan y, có thể lây cho người khác và thường gắn liền những hình ảnh đáng sợ như rụng hoặc cụt ngón tay, ngón chân nên người dân sợ hãi, muốn lánh xa bệnh nhân.

Vì vậy, người bị bệnh phong không chỉ phải chịu đựng nỗi đau thể xác mà còn phải gánh chịu sự xa lánh, kỳ thị của nhiều người... Họ phải sống cô đơn trong các trại phong suốt đời.

Cụ Muối kể, năm 12 tuổi bỗng dưng trên cánh tay, bàn chân mình nổi lên những vùng da màu đỏ có mụn li ti, rồi những vùng da đỏ cứ lan rộng dần, lan cả lên mặt, đưa kim châm vào không thấy đau.

Những vết đỏ theo thời gian trở thành các vết loét trên khắp cả cánh tay và mặt. Mẹ cụ liền đưa cụ đi khám thì bác sĩ kết luận bị bệnh phong. Hai mẹ con chưa kịp về đến nhà mà tin “con Muối bị cùi” đã lan từ đầu làng đến cuối xóm.

Kết luận của bác sĩ như “bản án tử” cho tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi của cô bé Muối. Đi đến đâu Muối cũng nhận sự xa lánh, người làng luôn đi cách xa cô vài ba mét hoặc thấy cô bé là chạy thật nhanh.

Nơi đâu có Muối xuất hiện là ở đó thoắt cái đã không một bóng người. Những đứa trẻ hàng ngày vẫn cùng Muối chơi trốn tìm, chơi đuổi bắt khắp đầu làng cuối xóm giờ cũng bị cha mẹ cấm cho Muối chơi cùng, cấm đến gần cô bé.

Thậm chí đến người nhà cũng không dám để cô nấu cơm, làm đồ ăn vì sợ “con vi khuẩn cùi” truyền qua. Rồi Muối “được” cho “ra riêng” dưới gian nhà kho tối om ở góc tường, cách nhà 50 m, mùa nóng thì như cái hầm, mùa mưa thì dột tứ tung. Ngày 2 bữa cơm người nhà sẽ đem tới để ở cửa nhà kho rồi gọi Muối ra lấy.

Trong suy nghĩ non nớt của bé Muối khi đó là hàng loạt những câu hỏi: “Vì sao lại thế?”, “Vì sao ai cũng tránh xa mình?”, “Vì sao đến cả mẹ cũng không dám đến gần mình?”, “Vì sao mình không còn được ở cùng nhà với cha với mẹ?”…

Đã có lần, Muối ngồi cả buổi sáng, nhìn qua khe hở của căn nhà, đợi mẹ đưa cơm đến cho mình rồi chạy ào ra níu áo mẹ hỏi: “Sao con không được ở chung với mẹ cha, mẹ không thương con nữa à?”, nhưng đáp lại việc giật tà áo ra khỏi tay em và ánh mắt mong chờ của cô chỉ là sự lảng tránh của mẹ.

Những ngày đầu “ra ở riêng”, đêm đến, Muối không ngủ được, phần vì nhớ mẹ, nhớ hơi ấm của mẹ, phần vì… sợ ma. Cô bé Muối khi đó chỉ biết ngồi thu lu vào một góc căn phòng để khóc, bàn tay đầy vết loét đưa lên lau nước mắt đau buốt đến thấu xương. Càng đau càng khóc, và càng khóc thì nước mắt thấm vào tay càng đau… Muối khi đó ngoài sự hoảng loạn là một tâm hồn non nớt bị tổn thương.

Sau một năm sống ngác ngơ dưới ánh mắt kỳ thị của người đời, mẹ đưa Muối đến làng phong Quy Hòa và từ đó chưa một lần người thân đến thăm Muối.

Bé Muối ngày ấy giờ đã là bà lão “gần đất xa trời”. Sáng-trưa-chiều-tối, cụ Muối vẫn thường ngồi ở chiếc ghế nhựa đặt trước cửa nhà, nhìn xa xăm tự hỏi: “Không biết quê hương giờ trông thế nào? Không biết người thân có mạnh giỏi?”.

Mấy chục năm nay cụ Muối chỉ quanh quẩn trong làng phong này, dù bây giờ mọi thứ đã không như xưa, mọi người đã không còn xa lánh với người bị bệnh phong.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 4

Đi khắp làng phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy trên con đường làng rợp mát bóng dừa.

Thung lũng tình thương

Bị chính gia đình, bố mẹ, anh chị em xa lánh, hắt hủi, những bệnh nhân phong tưởng đời mình đã chấm dứt từ những năm tháng thanh xuân ấy. Thế nhưng khi tìm về làng phong Quy Hòa, họ được an ủi, thấy được sự đồng cảm và nên duyên, cùng nhau chung sống hạnh phúc đến tận bây giờ. Cụ ông ốm thì cụ bà thuốc thang, chăm sóc. Cụ bà bệnh, cụ ông lại lo lắng chạy vạy ngược xuôi.

Ở “làng phong” những năm gần đây xuất hiện thêm nhiều trẻ em, thanh thiếu niên. Bởi tại nơi này, những con người không may mắn đã tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau và từ đó, hạnh phúc đã nảy mầm.

Sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa, thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương và ấm áp tình người. Mọi người đã đặt thêm cho nơi này một cái tên rất thơ mà thực: “Thung lũng tình thương”.

Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa cứ như trong chuyện cổ tích. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Đi khắp làng phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy trên con đường làng rợp mát bóng dừa.

Được sống với nhau trong tình yêu thương, các bệnh nhân không còn thấy bị mặc cảm. Sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 5
Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 6

Một góc buôn bán nhỏ, một mái ấm không hề nhỏ.

Dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ, chúng tôi đến căn nhà của anh Phạm Văn Sung (50 tuổi) người dân tộc H’rê, quê ở Quảng Ngãi và chị Ka Wẹ (59 tuổi) người dân tộc Châu Mạ, quê ở Lâm Đồng.

Rót mời chúng tôi ly nước, anh Sung kể, năm lên 10 tuổi, anh đã mắc bệnh phong. Gia đình cất một cái chòi riêng ở ngoài rẫy cho anh ở. Đến một ngày cuối năm 2000, anh lên cơn sốt, phải nhóm lửa để sưởi ấm.

Lúc mê man trong cơn sốt, tay phải vô tình thò vào bếp lửa nhưng vì mất hết cảm giác nên không hề hay biết. Đến khi giật mình bật dậy thì đã bị cháy hết mấy ngón tay.

Lầm lũi sống đến cuối năm 2003, anh được một bác sĩ đưa đến làng phong Quy Hòa điều trị. Từ đó đến nay, chân phải anh bị cắt bỏ 2 lần.

Còn chị Ka Wẹ, trước đây đã có chồng và 4 người con. Chị chẳng may mắc bệnh phong năm 30 tuổi. Đến năm 40 tuổi, chị bị người chồng xua đuổi ra khỏi nhà. Sau đó, chị lang thang khắp nơi rồi trôi dạt xuống Quy Hòa vào giữa năm 2011.

“Ngày đầu tiên cô ấy vào đây chúng tôi đã có duyên gặp mặt, khi đó cô ấy quên mang theo cục sạc điện thoại nên khi máy hết pin. Cô ấy đi hỏi mượn nhiều người nhưng chỉ có tôi dùng điện thoại cùng loại.

Ban đầu, cô ấy ngại nên phải nhờ mọi người mượn giúp. Lúc trả cục sạc, cô ấy mới ngỏ lời làm quen, rồi chúng tôi lưu số điện thoại của nhau và hàng ngày trò chuyện”, anh Sung kể.

Nhắc lại chuyện cũ, chị Wẹ ngượng ngùng cho biết, sau một thời gian nói chuyện, không hiểu có tình cảm hay gì nhưng ngày nào chị cũng “kiếm cớ” để được gặp anh. Nhưng vì mặc cảm đã từng có chồng con, còn anh Sung thì trai tân nên chị không dám nói.

"Sau một tháng chữa trị, chị Wẹ được xuất viện, trở về Lâm Đồng. Khoảng cách địa lý khiến cả hai nhận ra tình cảm dành cho nhau. Thế rồi được anh Sung thuyết phục, chị Wẹ  trở lại Quy Hòa. “Thế là rổ rá cạp lại, thành vợ thành chồng”, anh Sung vừa nói vừa nhìn vợ cười.

Hiện vợ chồng anh Sung đang sống trong căn nhà tập thể của làng. Cuộc sống dù còn vất vả khó khăn, nhưng 2 vợ chồng đều mãn nguyện. Chị từng một lần trắc trở tình duyên nên trân trọng hạnh phúc hiện tại. Anh thì bước qua con dốc cuộc đời mới có được mái ấm nên cũng không mong gì hơn.

Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác - 7

Những nếp nhà đơn sơ, trong đó là những cặp vợ chồng, con cái hạnh phúc bên nhau.

Nhìn những nếp nhà đơn sơ, trong đó là những cặp vợ chồng, con cái hạnh phúc bên nhau, tôi hiểu rằng không dễ gì để có niềm vui ấy. Tuy bệnh tật vẫn còn hành hạ không ít bệnh nhân nhưng sâu thẳm trong họ đã không còn sự tự ti với cuộc đời.

Vượt lên sự mong manh trong giới hạn sống, họ tự xây dựng cho mình gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, những vòng tay dang rộng của cộng đồng đang trở thành động lực để họ hướng tới một ngày mai tươi đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Ánh (ở làng phong Quy Hòa) rưng rưng chia sẻ: “Ơn trời, bọn nhỏ lớn lên giữa cái nơi đầy rẫy bệnh tật nhưng không đứa nào việc gì. Nhìn các con, các cháu khỏe mạnh, lành lặn tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.

Trong bài viết này, tôi xin không nói về những khó nhọc mà bấy nhiêu năm những cặp vợ chồng ở đây phải bươn chải kiếm sống nuôi các con khôn lớn, trưởng thành bởi điều ấy có lẽ chẳng bút mực nào có thể tả.

Chỉ biết rằng, tình yêu chân thành đã giúp họ vượt qua những gấp khúc vô thường để không chỉ tồn tại mà còn cảm nhận như khúc hát tình sâu lắng mà âm hưởng của nó còn vang mãi, vang mãi...

Kỳ sau: Đơn đặt hàng kỳ lạ cho những đôi chân bị ăn mòn theo năm tháng

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO